Dấu hiệu trẻ bị sốc tâm lý khi có thêm em

(lamchame.vn) - Một trong những cách trẻ phản ứng với việc có thêm một thành viên mới trong nhà đó là làm một số hành động mà bé đã trải qua khi còn nhỏ.

Dấu hiệu trẻ bị sốc tâm lý khi có thêm em - Ảnh 1.

Bố mẹ cần lưu tâm đến cách cư xử hàng ngày của các bé.

Nhiều trẻ thích có em cũng không quen được sự đảo lộn khi gia đình có thêm thành viên mới. Vì thế, trẻ thường có những phản ứng để "đòi lại công bằng".

Thời gian nào cho con?

“Mẹ xong chưa? Chơi với con đi, con muốn chơi với mẹ”, “Mẹ ơi, tối nay cho con ngủ với mẹ được không?”... Đó là câu nhiều trẻ vẫn thường nói khi gia đình có thêm em bé. Bởi có nhiều cha mẹ quay cuồng với con nhỏ, việc nhà, thời gian dành cho con đầu gần như không nhiều.

Trước kia, chị Hương Giang (Ba Đình, Hà Nội) thường cùng con ríu rít chuyện trò. Cuối tuần, cả gia đình lại lên kế hoạch đi chơi. Nhưng từ khi có bé thứ 2, cả ngày tã bỉm, dọn dẹp đã ngốn hết thời gian của chị.

Khi bé Dâu đi học về, con không được mẹ chơi cùng, không còn được chuyện trò, kể với mẹ hôm nay ở lớp ăn món gì, học cái gì, chơi với bạn nào… Dâu từng tâm sự rằng thấy mẹ cứ lùi xa, lùi xa mình. Nó thấy tủi thân vì trong mắt mẹ giờ toàn là em bé và việc nhà, hoàn toàn không có chỗ dành cho nó.

Biết bao nhiêu lần chị Giang hẹn “con ngủ trước đi rồi xong việc mẹ vào”. Thế nhưng, khi con thứ 2 ngủ cũng là khi chị thấy quá mệt mà quên lời hứa. Đây không phải là chuyện hiếm, thậm chí nó ngày càng phổ biến. Vì ngày càng nhiều gia đình trẻ chỉ có vợ chồng và con nhỏ, thiếu đi sự giúp đỡ của ông bà hoặc do khó khăn về kinh tế không thể có người hỗ trợ.

Hơn nữa, khi mới có một con thì hai vợ chồng còn có thể xoay xở, nhưng khi sinh thêm bé thứ 2 thì nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng vì không thể cân bằng được thời gian cho con cái, công việc… Người mẹ lúc này phải cáng đáng việc nhà và chăm con. Do vậy, quỹ thời gian dành cho con lớn co hẹp lại đến mức chính người mẹ nhiều khi cũng không thể nghĩ có lúc mình lại thiếu thời gian gần gũi con đến như vậy. Điều này khiến nhiều bé lớn cảm thấy không thích sự xuất hiện của em bé vì đã làm đảo lộn mọi thứ của chúng.

Trước khi có em bé, trẻ được chăm sóc, chiều chuộng không chỉ của bố mẹ mà còn của những người thân khác trong gia đình. Ngay từ lúc chào đời, trẻ đã quen với sự quan tâm tuyệt đối của cả nhà về vật chất cũng như tình cảm.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thuỳ (Trung tâm Phát triển trí thông minh cho trẻ), rất nhiều trẻ vẫn thích có em bé. Tuy nhiên, chúng không tránh được bị sốc khi vị trí số 1 trong nhà thuộc về thành viên mới. Đang từ một trẻ rất ngoan, dễ ăn dễ ngủ, con bạn trở nên khó bảo, ương bướng, không chịu nghe lời và quậy phá.

Một trong những cách trẻ phản ứng với việc có thêm một thành viên mới trong nhà đó là làm một số hành động mà bé đã trải qua khi còn nhỏ. Thậm chí đòi ngồi ghế hoặc xe của em, đòi mặc tã hay uống sữa bằng bình. Đơn giản là vì trẻ đang muốn thu hút sự chú ý của mẹ. Trẻ nhận ra điều gì đang thu hút mẹ và sẽ liên tục chen ngang để được mẹ chú ý đến.

Có trẻ tỏ ra khác thường như hét lên giữa không gian yên tĩnh, cố tình “tè” hoặc vệ sinh lung tung. Tất cả những việc làm tưởng như vô thức đó chỉ thể hiện một mong muốn duy nhất là muốn gây sự chú ý của mọi người, bắt mọi người phải quan tâm đặc biệt hơn đến mình.

Dấu hiệu trẻ bị sốc tâm lý khi có thêm em - Ảnh 2.

Nhiều trẻ thường khóc lóc khi có sự xuất hiện của em bé. Ảnh minh họa.

Phản ứng từ “sự đảo lộn”

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thuỳ, từ tuổi lên 3, trẻ đã có khả năng nhận xét và trí nhớ khá tốt trước những quan tâm của cha mẹ. Trong thời gian chưa sinh em bé, trẻ luôn thấy mình là trung tâm của cả gia đình, được mọi người âu yếm, vuốt ve.

Khi có em rồi, trẻ không được đặc quyền đó nữa, trẻ sẽ cảm thấy mình bị ra rìa. Nhiều em trở nên bất thường. Thậm chí có những hành vi kỳ cục như hay thích cắn người khác, lầm lì, hay tranh giành với bạn bè, tối ngủ hay giật mình thức giấc, khóc thét rất to.

Khi trẻ là con đầu lòng, bố mẹ càng yêu chiều nhiều hơn tạo cho bé nếp nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ”. Trẻ không quen với việc san sẻ tình thương và nhu cầu với bất cứ ai. Nhận thức non nớt của trẻ nhỏ lúc này chỉ biết rằng nhu cầu của bản thân là trên hết và sẽ được bố mẹ đáp ứng ngay lập tức, không ai có thể tranh giành. Đó giống như một kiểu tin tưởng đã được mặc định mà trẻ chắc chắn là sẽ không có sự thay đổi.

Rồi bỗng dưng em bé xuất hiện, mọi thứ không còn đúng như quỹ đạo ban đầu mà trẻ đã quen. Ngay từ khi mẹ mang bầu, sự mệt mỏi của quá trình thai nghén khiến mẹ dãn dần sự quan tâm đối với bé. Dù em chưa xuất hiện, nhưng những thay đổi này của mẹ, trẻ cũng có thể cảm nhận được. Nhưng chỉ đến khi em bé chào đời, trẻ mới bắt đầu phải trải qua rất nhiều những biến đổi lạ lẫm mà chưa bao giờ trẻ thấy.

Đầu tiên là sự “biến mất” của mẹ trong ít ngày khi mẹ nằm viện sau sinh. Tiếp đến là sự hiện diện của em nhỏ mà bé không biết là từ đâu đến. Liên tiếp sau đó, trẻ phải chứng kiến cảnh mẹ cho em bú, suốt ngày chỉ vỗ về em mà quên đi mình. Thậm chí, khi bé dụi vào người mẹ để nhắc nhở về sự hiện diện của mình thì lại bị mẹ “đuổi” ra với bố.

Chưa kể đến việc nhìn thấy mọi người đến thăm cho em quà, khen em có cái này cái kia hơn anh chị, và những câu trêu đùa rằng “bây giờ mẹ có em thì con ra rìa” của mọi người càng khiến trẻ hoang mang, hờn tủi. Những cảm giác này cứ nhiều lên từng ngày, nếu bố mẹ không chú ý có thể dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng tâm lý cũng như tính cách của trẻ.

“Ở mỗi trẻ lại có những biểu hiện thay đổi khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và mức độ quan tâm của bố mẹ. Biểu hiện phổ biến của trẻ trong trường hợp này là cố gây chú ý hơn với người lớn bằng cách vòi vĩnh, khóc lóc. Thậm chí, trẻ còn không nghe lời hoặc ngược lại, bỗng trở nên lầm lì, khó bảo hơn. Trẻ bắt đầu có sự so sánh thái độ của mọi người với mình và em bé”, cô Thùy cho hay.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thị Thùy, khi nhận thấy mình bị cho “ra rìa”, trẻ thường ghen ghét với em. Trường hợp trẻ lén cấu véo hoặc làm tổn thương em cũng bắt nguồn từ suy nghĩ em bé xuất hiện đã “cướp” mất bố mẹ và chỉ muốn em biến mất để mình lại được yêu thương như trước. Nếu bố mẹ không lưu tâm để ý đến cách cư xử hàng ngày giữa các bé thì rất dễ tạo ra những kiểu tính cách và các khoảng ký ức không tốt cho tuổi thơ của trẻ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang