Nhà Minh (1368 – 1644) được coi là một trong những triều đại vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong gần 300 năm trị vì, triều đại thịnh trị này có nhiều thành tựu lớn về chính trị, kinh tế,..., cũng như duy trì được sự ổn định lâu dài cho dân chúng.
Đặc biệt, triều đại nhà Minh cũng nổi tiếng trong sử sách với công trình khiến hậu thế ngưỡng mộ, đó chính là Tử Cấm Thành, hay còn gọi là Cố Cung, tổ hợp cung điện vô cùng hoành tráng được xây dựng cách đây khoảng 600 năm.
"Cuộc chiến chốn thâm cung" trong Tử Cấm Thành thời nhà Minh vốn không hề dễ dàng.
Không chỉ diễn ra nhiều cuộc thiết triều quan trọng của đất nước, đây cũng chính là nơi ở các hoàng đế nhà Minh và hàng nghìn cung tần mỹ nữ.
Tuy nhiên, "cuộc chiến thâm cung" vốn không hề đơn giản và đặc biệt là số phận của những người phụ nữ xinh đẹp đằng sau cánh cửa hào nhoáng của Tử Cấm Thành cũng thật sự đáng sợ.
Theo một số ghi chép lịch sử, một vài vị hoàng đế nhà Minh còn có tới 9.000 phi tần. Nhiều người trong số họ bị ép buộc vào hoàng cung, nhưng lại vô tình bị "cầm tù" trong nhà tù mạ vàng này cho tới chết vì không được hoàng đế để mắt tới hoặc lâm hạnh.
Dù vậy, ngay cả số ít mỹ nhân có địa vị cao quý trong cung cấm cũng không tránh khỏi họa sát thân khi ở cùng hoàng đế triều Minh. Một trong số đó chính là Phương Hoàng hậu (hay Hiếu Liệt hoàng hậu). Đây chính là vị hoàng hậu thứ ba của Minh Thế Tông (tên thật là Chu Hậu Thông), và được chính sử gọi là Gia Tĩnh Đế (trị vì từ năm 1521 – 1567). Ông cũng chính là một trong những vị hoàng đế gặp phải nạn thích khách gây chấn động.
Đam mê phương thuốc trường sinh, Minh Thế Tông không ngừng tìm kiếm và cho mời nhiều đạo sĩ vào cung để luyện đan. Tuy nhiên, thứ thuốc oái oăm từ một người đạo sĩ mà Minh Thế Tông tin dùng đã không ngờ gây ra một "tai họa" thích khách vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Đó chính là Nhâm Dần cung biến và đây được cho là một phần gốc rễ gây nên kết cục bi thảm cho vị hoàng hậu họ Phương, người vốn được sử sách mô tả là một mỹ nhân.
Chân dung Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế.
Nghe theo lời của một đạo sĩ tên là Đào Trọng Văn, Minh Thế Tông đã cho tuyển mộ hàng nghìn trinh nữ tuổi từ 12-15 nhằm lấy nguyên liệu để điều chế thứ "xuân dược" được cho là không chỉ giúp sức khỏe cường tráng mà còn có thể trường sinh bất lão. Theo bộ sử "Minh thực lục", Minh Thế Tông từng chọn hơn 1.000 thiếu nữ vào cung trong giai đoạn từ năm 1547 – 1564 để phục vụ cho việc điều chế thuốc trường sinh.
Tuy nhiên, một trong những nguyên liệu để bào chế ra phương thuốc trường sinh này chính là kinh nguyệt lần đầu tiên của những thiếu nữ trẻ tuổi.
Để thu hoạch được máu trinh nữ chất lượng nhất, những cung nữ tội nghiệp này phải chịu đựng một chế độ ăn uống hà khắc khiến nhiều người thậm chí đã mất mạng khi thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập. Những người còn sống nảy sinh oán hận và chờ đợi thời cơ để báo thù.
Bắt giữ hàng trăm cung nữ, đánh đập và bỏ đói nhiều ngày để thu hoạch "máu trinh nữ" nhằm điều chế đan dược trường sinh, khiến cho nhiều người căm hận và là gốc rễ xảy ra Nhâm Dần cung biến.
Theo Minh thực lục, bộ biên niên sử về triều Minh, có ghi chép, vào ngày 21 tháng 10 âm lịch năm Gia Tĩnh thứ 21 (tức năm 1542), một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử đã xảy ra và được sử sách gọi là Nhâm Dần cung biến. Cụ thể, Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế bất ngờ bị một nhóm cung nữ hành thích ngay trong khi còn đang say ngủ.
Bấy giờ Gia Tĩnh Đế đã ngủ say sau khi uống rượu tại cung của Tào Đoan phi, nhóm cung nữ gồm 17 người đã chớp thời cơ và tiến hành kế hoạch mưu sát hoàng đế. Đứng đầu nhóm thích khách có 1-0-2 này là cung nữ tên là Dương Kim Anh. Sau khi cung nữ này lấy dải lụa xiết vào cổ của Gia Tĩnh Đế, còn những người khác thì bịt mắt, giữ chặt tay chân của hoàng đế.
Tranh vẽ minh họa về vụ mưu sát Minh Thế Tông của nhóm thích khách toàn cung nữ, được sử sách gọi là Nhâm Dần cung biến.
Trên long sàng, vị hoàng đế đam mê trường sinh bỗng đột nhiên tỉnh dậy, nhưng lại không thể mở miệng kêu cứu vì tốc độ của nhóm thích khách rất nhanh, hơn nữa chân tay lại đang bị khống chế. Mọi việc tưởng chừng như đã được an bài và Gia Tĩnh Đế có lẽ rất khó thoát khỏi cái chết.
Thế nhưng, do hoảng sợ cùng việc chân tay luống cuống nên nút thắt dải lụa ở cổ hoàng đế bị buông lỏng. Do đó, ông chỉ bị tạm thời ngất đi chứ chưa chết.
Trong khi đó, một cung nữ trong đám thích khách là Trương Kim Thúy lại phản bội, lén bỏ trốn và chạy tới cung Khôn Ninh để mật báo của Phương Hoàng hậu.
Vị hoàng hậu xinh đẹp này khi hay tin liền lập tức đi đến tẩm cung của Tào Đoan Phi để hộ giá cứu hoàng đế.
Tuy nhiên, lúc Phương hoàng hậu chạy đến thì Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế đã bất tỉnh. Bà bình tĩnh cởi dải lụa ở trên cổ của hoàng đế, đồng thời cho triệu mời ngự y tới thăm khám và ra lệnh phong tỏa tẩm cung của Tào Đoan phi.
Hoàng đế vẫn hôn mê trong nhiều giờ liên tiếp mặc dù Phương Hoàng hậu ngay lập tức ra lệnh bắt được hết đám cung nữ liều lĩnh.
Sau khi tiến hành ép cung, tra khảo nhóm cung nữ trên, Phương hoàng hậu biết được chủ mưu đứng đằng sau vụ việc này chính là Vương Ninh tần, một phi tần bị thất sủng và không ưa gì Tào Đoan phi.
Phương Hoàng hậu ra lệnh xử tử lăng trì 16 cung nữ cùng 2 phi tần tham gia ám sát hoàng đế, trong đó có Tào Đoan phi rất được Minh Thế Tông sủng ái.
Dù Minh Thế Tông Chu Hậu Thông vẫn chưa tỉnh lại, nhưng Phương Hoàng hậu đã nhanh tay xử lý hết nhóm cung nữ trên cùng những người liên quan. Bà thẳng tay ra lệnh xử tử "đẫm máu" toàn bộ đám cung nữ 16 người (trừ cung nữ Trương Kim Thúy), thậm chí là tru di cả tam tộc với những người liên quan tới vụ hành thích như Vương Ninh tần và tìm cách thanh trừng luôn cả Tào Đoan phi, một sủng phi của Minh Thế Tông, mặc dù không hay biết.
Sau 7-8 giờ đồng hồ được các thái y tích cực cứu chữa, vị hoàng đế này đã tỉnh lại nhưng vô cùng đau khổ khi hay tin sủng phi của mình là Tào Đoan phi vừa bị hoàng hậu xử tử.
Mặc dù cảm kích ơn cứu mạng của hoàng hậu nhưng việc thẳng tay giết chết sủng phi khi Minh Thế Tông bất tỉnh khiến cho mối quan hệ giữa hai người ngày càng trở nên lạnh nhạt.
Theo Minh sử, bộ chính sử do Trương Đình Ngọc vào thời nhà Thanh biên soạn, 5 năm sau, vào năm Gia Tĩnh thứ 26 (tức năm 1547), Khôn Ninh cung, nơi ở của Phương Hoàng hậu bất ngờ bị bốc cháy. Nhiều thái giám chạy tới bẩm báo với hoàng đế và xin người phái quân tới dập lửa để cứu hoàng hậu. Tuy nhiên, Minh Thế Tông rất bình tĩnh nhìn ngọn lửa và không nói gì. Vì vậy, Phương Hoàng hậu chịu kết cục bi thảm khi phải mất mạng trong biển lửa.
Cả một đời hết lòng vì Minh Thế Tông, nhưng kết cục của Phương Hoàng hậu thật sự bi đát. Nguyên nhân qua đời của vị hoàng hậu bạc mệnh này cũng khiến không ít các nhà nghiên cứu tranh luận.
Minh Thế Tông cũng mất mạng vì trúng độc do lạm dụng thứ đan dược được cho là vừa có tác dụng tráng dương và trường sinh. Ảnh minh họa
Trong khi đó, về phần Minh Thế Tông, vị hoàng đế gây ra nhiều nỗi oán hận với hàng trăm cung tần mỹ nữ chỉ vì phương thuốc điều chế đan dược trường sinh, cuối cùng cũng băng hà vào năm 1567 (hưởng thọ 60 tuổi) do trúng độc nặng sau thời gian dài lạm dụng "xuân dược" tráng dương, thuốc trường sinh.
Tham vọng trường sinh, cùng những tháng ngày mải mê lạc thú, nhưng cuối cùng Minh Thế Tông lại mất mạng vì chính thứ thuốc này.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.