Vậy trải nghiệm con bạn tích lũy được mỗi ngày ở nhà là gì? Mời các cha mẹ cùng đọc bài viết của tác giả sách thiếu nhi Phạm Thị Hoài Anh để có thêm góc nhìn.
Trải nghiệm con bạn tích lũy được mỗi ngày ở nhà là gì?
Hôm nay em bé U5 nhà mình nghịch nước trong nhà tắm, bị trơn tay rơi vỡ tan tành một cái lọ thủy tinh. Nghe tiếng choang, mình lao vào, tới nơi thấy mặt thằng bé cắt không còn giọt máu. Bao hốt hoảng, tức giận, mình cố nén xuống, bình tĩnh đẩy đôi dép về phía bạn và bảo: "Con cẩn thận đi dép vào rồi ra đây với mẹ!". Bạn U5 rất sợ, và cảm thấy có lỗi lắm, nó liên tục xin lỗi mẹ, bảo mẹ đừng kể chuyện này với bố và khóc. Mình ôm bạn ấy, vỗ nhẹ vào lưng nói: "Con có thể ra ghế đọc sách của con ngồi cho bình tĩnh lại, trong lúc mẹ dọn dẹp thủy tinh vỡ được không, vì chị đang bị kẹt ở buồng tắm không ra được?". Bạn đồng ý, ra ghế ngồi còn mình vào dọn dẹp, đưa dép cho em bé U10 đi ra.
Lúc đó, bạn U5 khóc nức nở bảo: "Mẹ ơi, con không bình tĩnh được!", mình đi ra bảo: "Mẹ có thể làm gì để giúp con bình tĩnh được?" - "Mẹ ôm con", bạn trả lời.
Thế là mình ôm bạn ấy, dù bếp đang tanh bành đồ ăn sơ chế dở, tủ lạnh đang lau chùi và nhà tắm thì toàn mảnh vỡ thủy tinh. Lúc mình ôm, bạn U5 vẫn nức nở xin lỗi mẹ, nói con bị trơn tay thôi. Mình mới bảo: "Mẹ biết là con bị trơn tay nên lọ mới rơi và vỡ. Con giật mình và rất sợ đúng không?" - "Vâng ạ!" - "Lúc nghe tiếng choang mẹ cũng sợ, mẹ sợ con sẽ bị đau nên lúc mẹ chạy vào, mặt mẹ hơi hốt hoảng. Con không bị đau là mẹ yên tâm rồi." - "Vâng ạ" - "Khi mình chơi, rơi vỡ có thể xảy ra và gây nguy hiểm, nên lần sau mình cẩn thận hơn nhé!" - "Vâng ạ, con sẽ không chơi lọ thủy tinh ở bồn nữa!" - "Okie, giờ con ngồi đây, chị sẽ ra ôm con để giúp con bình tĩnh, để mẹ đi xử lý nhà tắm nhé" - "Vâng ạ". Nó cứ nức nở vâng ạ như thế mà chị vừa ra ôm nó, nó đã bảo: "Chị có thể lắp giúp em một mô hình máy móc để em vui hơn được không?" rồi hai chị em rúc rích chơi với nhau.
Dọn xong thủy tinh vỡ, mình gói gọn 2, 3 lớp giấy và dán băng dính chặt rồi mang ra bảo hai bạn: "Mẹ dọn xong thủy tinh vỡ rồi này", bạn U5 cảm ơn mẹ, bạn U10 nhìn gói rác hỏi: "Sao mẹ lại gói kĩ như vậy ạ?". Mình bảo gói rác này cần để riêng vì nó có thể gây nguy hiểm cho các bác công nhân vệ sinh lúc dọn và phân loại rác. Thế là thấy em vụt chạy vào phòng lấy bút ra và vẽ rồi ghi cảnh báo nguy hiểm lên trên gói rác rồi bảo: "Thế là yên tâm rồi mẹ ạ!"
Những sự cố nho nhỏ xảy ra hàng ngày như vậy có ý nghĩa rất lớn lao với bản thân mình. Nó giúp mình hiểu lũ trẻ, hiểu bản thân mình và hiểu chúng mình cần gì để lớn lên hạnh phúc, trưởng thành bên nhau.
Mấy hôm nay thấy mọi người rần rần chia sẻ một bài viết mà họ bảo "đáng giá triệu đô, cần đọc với lưu lại để giúp cho con cháu", mình đọc, thấy có gì đâu, những điều như vậy không cần phải đọc bài này mới biết, chẳng qua là chúng ta đọc nhiều, chia sẻ lắm mà chẳng mấy khi chịu nhìn lại bản thân, bắt đầu từ những việc nhỏ và kiên trì bền bỉ thực hành mỗi ngày thôi. Điều đó là gì, điều quan trọng giúp một đứa trẻ thành đạt, trưởng thành tử tế, không phải lượng kiến thức mà trẻ học hàng ngày ở trường, mà là những tích lũy và trải nghiệm mỗi ngày của trẻ ở nhà. Dù ở lứa tuổi nào, thì vai trò của gia đình vẫn luôn chiếm 70%, 30% là nhà trường, bạn bè, xã hội.
Vì thế, bố mẹ chúng mình coi trọng sự hiện diện của mình trong gia đình như thế nào, dành bao nhiêu thời gian ở bên con, trong quỹ thời gian ít ỏi dành cho chúng, bố mẹ mang đến những trải nghiệm cảm xúc và chăm sóc như thế nào cho bản thân, ngôi nhà và gia đình chính là cái cốt lõi duy nhất mà bố mẹ không cần phải nghe ai nói thêm nữa, chỉ cần mỗi ngày tự nhắc mình và thực hành nó bằng cả tâm trí và trái tim thôi.
Giống như hôm nay, mình nghĩ rằng, cái lọ thủy tinh vỡ đã giúp cho cả mình và hai bạn U5, U10 có thêm một trải nghiệm ấm áp cùng nhau.
(1) Nội dung bài viết đáng giá triệu đô đang được cư dân mạng chia sẻ rần rần những ngày qua:
"Mình sang Anh tu nghiệp ngắn hạn, lúc ở thành phố Coventry thì ở nhà anh Luke, người bản xứ còn ở thành phố Manchester thì ở nhà chị Hoà, Việt Kiều.
Anh Luke là chủ doanh nghiệp lớn về công nghệ sinh học. Hôm ở nhà anh Luke, mình bị lệch múi giờ nên khó ngủ, lúc 12h đêm rồi mà vẫn không nhắm mắt được. Bỗng nhiên mình thấy thằng con trai anh, cỡ 10 tuổi, đi vô bếp dọn dẹp 1 tí (dù mẹ nó đã dọn xong nhưng nó vẫn double-check tức kiểm tra lại), rồi ra bật đèn ngoài sân, kiểm tra cửa cổng đã đóng chưa, coi con chó đã yên vị trong cái chuồng nó trên bãi cỏ chưa, rồi mới vào khoá cửa nhà, tắt điện, nhẹ nhẹ đi vô phòng của nó để ngủ. Mình ngạc nhiên ghê lắm, sáng sớm ăn sáng hỏi thì nó nói đó là môn học Home Maintenance, trường bắt buộc phải làm từ lớp mẫu giáo, cha và mẹ làm cùng với con cả 2 năm nay. Sau 2 năm nó đã quen, không sợ ma khi ra ngoài sân nữa, có ma là con Ken (con chó của nó sẽ sủa bảo vệ nó ngay). Nó nói tối qua nó thức khuya để nghiên cứu tài liệu cho buổi thuyết trình vào tuần sau, nên mới thức khuya vậy.
Anh Luke nói cái kỹ năng Home Maintenance này do gia đình hướng dẫn chủ yếu, mùa đông thì dọn tuyết này nọ kiểu khác, mùa hè thì trồng cây cắt cỏ. Nhưng tối trước khi ngủ phải double check 1 vòng, sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân là phải đi tắt đèn sân, bật đèn nhà, cho chó cho mèo ăn, tưới cây cỏ nếu không mưa, dọn dẹp phân chó phân mèo, để đồ ăn cho chim trên cành cây trước sân, đẩy xe rác ra ngoài nếu ngày đó họ đi lấy rác. Cuối tuần, con anh Luke phụ anh làm vườn, trồng hoa, tắm và sấy chó mèo, hoặc rảnh thì tập trung bạn bè lại, pha nước chanh đứng bán ở góc đường, nhằm gây quỹ từ thiện. Chúng nó tự lên kế hoạch, tự hái chanh, tự mua nước đường, tự làm và dọn dẹp mọi thứ dù chỉ mới có 10-11 tuổi.
Còn lúc mình ở nhà chị Hoà thì thấy tối, con cái chị giải bài tập xong thì lăn ra ngủ. Trên bếp vẫn nồi bún riêu nấu dở dang, thùng rác thì đầy ắp đồ. Sáng dậy thì chị phải gõ cửa phòng kêu tụi nó ra ăn sáng, các con chị dậy vứt chăn mền đó chứ không gấp, chị phải làm vừa làm vừa cằn nhằn. Con chị ăn xong thì vứt bát trong bồn, rồi vội thay đồ để đi học. Cây cỏ nhà chị héo úa, vật nuôi thì chẳng có con nào vì chồng chị nói "nuôi tụi nó cho ăn dọn phân mệt lắm". Anh làm công nhân nhà máy dược phẩm cách khá xa còn chị đi phụ nhà hàng, dù ở Việt Nam cả hai đều đang là giảng viên đại học. Anh chị từng học thạc sĩ ở đây ngày xưa, nên khi có con thì tìm cách sang học tiến sĩ nhưng bỏ học, ra ngoài, xoay xở tìm cách định cư. Chị nói "anh chị hy sinh để cho con cái học môi trường quốc tế tốt nhất, nhằm phát huy hết năng lực, và 1 số trường công bên này miễn phí". Ngoài giờ học, chị chở con đi học đàn, học cờ, học võ, học toán tư duy, học vẽ, học thêm tất cả vì chị nói, tụi nó học trường công, mấy môn này học qua loa chứ không được dạy kỹ như bên trường tư. Mình hỏi có môn Home Maintenance không, chị Hoà nói chưa nghe, chắc trường này không có, chắc bên trường tư mới dạy.
Sau này mình hỏi anh Luke thì ảnh nói đúng rồi, trường công mà, nó chỉ dạy cái cơ bản thôi, thế mới miễn phí, không tiền thì đành chịu học ở trường công chứ có tiền thì nên "mua sản phẩm giáo dục". Còn như con anh, học trường tư học phí cả chục ngàn bảng/năm, thì mới có các môn kia. Anh nói cũng tuỳ, vì giáo dục 1 đứa trẻ, nhà trường 30, gia đình 70, tức phải có sự phối hợp của gia đình nữa. Ví dụ cái Home Maintenance kia, mà cha mẹ cũng lười, chẳng cắt cỏ bón phân, không yêu chó mèo, không chịu khó làm lụng dọn dẹp... thì con cái chẳng thể có được.
Khi về Việt Nam, mình ngồi trên máy bay và nghĩ. Hoá ra, cái để một người có thể làm lãnh đạo, làm quản lý, làm chủ... không phải là kiến thức mình học ở trường, mà là cái tích luỹ mỗi ngày ở nhà. Nhiều người cứ ngây ngô tìm đại học Kinh Tế, đại học Quản Trị Kinh Doanh để học và nghĩ là học ra sẽ trở thành chủ lớn, trở thành big boss, nhưng không thể. Hoặc cứ nghĩ đi du học, ra nước ngoài học về là thành danh được. Không có đâu. Năng lực của một người là cả một quá trình từ ấu thơ, được gia đình dạy dỗ khuôn phép về sự quán xuyến và làm lụng, óc quan sát và sắp xếp, sự chăm chút và tỉ mỉ trong công việc hàng ngày. Một người nếu cái giường ngủ cũng bẩn, cái phòng trọ cũng bẩn, cái bếp cũng để bẩn, cái tủ lạnh cũng để đồ lộn xộn, cái thùng rác đầy ụ và bốc mùi... thì dù chữ nghĩa bằng cấp thế nào đi nữa, cũng không thể trở thành lãnh đạo hay quản lý được. Họ không biết như thế là bẩn, là lộn xộn, là bất cập... để có thể thay đổi".
Nguồn: Hưng Hưng Vũ
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/dan-mang-ran-ran-chia-se-bai-viet-dang-gia-trieu-do-can-luu-lai-cho-con-chau-tac-gia-sach-thieu-nhi-len-tieng-chia-se-nhung-khong-lam-duoc-1-dieu-thi-cung-vo-ich-162202209152200400.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.