Lúc mang thai Cataleya – đứa con đầu tiên của mình, chị Elinor rất quan tâm đến việc khám thai định kỳ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mọi chuyện không còn suôn sẻ nữa kể từ lần siêu âm ở tuần thứ 17 của thai kỳ.
Chị kể: "Khi đó, tôi bị bệnh nặng và các bác sĩ đang cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Trong khi siêu âm, kỹ thuật viên đã thấy cái gì đó, nhưng họ không nói cho tôi biết. Tôi được yêu cầu quay lại phòng sản khoa ngồi chờ. Cứ mỗi một phút trôi qua, tôi lại thêm lo lắng".
Một lúc sau, cả hai vợ chồng chị Elinor đều "chết đứng" khi nghe bác sĩ thông báo rằng em bé mắc phải hội chứng Gastroschisis. Nói cho dễ hiểu là ruột của thai nhi nằm ở bên ngoài cơ thể thông qua một cái lỗ bên cạnh dây rốn và bé gái cần phải phẫu thuật ngay khi vừa chào đời. Bác sĩ cũng gợi ý đến chuyện chấm dứt thai kỳ nhưng vợ chồng sản phụ đã từ chối.
"Trong thời gian còn lại của thai kỳ, tôi đã rất sợ hãi. Tôi lao vào tìm hiểu về vấn đề này và biết rằng đó có thể là con đường khó khăn phía trước. Tôi có rất nhiều lần siêu âm định kỳ và các cuộc hẹn để theo dõi sự phát triển cũng như tình hình ruột của con", bà mẹ 2 con chia sẻ.
Con tôi đâu? Sao con chưa về?
Thay vì được trải nghiệm ca sinh nở tuyệt vời, chị Elinor lại luôn ở trong trạng thái lo lắng và căng thẳng, rằng Cataleya có ổn không? Con có kiên cường vượt qua khó khăn không? "Các bác sĩ đưa Cataleya đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh rồi chuyển qua phòng phẫu thuật ngay con vừa ra khỏi bụng mẹ. Họ nói rằng ca phẫu thuật có thể sẽ diễn ra trong vòng một giờ, nhưng rồi hai giờ, ba giờ trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nghe tin tức gì. Lòng tôi cứ đau quặn lại rồi tự hỏi: con tôi đâu? Tại sao con chưa về?", chị Elinor nhớ lại.
Sau đó, một bác sĩ phẫu thuật đến thông báo cho gia đình rằng ca phẫu thuật thất bại vì họ đã không thể đặt ruột của bé vào lại bên trong cơ thể. Đứa trẻ còn bị mắc phải một tình trạng viêm dạ dày hiếm gặp, cứ mỗi một lần bác sĩ đưa ruột vào dạ dày thì nó lại tự cắt đứt lưu thông máu đến ruột khiến ruột bị hoại tử.
Bác sĩ còn cho biết thêm hiện tại ruột của Cataleya đã bị cắt bỏ chỉ còn lại khoảng 30cm, trong khi thông thường chiều dài của nó là 7m.
Sự hồi phục đáng kinh ngạc của Cataleya
Cuối cùng, trải qua hơn 14 tháng nằm viện, Cataleya cũng được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, cô bé không thể ăn uống bình thường như mọi người được mà nhận dinh dưỡng bằng cách tiêm vào tĩnh mạch. Chính vì thế, gần như cả ngày Cataleya chỉ nằm trên giường để "ăn". Theo chia sẻ của chị Elinor, đứa trẻ cũng có một ống bên trong bụng mà các bác sĩ đã đặt vào khi con được 18 tháng tuổi.
Chị Elinor cho biết: "Tôi đã bị trầm cảm sau sinh trong khi chồng tôi ngày ngày chạy theo một vòng tròn từ nhà – bệnh viện – công ty – bệnh viện – về nhà. Chúng tôi bị kiệt sức và có cảm giác như bị bóp nghẹt. Nhưng chính Cataleya đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Con là một chiến binh mạnh mẽ. Con luôn vui vẻ và hay cười. Thậm chí, khi còn ở trong bệnh viện, con thường rung chuông để thu hút sự chú ý của các y tá để được họ ôm".
Vì chỉ có một đoạn ruột ngắn nên Cataleya cần một y tá đi kèm khi đi học mẫu giáo. Cô bé vẫn dùng bỉm mỗi đêm và không thể mặc đồ ngủ giống bạn bè. Bé gái còn phải tuân thủ một chế độ ăn nghiêm ngặt, phải mang thêm ba lô đựng thức ăn dự trữ khi ở trường. Điều này khiến cho Cataleya cảm nhận được mình không phải là một đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm cho cô bé bỏ cuộc.
"Cataleya đang trong quá trình thử nghiệm thứ 3. Mọi thứ diễn ra rất tuyệt vời. Con sẽ đến bệnh viện 2 tuần một lần để kiểm tra máu của mình. Bây giờ tôi đã có thêm cậu con trai Desmond (4 tuổi). Tôi thích làm mẹ và thích nhìn các con lớn lên thành những người tuyệt vời", chị Elinor chia sẻ thêm.
Hội chứng Gastroschisis là gì? Gastroschisis là một khuyết tật bẩm sinh của thành bụng khiến ruột của em bé nằm bên ngoài cơ thể bằng một lỗ bên cạnh rốn. Trong trường hợp lỗ hổng này lớn, các cơ quan khác như gan, dạ dày cũng có thể nằm bên ngoài bụng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, hội chứng Gastroschisis có thể được gây ra bởi sự kết hợp của gen và các yếu tố khác, chẳng hạn như người mẹ đã tiếp xúc với môi trường độc hại hoặc uống một số loại thuốc trong thai kỳ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nếu bạn đang hút thuốc, uống rượu hoặc phải uống một loại thuốc nào đó trong thai kỳ thì nên nói rõ điều này với bác sĩ để được tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh. |
Nguồn: Kidspot, CDC
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.