Đái tháo đường thai kỳ: Những điều "tưởng nhầm" và sự thật

(lamchame.vn) - Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) luôn ở mức 18-25%. Trung bình cứ 5 thai phụ đến khám tại các bệnh viện phụ sản thì có một người mắc ĐTĐTK. Phổ biến đến vậy, nhưng kỳ thực các mẹ bầu đã hiểu đúng về ĐTĐTK chưa? Cùng khám phá những điều mẹ bầu rất hay “tưởng nhầm” và sự thật về ĐTĐTK nhé!

1. Nhầm tưởng: ĐTĐTK là bệnh hiếm gặp

Đôi lúc, nghe ai đó nhắc đến việc cần làm xét nghiệm tầm soát, bạn gạt đi và cho rằng ĐTĐTK là bệnh hiếm gặp, chỉ những người mang thai khi tuổi đã trên 35 hoặc người bị thừa cân mới cần lưu ý thôi…

- Sự thật là:

Nếu mẹ bầu thuộc nhóm thừa cân, mang thai khi trên 35 tuổi, có cha mẹ hoặc anh chị em ruột từng mắc ĐTĐ… thì nguy cơ mắc ĐTĐTK sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn được chủ quan khi mình không thuộc nhóm nguy cơ cao.

Trên thực tế, ĐTĐTK phổ biến đến mức theo thống kê tại một số nước khu vực, tỷ lệ ĐTĐTK ở Singapore hiện nay là 18.9%, Malaysia 11.4%, Australia 13%... và ở Việt Nam tỷ lệ này là 20%. Nghĩa là, trung bình cứ 5 mẹ bầu thì có 1 người mắc ĐTĐTK. Đó không phải “bệnh hiếm gặp” và mẹ bầu cần hết sức thận trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm cho mình, cho thai nhi.

Tỷ lệ thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam khoảng 18-25%.

2. Nhầm tưởng: Cần chờ đến tuần 24-28 mới có thể tầm soát ĐTĐTK

Nhờ công tác truyền thông tại các bệnh viện, mẹ bầu biết rằng tuần 24-28 của thai kỳ là thời điểm thuận lợi nhất để tầm soát ĐTĐTK. Nhưng cũng vì thế, nhiều mẹ bầu cho rằng chỉ có thể xét nghiệm vào đúng giai đoạn này mà thôi…

- Sự thật là:

Mẹ bầu cần hiểu một cách chính xác là tầm soát ĐTĐTK có thể thực hiện ở tuần 24-28 thai kỳ với những người không thuộc nhóm nguy cơ. Ngược lại, nếu bạn ở trong nhóm nguy cơ cao như mang thai khi trên 35 tuổi, thừa cân, gia đình có tiền sử ĐTĐ, mẹ bầu có tiền sử sản khoa (thai lưu/sinh con to trước đó) thì nên tầm soát từ 3 tháng đầu, sau đó tiếp tục theo dõi thường xuyên đến hết thai kỳ.

Để phát hiện ĐTĐTK, các mẹ bầu sẽ được làm một xét nghiệm gọi là nghiệm pháp dung nạp đường. Theo đó, thai phụ sẽ được uống 75g đường glucose và xét nghiệm kiểm tra đường huyết 2 giờ sau đó hoặc đo nồng độ HbA1C (phản ánh đường huyết trung bình của 3 tháng gần nhất). Xét nghiệm tầm soát này có tính chính xác cao, giúp thai phụ sớm biết rõ về đường huyết của mình, từ đó giữ an toàn cho bản thân và cho em bé.

Tất cả thai phụ nên tầm soát ĐTĐTK ở tuần 24-28 nhưng nhóm có nguy cơ cao nên tầm soát ở 3 tháng đầu thai kỳ

3. Nhầm tưởng: ĐTĐTK không ảnh hưởng gì và sẽ tự khỏi sau khi mẹ sinh con xong…

Khá nhiều mẹ bầu tin rằng ĐTĐTK không có gì nguy hiểm và sau khi sinh em bé xong sẽ tự khỏi, do đó không cần chữa trị và cũng không cần phải lo lắng hay

- Sự thật là:

Mặc dù đa phần người mắc ĐTĐTK sẽ khỏi hẳn sau sinh nhưng bạn không được chủ quan với ĐTĐTK, bởi nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ, ĐTĐTK có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

Với mẹ, ĐTĐTK làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, mổ lấy thai… Với bé, ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh… Giai đoạn 3 tháng cuối, thai nhi tăng trưởng quá mức, tỷ lệ sang chấn khi sinh đường âm đạo hoặc sinh mổ cũng cao hơn. Các em bé này cũng dễ gặp phải các vấn đề khác như hạ đường huyết sau sinh, suy hô hấp, vàng da sơ sinh và béo phì.

Ngoài ra, về lâu dài, khi mắc ĐTĐTK, mẹ và em bé đều có nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 sau này. Khoảng một nửa các bà mẹ ĐTĐTK sẽ mắc ĐTĐ tuýp 2 sau 10-20 năm.

4. Nhầm tưởng: Người mắc ĐTĐTK cần kiêng khem tuyệt đối

Có những mẹ bầu khá chủ quan mặc dù biết mình bị ĐTĐTK, nhưng cũng có những mẹ lại lo lắng và kiêng khem thái quá. Ngay khi biết mình đang mắc ĐTĐTK, khá nhiều mẹ bầu nghĩ ngay đến việc cần tuyệt đối kiêng ngọt. Nhưng liệu đây có phải cách làm đúng?

- Sự thật là:

Nguyên tắc dinh dưỡng cho thai phụ mắc ĐTĐTK hoặc có nguy cơ mắc ĐTĐTK thường được hướng dẫn là nguyên tắc “1 phần 4”, tức chia đĩa ăn thành 4 phần: với 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ.

Năng lượng hàng ngày trung bình cho mẹ bầu khoảng 1.800 - 2.500 calo. Trong khẩu phần ăn cần giảm mỡ, giảm bột đường và tăng chất xơ, ưu tiên các loại trái cây, rau củ có chỉ số đường huyết thấp như táo, lê, đào, đậu, bắp… Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ăn một bữa quá no hay để quá đói. Đặc biệt, đừng quên các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người ĐTĐTK, để có thể cung cấp đầy đủ năng lượng, giúp thai nhi phát triển tốt nhưng vẫn kiểm soát được chỉ số đường huyết ở mức ổn định.

Những người bị ĐTĐTK cần hạn chế các món GI cao như đường và tinh bột.  

Mẹ cần biết

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mẹ bầu bị ĐTĐ TK nên sử dụng bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người ĐTĐ như Glucerna để thay thế bữa ăn sáng, bữa ăn xế, hoặc trước khi đi ngủ sẽ giúp ổn định đường huyết. Glucerna có chỉ số GI thấp theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đồng thời có hệ đường bột giải phóng chậm, đã được chứng minh lâm sàng là giúp ổn định đường huyết và hạn chế đỉnh đường huyết sau khi ăn.

Nguyên An

Theo Lamchame.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang