Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ việc nuôi con 6 năm, con càng lớn vợ chồng càng không thấy giống mình, đem đi xét nghiệm mới biết bệnh viên đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) đã trao nhầm. Trước đó, hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện thất lạc con suốt 42 năm. Cho đến khi gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh tuyên bố dừng tìm kiếm người thân vì đã quá lâu, hao tổn sức lực mà không có kết quả thì bỗng một ngày, tất cả mọi người đều vui mừng khôn xiết khi tìm được người thân. Hóa ra cô X., người con gái của bà Hạnh vẫn sống rất gần bà, ngay tại phố Huế (Hà Nội), trong khi đó, bố mẹ ruột của chị Trang (người con được trao nhầm cho bà Hạnh) lại ở tận Đà Nẵng.
Những câu chuyện ly kỳ ấy ngỡ tưởng chỉ có trên mặt báo hay trong phim nhưng hóa ra, nó vẫn đang hiện hữu rất nhiều ngoài đời thực. Chỉ trong một buổi ghé thăm Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Hà Nội), chúng tôi đã được cô Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm kể cho nghe biết bao trường hợp cười ra nước mắt.
Cặp vợ chồng tìm lại được con ruột sau bao năm nuôi nhầm con ở bệnh viện vì lý do không ngờ
Cô Nga năm nay ngoài 70 tuổi và đã có hơn 14 năm gắn bó với trung tâm phân tích ADN. Là người trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện cùng khách hàng nên tại nơi đây, cô Nga giống như một người gồng gánh biết bao tâm sự chất chứa của khắp thiên hạ.
Mỗi người tìm đến trung tâm đều có những tâm sự thầm kín: vui buồn, giận hờn hoặc đau khổ vì những hiểu lầm không có lời giải… Những vấn đề liên quan đến bí mật huyết thống luôn là chuyện trọng đại. Đó có thể là mảng tối mà nhiều người đã dùng cả thanh xuân để che đậy hay cũng có những trường hợp lại là ký ức đau buồn, thất lạc nhau vì lý do không thể tưởng tượng. Thế nên, cô Nga thường nói, ADN không biết nói dối và nó có sức mạnh có thể làm thay đổi cuộc sống của cả một gia đình.
Đất nước rộng lớn, những câu chuyện vui buồn từ xét nghiệm ADN nhiều vô kể. Thế nhưng, nhắc đến trường hợp nổi bật, cô Nga đều có thể kể ra tỉ mỉ. Cô Nga nhớ nhất tình huống cách đây khá lâu, một cặp vợ chồng bất ngờ phát hiện mình bị nhầm con ở bệnh viện nhân một cơ duyên vô cùng tình cờ.
“Anh X. - bạn thân của cặp đôi yêu một bà mẹ đơn thân và quyết tâm lấy cô ấy bất chấp sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên, vì bố mẹ phản đối quá dữ nên anh X. muốn làm xét nghiệm để chứng tỏ con riêng của người yêu cũng chính là con ruột của mình rồi đem tờ kết quả ấy về thuyết phục cha mẹ“, cô Nga kể.
Biết ADN không thể nói dối nên anh X. đã nhờ cặp vợ chồng bạn thân đem con của họ đi xét nghiệm nhưng mọi thông tin nhân thân (ngày sinh, tên tuổi…) thì lại kê khai theo thông tin của anh X. và con riêng của người yêu. Với cách làm thông minh này, anh X. tin rằng đám cưới của mình trong tương lai có thể diễn ra thuận lợi. Lý do là nhiều năm nay chơi với nhau, anh X. thấy cặp vợ chồng bạn thân rất chung thủy, chưa từng cãi vã hay xô xát chứ đừng nói đến chuyện ngoại tình.
Vậy mà khi cầm tờ kết quả trên tay, bạn thân anh X. ngã ngửa khi biết người con trai đang nuôi nấng, dạy dỗ lại không có quan hệ huyết thống với mình. Một gia đình kiểu mẫu khiến bao nhiêu người ngưỡng mộ, đến cả anh X. cũng phải nhờ anh đi làm xét nghiệm giùm… trong chốc lát biến thành một hoàn cảnh trớ trêu. Lẽ nào những gì bao lâu nay vợ anh thể hiện, thực ra chỉ là một vỏ bọc để che giấu sự thật khó có ai ngờ? Nghĩ như vậy, bạn anh X. vô cùng đau khổ, thất vọng.
“Vì nghi ngờ vợ ngoại tình và phản bội cũng như bao năm qua, anh phải nuôi con của vợ lén lút ngoại tình với người khác nên bạn anh X. rất đau lòng… Lúc đó, cô đã khuyên có thể là bị nhầm con và nói anh này đưa cả mẹ cháu bé đi xét nghiệm“, cô Nga kể lại.
Không ngoài dự đoán, kết quả xét nghiệm trả về ghi rõ: vợ của bạn anh X. cũng không phải là mẹ ruột cháu bé. Tin vào tình huống bị nhầm con, cặp đôi đã dốc sức tìm kiếm lại con ruột và sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng cũng đã tìm ra. Cho đến bây giờ, họ vẫn còn thầm cảm ơn anh X. vì nhờ một cơ duyên tình cờ đã giúp họ phát hiện ra sự thật bất ngờ. Nếu không nhờ lần xét nghiệm đó, có lẽ có sự thật sẽ bị che giấu suốt cả đời mà không một ai biết để đi tìm.
“Đó là trường hợp hy hữu nhưng không phải là duy nhất về vấn đề nhầm con ở bệnh viện“, cô Nga kể. “Chính trường hợp nhầm con suốt 42 năm của gia đình bà Hạnh cũng đã từng đến Trung tâm phân tích ADN làm xét nghiệm và cô đã miễn toàn bộ chi phí để hỗ trợ gia đình“.
Trước đó, cũng từng có trường hợp gia đình trên phố Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) từng nhờ xét nghiệm ADN mà phát hiện bị bệnh viện trao nhầm con. “Tuy nhiên điều đáng tiếc là sau khi tìm được con ruột, họ đã không còn đối xử tốt với con nuôi nữa khiến cô con nuôi bao năm qua vẫn ngỡ được sống cùng bố mẹ ruột đã rất buồn tủi”.
Sau hàng loạt vụ việc bệnh viện trao nhầm con, không ít người đã tìm đến trung tâm cô Nga để xác định lại huyết thống. Có lẽ chuyện bị thất lạc người thân từ khi sinh ra đã trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người được bố mẹ/con cái đối xử không tốt nảy sinh nghi ngờ.
“Có cô gái đến chỗ cô xét nghiệm lại quan hệ mẹ con vì cảm thấy bị đối xử không tốt… Cô nghĩ chắc phải có nhiều chuyện khó nói lắm thì cô ấy mới quyết định làm xét nghiệm như thế. Nhưng sau khi xét nghiệm, quan hệ của 2 người chắc chắn 100% là hai mẹ con”, cô Nga nhớ lại.
Sinh đôi 2 con gái nhưng chỉ có 1 đứa là con của chồng
Ngoài những câu chuyện đẫm nước mắt từ việc nhận nhầm con ở bệnh viện, cô Nga cũng từng chứng kiến biết bao chuyện bi hài liên quan đến huyết thống của những đứa trẻ mới sinh hoặc còn đang nằm trong bụng mẹ. Mỗi câu chuyện lại là một trường hợp rất riêng. Có khi do người mẹ cố tình che giấu bí mật động trời nhưng cũng có những lúc lại là vì sự thiếu hiểu biết hoặc những tình huống đưa đẩy rất khó giải thích.
Trường hợp cô Nga nhớ nhất là một cặp vợ chồng ở Hòa Bình đã đến trung tâm làm xét nghiệm ADN. Bất ngờ lớn nhất là kết quả của 2 đứa trẻ sinh đôi không giống nhau. Một người là con ruột của bố còn người kia lại không phải. Trong thời gian rụng trứng, người vợ đã có quan hệ với 2 người đàn ông khác nhau dẫn đến kết quả bào thai sinh đôi nhưng khác trứng, có quan hệ huyết thống với cha hoàn toàn khác biệt.
“Lúc xét nghiệm quan hệ bố con, có 1 đứa không phải là con của bố nên tôi cũng nghi ngờ trường hợp nhầm con của bệnh viện giống nhiều tình huống trước đây. Thế nhưng khi làm kết quả xét nghiệm với mẹ thì cả 2 bé đều là con của mẹ“, cô Nga kể.
Kết quả khiến cả gia đình choáng váng và chính cô Nga cũng cảm thấy khó tin. Nhưng hơn ai hết, có lẽ chỉ có mẹ cháu bé hiểu vì sao mọi chuyện lại xảy ra như thế. Đây là một trường hợp vô cùng hy hữu xảy ra hồi năm 2016 bởi tới lúc đó, trên toàn thế giới mới chỉ từng ghi nhận 10 trường hợp tương tự.
“Cô nghe nói sau này cặp vợ chồng đó cũng ly hôn, không rõ thực hư ra sao nhưng nếu đúng như vậy thì thực sự đó là kết cục rất buồn. Chỉ có điều, người làm xét nghiệm ADN như bọn cô không thể nói dối khách hàng“, cô Nga nói.
Nhắc tới chuyện ADN không biết nói dối, cô Nga kể thêm về trường hợp có một đôi người Đài Loan - Việt Nam từng đến Trung tâm của cô làm xét nghiệm. Người đàn ông ngoại quốc qua Việt Nam tìm vợ và quen chị H. 2 người thỏa thuận với nhau nếu chị H. có bầu, ông ta sẽ làm thủ tục qua Đại sứ quán để chị được nhập quốc tịch Đài Loan.
Kết luận bên dưới phiếu xét nghiệm rất ngắn gọn nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong ảnh là xét nghiệm Trung tâm phân tích ADN làm miễn phí cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Tiếc là chị H bị lép trứng nên không thể có con. Vì muốn đưa chị H. theo, người đàn ông ngoại quốc đã dẫn chị đến bệnh viện thụ tinh nhân tạo.
“Khi thụ tinh, bệnh viện dùng trứng của người khác để cấy phôi. Chị H. chỉ là người sinh con ra nhưng về mặt sinh học thì lại không phải mẹ ruột đứa bé. Thế nhưng vì không hiểu rõ về ADN nên chị cứ nghĩ, chỉ cần con mình mang thai thì xét nghiệm thế nào cũng là con của mình“, cô Nga kể.
Những trường hợp muốn theo chồng sang nước ngoài đều phải làm xét nghiệm ADN đứa bé trong bụng. Khi biết đứa nhỏ không có quan hệ huyết thống với chị H, cô Nga đã khuyên cặp đôi giải thích rõ việc thụ tinh với Đại sứ quán. Rất tiếc là người đàn ông Đài Loan khi biết chị H. dù thụ tinh ống nghiệm cũng không thể có con đã ngỏ ý muốn chia tay và chối bỏ đứa bé.
“Chị H. rất muốn cô thay đổi kết quả xét nghiệm để người đàn ông đó đưa chị đi. Thực sự hoàn cảnh của chị như vậy cũng rất đáng thương nhưng cô cũng không có cách nào khác. Kết quả ADN không thể làm giả được“, cô Nga kể.
Cô Nga tâm sự, làm ở trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền, cô và nhân viên ở đây đã chứng kiến nhiều chuyện vui, buồn, khổ đau và hạnh phúc đều có đủ. Những hỉ nộ ái ố, ân oán cả một đời người có khi lại được giải quyết ngắn gọn bằng một dòng kết luận xét nghiệm ADN. Thế nên làm nghề này cần có cái tâm, luôn trung thực và hết lòng vì khách hàng.
“Nhiều người hỏi cô nghe chuyện thiên hạ mãi thế có mệt không cô chỉ cười… Mỗi người một nghề nên cô cũng quen. Những câu chuyện cô kể, danh tính không thể để lộ vì đó là nguyên tắc nhưng chắc chắn thật 100%“, cô Nga nói thêm.
Theo saostar.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.