Khi quyết định sinh con thứ 2, một trong những nỗi lo lắng của nhiều gia đình là liệu sau này hai đứa trẻ có hòa thuận, yêu thương nhau hay không. Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở nhưng cha mẹ cũng đừng quá phiền muộn vì vấn đề ấy. Thực tế có khi không "bi quan" như những gì người lớn tưởng tượng đâu.
Có một bà mẹ người Trung Quốc hiện tại đang ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Con gái lớn của cô mới lên 2 tuổi, còn con trai út thì vừa tròn 3 tháng. Một ngày, cô ru cả 2 con ngủ trưa xong thì đặt chúng cùng nằm trên giường, sau đó cô ra ngoài làm ít việc nhà. Nhìn các con ngủ say, cô chắc mẩm mình có thể rảnh tay được một khoảng thời gian.
Nào ngờ cô vừa ra ngoài chưa bao lâu thì con trai bé tỉnh giấc, khóc lóc ầm ĩ không ngừng. Cô vội bỏ dở việc đang làm để vào dỗ con. Vừa bước chân vào phòng cô đã được chứng kiến cảnh khiến cô đặc biệt thấy ấm lòng. Thì ra con gái 2 tuổi của cô đã bị tiếng khóc của cậu em trai đánh thức. Cô bé ngồi dậy dụi mắt, rõ ràng vẫn chưa tỉnh ngủ.
Khi phát hiện ra em trai nằm cạnh mình đang khóc, cô bé quên ngay sự phiền muộn vì bị đánh thức khỏi giấc ngủ trưa. Rồi bất ngờ, cô bé đưa bàn tay nhỏ xíu của mình vỗ về em, vô cùng ra dáng 1 người chị gái dịu dàng. Chưa hết, bé còn cúi người xuống thơm vào trán em đầy tình cảm, như một cách dỗ dành hi vọng em sẽ nín khóc.
Cô bé không những rất tình cảm, săn sóc đối với em trai mà cử chỉ còn đặc biệt khéo léo. Cứ nhìn hình ảnh cô bé chống tay thơm em nhưng không hề đè lên em là đủ biết. Còn nhỏ xíu mà bé đã làm được những điều như vậy, tin rằng khi lớn lên cô bé sẽ là người tinh tế, biết quan tâm người khác. Mối quan hệ giữa 2 đứa trẻ chắc chắn cũng vô cùng tốt đẹp, hòa thuận.
Để xây dựng mối quan hệ tốt giữa các con, trước khi sinh con thứ hai cha mẹ cần lưu ý:
Nhớ "hỏi ý kiến" bé lớn
Cha mẹ đừng nghĩ một đứa trẻ vài tuổi thì biết gì, chỉ cần sau khi em bé chào đời để hai đứa trẻ mất chút thời gian làm quen với nhau là ổn. Thực tế việc "hỏi ý kiến" bé lớn về việc sinh con thứ hai kiểu "mẹ đẻ thêm em bé chơi với con nhé" sẽ khiến bé có cảm giác như chính bé là người quyết định sự xuất hiện của em vậy.
Việc cha mẹ cho con lớn làm quen với em nhỏ từ khi còn trong bụng mẹ cũng khiến bé không phải chào đón em trong sự bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị tâm lý. Điều đó tránh được những cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến trẻ vui vẻ tiếp nhận sự có mặt của thành viên mới trong gia đình hơn.
Hãy để con lớn tham gia vào việc chăm sóc em bé
Sau khi sinh con thứ hai, việc cần thiết cha mẹ phải làm đó là khẳng định với đứa con lớn của mình rằng cha mẹ yêu cả hai bé như nhau. Và tất nhiên, dẫu em bé cần chăm sóc tỉ mỉ nhưng cha mẹ cũng không bao giờ được lơ là bé lớn.
Để hai con gần gũi với nhau hơn cũng như xây dựng "tinh thần trách nhiệm làm anh/chị" của bé lớn, cha mẹ hãy để con tham gia vào việc chăm sóc em bé với mình. Đơn giản như nhờ con lấy cho em bé cái áo, chiếc quần hoặc vứt hộ chiếc bỉm đã dùng. Với cách ấy trẻ sẽ tự tin, có trách nhiệm và nhanh chóng chấp nhận em mình.
Cha mẹ phải đối xử công bằng giữa các con
Bất công là ngọn nguồn của mọi sự bất mãn, đố kị. Nếu muốn các con hòa thuận với nhau, cha mẹ phải tuyệt đối tránh phạm sai lầm ấy. Cần duy trì sự công bằng giữa các con, không bao giờ được áp đặt quan điểm "con là anh/chị, con phải nhường em". Sự thật là giữa những đứa trẻ không hề có mâu thuẫn, nhưng chính cách làm của cha mẹ lại là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn giữa các con của mình!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.