"Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương"

Tin nhạc sĩ Phó Đức Phương đột ngột qua đời vì ung thư đã khiến nhiều người vừa bất ngờ vừa thương tiếc.

 Trong số đó, có một người bạn 35 năm yêu mến, kính trọng ông đã bật khóc khi đọc dòng chia sẻ của nghệ sĩ piano Phó An My, cháu ruột gọi nhạc sĩ Phó Đức Phương bằng chú.

"Vậy là anh Phương "chú mình" đã về nhà. Chắc bố và chú đang bên nhau khề khà chén rượu. Sẽ chẳng còn nghe lại được giọng cười sảng khoái. Đập tay xuống bàn, nhịp phách hát những tác phẩm mới, cũ. Rượu vẫn còn đó mà các bạn "lớn" lại cứ rủ nhau đi uống mảnh. Nhớ chú lắm, chú Phương à", nghệ sĩ piano Phó An My viết.

Người không cầm được nước mắt khi nghe tin, chính là Đạo diễn - NSƯT Lê Chức, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam gần 20 năm. Ông đã dành cho tôi những chia sẻ chân tình về người anh, người bạn vừa nằm xuống – nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã từ trần ngày 19/9/2020 trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, gia đình và khán giả.

Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương - Ảnh 2.

Đạo diễn - NSƯT Lê Chức với 35 năm làm bạn và làm việc cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã chia sẻ những điều trân quý về người bạn già vừa nằm xuống.

"Tiếc lắm, đau lắm! Định mệnh quá khắt khe với anh Phương"

"Phó Đức Phương hơn tôi 3 tuổi, chúng tôi làm việc với nhau rất nhiều năm. Tin Phó Đức Phương gặp nan bệnh đến với chúng tôi từ vài tháng trước, bên cạnh còn có những anh em nhạc sĩ khác cũng ở trong trường hợp tương tự.

Thật sự lúc này, chúng tôi còn lo lắng cho một nhạc sĩ nữa là Phú Quang, sợ mất đi những tài năng âm nhạc của đất nước. Vì rõ ràng, thế hệ những người sáng tác gần đây so với những người anh, chứ chưa nói tới những bậc thầy thì tài năng dường như chưa xuất hiện nhiều.

 

Đọc tin của Phó An My, thật sự tôi đã khóc. Cứ nghĩ tới Phó An My phải chịu hai cái tang của thân sinh và chú ruột trong vòng vài tháng, tôi không giữ được nước mắt.

Và tôi có cảm giác, sao định mệnh lại khắt khe với hai anh em Phó Đức Vạn và Phó Đức Phương như thế này. Thì thôi, cuối cùng vẫn phải nghĩ bằng tất cả kiến thức của mình rằng, đây là định mệnh, là số phận. Hình như thiên mệnh của các anh trong cuộc đời này, Thượng Đế, Trời Phật cho đến thế thôi.

Tiếc lắm. Đau lắm. Tôi dùng chữ đau vì chúng tôi cùng đi bên nhau, cùng sống với nhau những ngày rất gian khó. Có những ngày mưa, tôi đến gặp anh Phương ở ngõ Văn Chương để trao đổi sáng tác.

Năm 1985, tôi về nước dựng vở tốt nghiệp "Đêm mùa xuân". Anh Phó Đức Phương cùng tôi và họa sĩ Doãn Châu đã làm nên bản diễn "Đợi đến mùa xuân" cho đoàn kịch nói Phú Thọ.

Trong một đêm chúng tôi ngủ cùng tác giả Xuân Trình. 3,4 giờ sáng, anh Xuân Trình còn nói "Chức ơi, mình không thể nghĩ, kịch bản của mình lại có chất thơ như thế này". Một trong những người tạo ra chất thơ trong bản diễn ấy là phần âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương - Ảnh 4.

Từng có giai đoạn, Phó Đức Phương được xếp vào top 4 nhạc sĩ có ảnh hưởng và tạo nên nền âm nhạc Việt Nam cùng Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến...

Anh Phương lại viết phần âm nhạc của vở "Tin ở hoa hồng", kịch bản Lưu Quang Vũ mà tôi dựng cho đoàn kịch Đà Nẵng cũng trong năm 1985. Đó là một trong những vở diễn làm thay đổi uy tín của đoàn kịch Đà Nẵng. Trong đó có một ca khúc mà đến giờ người ta vẫn hát là "Tin ở hoa hồng", tính từ đó đến giờ là 35 năm.

"Lóng lánh sương mai tràn đầy hương bay. Bối rối trái tim dạt dào nỗi lòng. Ơi hoa hồng một tình yêu đang nở. Dù lặng thầm hay mong manh giữa gai đâm. Dù giận hờn hay cô đơn giữa khổ đau, tình yêu mang mang trong trái tim...".

Vở thứ ba mà Phó Đức Phương cộng tác với tôi là vở về cụ Nguyễn Trãi và liệt nữ Nguyễn Thị Lộ khi tôi đương nhiệm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Một lần nữa, ông đã để cho chúng tôi những ấn tượng đặc biệt về tài năng.

Làm việc với Phó Đức Phương thì vô cùng yên tâm. Anh Phương có vốn liếng dân gian rất lớn của vùng quan họ. Hình như quan họ tìm được anh hay anh ở trong lòng quan họ mà viết nên những ca khúc rất riêng.

Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương - Ảnh 5.

"Cứ nhắm mắt lại, lại thấy Phương hiện lên với mái tóc bồng bềnh"

Bây giờ, cứ nhắm mắt lại, lại thấy Phương hiện lên với mái tóc bồng bềnh. Có lần tôi đùa "tóc Phương không phải quăn tự nhiên nhỉ", Phương cười hiền lành bảo "Chức có mái tóc được bà mẹ cho quăn tự nhiên. Chính vì mình không được tự nhiên như Chức nên mình cho nó tự nhiên bằng cách đi qua một kỹ thuật khác. Chức quăn một kiểu mà mình quăn một kiểu".

Chính những câu đùa đó làm nên tình bạn của chúng tôi. Hồi tôi làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, trong một đêm mưa làm việc với Phó Đức Phương, mưa lớn tới mức Phương không thể về được, chúng tôi có với nhau một kỷ niệm đáng nhớ.

Phó Đức Phương có biệt tài "gõ nhạc bằng mặt bàn". Đêm đó, Phương gõ mặt bàn và hát. Phương nói "Tôi có bài này mới, tôi rất tin vào tài thẩm âm của Chức, Chức nghe hộ tôi cái". Anh Phương gõ bàn và hát "Một thoáng Tây Hồ". Hát xong, Phương bảo "cho mình cốc rượu".

Tôi không uống nhưng luôn có rượu cho bạn bè. Uống xong, trong yên lặng chỉ có tiếng mưa, Phương hỏi tôi một câu "ý anh thế nào"? Tôi nói "tôi có cảm giác nghe âm hồn ở trong lòng Hồ Tây vọng lên". Phương nói "cám ơn bác, một mình bác nhận ra hai chữ âm hồn trong bài hát của tôi là đủ rồi".

Định mệnh của mỗi con người là không thể tránh được. Số phận cũng vậy. Phó Đức Phương, Phó Đức Vạn hay Phó An My... là thiên sứ âm nhạc của dòng tộc họ Phó.

Trong đó có hai người mà tôi yêu kính: Phó Đức Phương, Phó Đức Vạn. Hai anh đã cùng tôi và thầy Nguyễn Ngọc Phương khi đó là Cục trưởng Cục Sân khấu từng có 2 tháng rưỡi làm việc với nhau về vở "Chuyện tình Từ Thức gặp tiên" cho sân khấu quan họ.

Phương viết nhạc, anh Phó Đức Vạn dựng cho dàn nhạc, cho Thúy Cải, Thúy Hường, Khánh Hạ, Hai Trọng... lên hát. Chúng tôi đã cùng nhau dựng lên vở diễn mang tính sân khấu đầu tiên ở sân khấu quan họ để tham gia liên hoan Kịch Hát Mới năm 1989.

Đau lắm, định mệnh đã quá khắt khe với Phó Đức Phương - Ảnh 7.

Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là niềm tiếc thương vô hạn đối với nhiều đồng nghiệp.

Tất cả ấn tượng chúng tôi còn lại với nhau là khi làm việc có sự đồng cảm, đồng tư duy. 

Chúng tôi không chấp nhận "hàng chợ" vì chúng tôi là những người được đào tạo trong những gia đình có truyền thống, không bị thôi thúc bởi kinh tế dù kinh tế rất cần cho cá nhân mình, cho những người mình cần giúp nhưng chúng tôi không đánh đổi những gì tạo nên chúng tôi.

Tương tự, Phó Đức Phương không đánh đổi nên đã nhận một trách nhiệm mà chúng tôi băn khoăn mãi, là bảo vệ quyền tác giả ở trung tâm tác quyền. Cảm giác thương lắm. Phương mất biết bao thời gian vào những công việc tiếp nhận văn bản này văn bản khác, vụ tranh chấp này, vụ tranh chấp khác.

Hàng ngày gặp nhau ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi cứ lo Phương còn viết được nhạc không, còn có được những ca khúc không. Và trong thời gian đó, tuy không nhiều nhưng Phương vẫn có được những ca khúc để đời cho mình và những người quen biết mình.

Lúc này, tôi đang ngồi ở nhà và nhìn vào giờ tang lễ của Phó Đức Phương: 11h30 ngày thứ Năm, 24/9/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. 

Tôi sẽ đến với Phương lần cuối, chia tay với một thiên sứ âm nhạc đã cùng tôi sống và làm việc trong nhiều năm bằng sự trân trọng và yêu mến nhau. Đau và tiếc một tài năng âm nhạc"!

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang