Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao, nguyên nhân do một số loại virus gây ra. Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Các loại viêm não cấp phổ biến ở trẻ em:
Viêm não Nhật Bản: Virus gây viêm não Nhật Bản truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu heo hoặc chim có chứa virus, sau đó chích người và truyền virus gây bệnh cho người. Viêm não Nhật Bản thường gây bệnh ở trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Viêm não do virus đường ruột (Enterovirus): là tình trạng viêm não bộ do Eterovirus. Virus xâm nhập vào não từ đường tiêu hóa do chúng ta ăn phải thức ăn, thức uống có chứa virus gây bệnh. Viêm não do virus đường ruột thường diễn biến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Nhóm virus này hiện chưa có văcxin phòng.
Ngoài ra, trẻ bị viêm não, màng não có thể là biến chứng của các bệnh truyền nhiễm thường gặp như thủy đậu, quai bị...
Biểu hiện lâm sàng:
Viêm não cấp thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt rất cao, dai dẳng, nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu. Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Sau 1-2 ngày xuất hiện co giật, hôn mê và có thể tử vong rất nhanh. Nếu điều trị kịp thời, trẻ có thể lành bệnh và không để lại di chứng.
Phòng bệnh:
- Tiêm phòng vacxin: Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Cụ thể: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.