Sinh ra là phận con gái, chấp nhận làm vợ nhà người ta, làm dâu con nhà người ta, thì chuyện đón Tết ở nhà chồng là điều hiển nhiên. Còn đàn ông con trai họ cũng chỉ là chàng rể, được coi như khách quý, muốn họ về nhà mình ăn Tết hóa ra lại chẳng có gì hay ho khi đôi bên cùng ngượng ngùng và khách sáo.
Có lẽ một trong những chủ để “hot” nhất những ngày cận Tết chính là cả gia đình nhỏ sẽ ăn Tết ở đâu: bên nội hay bên ngoại. Các nàng dâu thường bày tỏ mong muốn được về ngoại ăn Tết, được cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng và đi chợ Tết như những ngày thơ bé. Bên cạnh đó, cũng khá nhiều người mong muốn chồng mình cùng về ngoại để ăn Tết cho vui. Vì các chị vợ đều nghĩ bao nhiêu năm mình ăn Tết ở nhà chồng, tại sao chồng không thể về nhà vợ ăn Tết cùng bên ngoại?
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn quan niệm con gái rồi sẽ trở thành con của người ta, còn chàng rể sẽ là khách nhà mình. Cho nên bố mẹ đã gả con gái đi thì chỉ mong sao con có cuộc sống ấm êm hạnh phúc, không kể các dịp Tết nhất mà mọi ngày đều có thể vui vẻ và được yêu thương bởi gia đình nhà chồng. Chẳng thế mà các cụ ngày xưa mới cho rằng một trong những yếu tố để con gái nhà mình được lòng nhà người ta chính là đối đãi với các chàng rể như một vị khách quý.
Sự khác biệt về đối xử con dâu con rể không phải tới tận bây giờ mới có, mà đã hình thành từ rất lâu trước đây. Cứ thử ngẫm mà xem, con gái khi được dẫn về ra mắt bên nhà trai thì phải lo vun vén, thể hiện mình là cô gái đảm đang và hiếu lễ để được mọi người yêu mến. Còn con trai khi được bạn gái dẫn về nhà ra mắt, thì bạn trai chỉ có mỗi một việc ấy là ngồi tiếp chuyện cùng người nhà bạn gái mà thôi.
Sau khi kết hôn, quy luật “ngầm” ấy cũng không có gì thay đổi. Con dâu về nhà chồng thì lo vun vén cho gia đình chồng là điều tất nhiên. Còn con rể về thăm ông bà ngoại khéo lại được thịt gà thết đãi rồi ngồi lai rai vài ba chén rượu với bố vợ.
Và ngày Tết đến Xuân về cũng vậy, chàng rể về nhà ngoại không phải là không vui, mà thực ra là khách quý thường không thể lưu lại ở lâu. Một vị khách quý ở lại lâu trong nhà khiến ai nấy cũng đều cảm thấy có khoảng cách và phần nào đó e ngại, dò xét lẫn nhau, cái không khí không thể tự nhiên như người nhà. Dẫu biết rằng đây là một sự khác biệt lớn trong văn hóa ứng xử của người Việt, nhưng đó cũng là quy tắc “ngầm” được đúc kết từ đời cha ông chúng ta từ trước. Mà đã là những điều răn dạy của cha ông, hiếm khi nào là không đúng.
Đơn cử từ chuyện của tôi, tôi cũng từng muốn dụ dỗ và lôi kéo chồng mình về ăn Tết nhà ngoại. Ấy thế mà một lần để ý anh chồng qua nhà mình: ngồi thưa chuyện với bố mẹ một lúc, rồi ông bà lại tất bật lo chuẩn bị cơm nước để “thết đãi” chàng rể, còn chàng rể lại ngượng nghịu quẩn quanh trong sân nhà… Lúc ấy tôi mới biết, giữa con rể và bố mẹ vợ đúng là có một khoảng cách khó có thể kéo lại gần. Huống hồ đàn ông, họ lại không khéo léo và tinh tế như phụ nữ để có thể làm “mềm” lại các mối quan hệ, thành thử ra vẫn cứ là ngại ngùng, vẫn cứ là xa cách.
Từ đó về sau, tôi dù rất muốn về ngoại ăn Tết cùng bố mẹ, nhưng nếu được cũng sẽ không rủ chồng về ăn Tết cùng. Bất lắm thì ai ăn Tết nhà người nấy cho thân quen, còn không thì cứ như lời ông cha ta dạy từ trước: mồng Một đón Tết bên nội, mồng hai mồng ba lại về Tết bên ngoại là vẹn cả đôi đường.,
Sinh ra là phận con gái, chấp nhận làm vợ nhà người ta, làm dâu con nhà người ta, thì chuyện đón Tết ở nhà chồng là điều hiển nhiên. Còn đàn ông con trai họ cũng chỉ là chàng rể, được coi như khách quý, muốn họ về nhà mình ăn Tết hóa ra lại chẳng có gì hay ho khi đôi bên cùng ngượng ngùng và khách sáo.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.