"Mai này ai nhắc lại Rào Trăng
Bữa ấy lũ to, đất san bằng
Mười ba chiến sĩ đầu mũ cối
Để đời thương tiếc mãi trăm năm".
Bài thơ đang được truyền trên MXH khiến nhiều người dù đang ngồi văn phòng giữa bộn bề công việc cũng phải len lén lau đi những giọt nước mắt. Bởi các anh không phải là người xa lạ, các anh là người thân, là đồng bào, là máu thịt, là ngọn lửa. Tiếc là ngọn lửa ấy không may lại lụi tàn.
Ngày 12/10, sạt lở xảy ra tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn cứu hộ 13 người được cử vào đây chỉ 2 tiếng sau khi nhận được thông báo. Trong 13 người ấy, có 11 người là bộ đội, 2 người còn lại gồm 1 cán bộ huyện và một phóng viên. Họ cùng đi thực hiện nhiệm vụ: Cứu hộ những công nhân còn mắc kẹt trong mưa lũ.
Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ đã bị sạt lở khiến 13 cán bộ, chiến sĩ mất liên lạc. Linh tính đau thương xuất hiện nhưng ai cũng mong cầu phép màu xảy ra để 13 cán bộ, chiến sĩ được trở về an toàn.
Ngày 15/10, lực lượng cứu hộ tìm thấy toàn bộ 13 cán bộ, chiến sĩ bị mất tích. Nhưng phép màu đã không tới. Rào Trăng đã ôm các anh vào lòng, để đau thương cho người ở lại…
Người ta có thể mường tượng ra ở trạm kiểm lâm, chỉ còn là bãi sạt lở hoang tàn, lượng đất đá tương đương nửa ngọn núi đã đổ xuống. Tiếng gọi ám ảnh "Có ai đó không?", "Ai ở đó lên tiếng đi" gọi vang. Đồng đội gọi các anh, nhưng không có tiếng trả lời nào cất lên. Chỉ còn lại sự im lặng ghê người, tiếng hú gọi trong tuyệt vọng rơi vào thinh không. Mọi thứ xung quanh chỉ còn là bùn đất, cây cối bị đổ do mưa gió lớn. Hy vọng nào để các anh trở về?
Đồng đội tìm các anh trong lòng đất, từng chiếc xẻng đưa xuống nhẹ nhàng, bàn tay bới đất đá như sợ các anh đau thêm lần nữa… Đất đá bão lũ đã vùi dập những người con quả cảm, vùi luôn trái tim nóng ấm nhiệt huyết xuống đất lạnh… Lời chào tưởng chỉ là 1 chuyến đi làm nhiệm vụ như bao lần bỗng là câu nói cuối cùng ám ảnh, là tiếng vọng về từ quá khứ với người ở lại.
Tiếng gọi thân thương: "Vợ ơi", "con yêu ơi", "mẹ ơi"... không bao giờ còn có thể cất lên lần nữa. Một cuộc chia ly không được báo trước!
Xót xa hình ảnh cha già gương mặt thẫn thờ, ánh mắt hoe đỏ ngồi chờ tin, rồi nấc lên khi thấy con trở về theo cách đớn đau tột độ. Bao lời cầu nguyện đã không được đáp lại.
"Ai ngờ đó là lần cuối cùng chú Man ghé nhà!", câu nói xen lẫn sự xót xa của người hàng xóm cạnh nhà thiếu tướng Nguyễn Văn Man khiến người ta có thể mường tượng ra cảnh lúc ông từ đơn vị tạt qua nhà lấy mấy bộ áo quần rồi đi và... không trở lại.
Dòng chữ "Chúc mừng sinh nhật đồng chí Phạm Văn Hướng, ngày 15.10.1968" trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng như một niềm đau. Đồng chí Phạm Văn Hướng không thể thổi nến sinh nhật dù anh đã trở về.
"Ngày anh đi, anh chào tôi "Đồng chí!
Ngày anh về, sao chẳng nói một câu?
Ngày anh đi, anh cười, "đi cứu hộ"
Ngày anh về, toàn đội khóc, anh ơi...".
Chưa bao giờ người ta sáng tác thơ nhiều như thế, nỗi đau ấy cần 1 ngôn từ để biểu đạt và thơ là nỗi lòng, là lời than, tiếng khóc thương. Nỗi đau ấy không phải là của riêng người thân các anh, là của đồng bào, của tổ quốc, của mỗi trái tim biết yêu thương…
Giống như bao lần khác, tổ quốc gọi các anh lên đường, nào đâu kịp nghĩ về sự sống hay cái chết, bởi chỉ có 2 chữ nhân dân, đất nước.
"Trái tim nóng đã nằm trong đất lạnh!/ Gió thét gào, mưa xóa vết chân anh/ Đồng bào khóc nghẹn ngào trong thương xót/ Ngủ đi anh - bình yên nơi Vĩnh hằng...".
Ngày 15/10 chắc chắn là ngày kỷ niệm buồn nhất của lực lượng vũ trang Quân Khu 4. Đón các chiến sĩ trở về nhưng không có những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết mừng rỡ như mọi lần, mà chỉ có những giọt nước mắt, những trái tim bị bóp nghẹt mà thôi. Bởi "áo bào thay chiếu anh về đất" rồi!
Giữa thời bình đất mẹ đã ôm lấy những người con ưu tú theo 1 cách đớn đau. Các anh có có nghe thấy Tổ Quốc gọi tên mình. Các anh có nhìn thấy những giọt nước mắt gạt ngang hay những dòng lệ rơi lã chã. Các anh có thấy tiếng gào thét của trẻ thơ, hay bàn tay bóp chặt nén đau thương của những người vợ, những giọt nước mắt chảy ngược từ đôi mắt khô đục của người đầu bạc tiễn người đầu xanh.
Chiến sĩ nhớ đồng đội, những người vợ, những người con, những ông bố bà mẹ thương xót những ông chồng, ông bố, những đứa con. Nhưng các anh nằm xuống vì nhân dân, vì 1 sứ mệnh chưa từng do dự, vì "trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa". Nên kể cả đất lạnh có vùi lấp thì trái tim ấy vẫn luôn nồng ấm để đốt 1 ngọn lửa cháy mãi.
"Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu".
Một lần nữa xin kính cẩn nghiêng mình cảm tạ những gì các anh đã làm cống hiến cho đất nước! Đất mẹ ôm các anh vào lòng, tổ quốc ôm các anh vào lòng, chúng tôi cũng ôm lấy các anh.
Và lời 1 bái hát lại thiết tha vang lên trong mỗi người: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...". Chẳng có nơi nào đâu là hiểm nguy, chỉ có nơi đâu cần các anh sẽ có mặt.
Và những người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về. Nhưng trước lời gọi "Có ai còn ở đây không?", thì ai cũng tin các anh vẫn còn ở đó. Với trái tim ấm nồng, tinh thần quả cảm và nhiệt huyết vì dân, vì nước luôn cháy mãi.
Đưa tiễn các anh, chúng ta hãy nén lại những giọt nước mắt, nén lại đau thương. Bởi sẽ có 13 ngôi sao không nằm sâu dưới lòng đất, 13 ngôi sao đã soi rọi Rào Trăng. Mà không chỉ riêng nơi đây, mỗi vùng đất sẽ luôn được soi sáng bởi các anh, những người chiến sĩ luôn lặng thầm chiến đấu ngay cả giữa thời bình.
Mồ hôi, nước mắt và hôm nay... máu đổ...
Xin gửi lời chào 13 ngôi sao ở Rào Trăng cùng sự tiếc thương, lòng cảm kích và biết ơn.
Các anh mãi mãi sống ở đây... trong trái tim chúng tôi, những người ở lại!
DANH SÁCH 13 CÁN BỘ, CHIẾN SĨ HY SINH KHI THAM GIA CỨU NẠN THỦY ĐIỆN RÀO TRĂNG 3:
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4
2. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tác chiến, Quân khu 4
3. Trung tá Bùi Phi Công, Cục phó Cục Hậu cần, Quân khu 4
4. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó Trưởng phòng Xe máy cục Kỹ thuật, Quân khu 4
5. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn TT 80, Quân khu 4
6. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Lữ đoàn 80, Quân khu 4
7. Thượng úy Đinh Văn Trung, Đài trưởng Đài 15W, Lữ đoàn 80, Quân khu 4
8. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ tổng Tham mưu;
9. Trung tá Trần Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
10. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
11. Thượng úy Trương Anh Quốc, Trạm Điệp báo, Phòng tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
12. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền
13. Ông Phạm Văn Hướng - Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.