Không chỉ có khung cảnh sông nước hữu tình, mà miền Tây còn thu hút nhiều người ghé đến bởi nền ẩm thực độc đáo. Mảnh đất này quanh năm đầy ắp sản vật, người miền Tây cũng rất hào sảng, giản dị nên những món ăn vì vậy mà có sức hút khó cưỡng. Thậm chí, có những món ăn tưởng chừng kết hợp những nguyên liệu không liên quan nhau, cách chế biến cũng lạ lẫm nhưng lại cho ra hương vị rất riêng, không giống với bất kì nơi nào. Ngoài bún nước lèo, bánh xèo, lẩu điên điển,… trứ danh thì bánh canh bột xắt ăn cùng nước cốt dừa cũng nằm trong danh sách những món ăn đặc sản của miền Tây. Đặc biệt là ở tỉnh Bến Tre vì nơi đây trồng rất nhiều dừa.
Mới đây, một bộ ảnh ghi lại khoảnh khắc cả nhà cùng làm bánh canh bột xắt đã được anh Đỗ Tình (quê ở Kiên Giang) đăng tải trên mạng xã hội và nhận được nhiều lượt tương tác. Khi xem bộ ảnh, nhiều người con xa quê đều cảm thấy bồi hồi, muốn thưởng thức lại món ăn mang đậm mùi quê hương. Còn những ai chưa từng thử qua thì lại vô cùng tò mò trước cái tên độc lạ của món ăn và hương vị của bánh canh khi kết hợp cùng nước cốt dừa.
Bộ ảnh gia đình cùng làm bánh canh bột xắt khiến nhiều người thích thú (Ảnh: Đỗ Tình)
Chủ nhân của bộ ảnh chia sẻ: "Bánh canh bột xắt đòi hỏi khá nhiều tâm huyết của người nấu. Chính vì vậy, khi gia đình cùng nhau làm các công đoạn, cùng thưởng thức món ăn sẽ giúp gắn kết tình cảm hơn, món ăn cũng trở nên ngon hơn. Bộ ảnh này mình vừa giới thiệu đến mọi người về món ăn độc đáo của miền Tây, vừa chia sẻ phần nào không khí gia đình quây quần để các bạn cảm thấy yêu thương cha mẹ nhiều hơn".
Ảnh: Đỗ Tình
Điểm đặc biệt của món bánh canh bột xắt nằm ở sợi bánh canh được làm thủ công hoàn toàn và xay từ hạt gạo chứ không dùng bột gạo mua sẵn. Để có sợi bánh canh chuẩn vị, người miền Tây thường chọn loại gạo khô, không quá dẻo. Gạo sau khi vo sạch, ngâm mềm sẽ đem xay nhuyễn rồi đổ vào túi vải và lọc bỏ phần nước. Tiếp theo là rải phần bột ra mâm, dùng nước sôi rưới đều lên bột. Nhồi thật nhanh tay để bột kết thành khối, có độ dẻo mịn vừa phải. Cuối cùng là áp phần bột đã cán mỏng lên thân chai thuỷ tinh, rồi dùng dao vừa xắt bột vừa xoay chai để bột rơi xuống nồi thành từng sợi.
Ảnh: Đỗ Tình
Cũng như các món ăn khác, nước dùng cũng là "linh hồn" của bánh canh bột xắt. Phần nước dùng được làm từ 100% nước cốt dừa đậm đặc, vắt từ dừa khô nạo nên khi ăn sẽ dậy lên vị béo đặc trưng. Thêm vào đó, nước dùng của bánh canh bột xắt thường sẽ có độ sền sệt nhẹ do bột từ sợi bánh canh tiết ra và được nêm nếm đủ mặn, đủ ngọt.
Ảnh: @candykun107, @tuilathien, @banhcanhbotxatngoaitoi
Tuỳ theo từng nơi mà nguyên liệu ăn kèm của bánh canh bột xắt sẽ khác nhau. Có nơi dùng thịt heo, thịt gà, nõn tôm, cá lóc nhưng đặc sắc nhất vẫn là thịt vịt xiêm và huyết nếp dẻo. Bởi khi nấu vừa sôi, váng mỡ vàng của vịt nổi lên trên kèm theo mùi thơm của tiêu, hành ngò, hành tím phi sẽ xộc lên mũi. Thưởng thức bánh canh bột xắt đúng điệu nhất là phải chậm rãi múc từng muỗng bánh canh, chấm miếng thịt vịt ngập trong chén nước mắm gừng chua cay, cắn miếng huyết nếp mềm dẻo và tận hưởng vị ngọt béo đậm đà từ nước dùng. Đảm bảo không ai có thể cầm lòng được.
Ảnh: @tuilathien, @lien.pn1012
Nhờ bộ ảnh của anh chàng này mà dân tình giờ lại biết thêm một món ngon với độ công phu cao, phải mất nhiều thời gian, công sức để chế biến. Nếu yêu thích ẩm thực miền Tây, đừng quên bổ sung món bánh canh bột xắt vào cẩm nang ăn uống nhé!
Một số địa chỉ thưởng thức bánh canh bột xắt tại TP.HCM:
Bánh canh Mập - 99A Nguyễn Thái Bình, P. 4, Q. Tân Bình
Bánh canh bột xắt Cai Lậy - 347/5 Minh Phụng, P. 2, Q. 11
Bánh canh thố - 350 Phan Văn Trị, P. 2, Q. 5
Bánh canh cô Út - 70A đường 475, P. Phước Long B, Q. 9
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.