Dạy con chào hỏi: Tại sao người lớn không chủ động mà trẻ con cứ phải chào trước?

“Bắt bé phải chào hỏi bằng quát mắng không những bé không chịu chào mà còn ghét phải chào. Vì thế bố mẹ hãy chào con trước, nhờ người lớn, người quen gặp bé thì chào bé trước. Bé sẽ học dần điều đó thành thói quen” - TS. Vũ Thu Hương.

Dạo gần đây đọc được bài viết của một bà mẹ kể chuyệnđồng ý cho con không chào hỏi người lớn nếu người đó không tôn trọng con, cụ thể là thờ ơ với việc con chào hỏi trước. Có nhiều ý kiến, người ủng hộ, người phản bác vậy làm thế nào để tránh khỏi tình trạng mâu thuẫn trong quan điểm dạy con? Dưới đây là một vài ý kiến để các chị em mình cùng tham khảo.

Đa phần các mẹ vẫn đồng tình rằng, trẻ cứ gặp người lớn thì nên chào vẫn tốt hơn, bởi quan điểm của người Việt mình, cứ trẻ con lễ phép, chào hỏi thì người ta mới thương. Rõ ràng khi con không chào, thể nào bố mẹ cũng bị bảo: “Ơ, sao đứa bé này hư thế, gặp người lớn mà không biết chào hỏi à!”


Nếu không chào hỏi người lớn, trẻ sẽ bị la mắng là không ngoan. Ảnh minh họa

Trước hết, tại sao chúng ta lại muốn trẻ phải cúi chào những người lớn mà các bé gặp được? Có phải là vì để mọi người khen rằng em bé ngoan quá, giỏi quá hay không? Hay để thể hiện mình là người cha, người mẹ chu đáo và gia đình có nề nếp. Chẳng biết có bao nhiêu bố mẹ đồng tình rằng việc dạy con chào hỏi là để giúp con hình thành nhân cách của đức tính lễ phép về sau?

Từ trước đến nay chúng ta vẫn quen với việc trẻ con phải chào hỏi người lớn trước, thế mới là bé ngoan và khái niệm người lớn chào hỏi trẻ con trước vẫn còn là một khái niệm xa lạ. Vậy nếu bây giờ người lớn chào hỏi trẻ con trước thì sao?

Bà mẹ đơn thân 2 con Huỳnh Trang Nhi - một hot mom trên MXH chia sẻ dưới bài viết như sau: “Sao mình không chịu thử gặp bọn trẻ cứ say Hi, hello boy or girl… trước, thì chắc chắn bọn trẻ sẽ tự nhiên hơn và bảo đảm sẽ chào mình lại trong tư thế rất vui và gần gũi .... Chứ bọn trẻ không còn phải chào mình vì bỡ ngỡ hoặc tâm lý chào vì sợ, chào vì phải chào mà tâm hồn vô cảm hoặc không hiểu vì sao phải chào và chào vì cái gì… Hoặc tệ hơn là chào vì sợ ba mẹ đánh đòn khi không nghe lời!”


Sẽ thế nào nếu người lớn chủ động chào trẻ trước? Ảnh minh họa

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng chia sẻ: “Bắt bé phải chào hỏi bằng quát mắng không những bé không chịu chào mà còn ghét phải chào. Vì thế bố mẹ hãy chào con trước, nhờ người lớn, người quen gặp bé thì chào bé trước. Bé sẽ học dần điều đó thành thói quen”.

Thực tế, trẻ con dưới 6 tuổi chưa có khái niệm đầy đủ về lễ phép hay các quy tắc xã giao. Bé thường chào hỏi theo thói quen hoặc vì bố mẹ nhắc nhở chứ chắc gì đã biết đến phép tắc “không chào là hư” như ông bà mình vẫn dạy. Chính vì thế bé sẽ tiếp nhận phản ứng này như một cách bắt buộc phải làm, nếu không làm thì bị bố mẹ la mắng, thậm chí là đánh đòn.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trẻ con khi phải làm một việc gì mới nó sẽ không thích và phản ứng ngay. Vì thế đừng bắt ép trẻ mà hãy để nó nhìn người khác làm nó sẽ bắt chước theo”.

Chúng ta không cổ xúy cho việc các ông bố, bà mẹ xui con không chào hỏi người lớn, nhỡ chẳng may các bé lại hình thành thói quen thì nguy to! Thế nên, dạy con là cả một hành trình dài, vì vậy việc nên làm là lựa chọn cách dạy phù hợp với trẻ, để con có điều kiện phát triển tốt, được lớn lên bằng sự học hỏi và hiểu biết chứ không phải các quy tắc cứng nhắc.

Đó mới thấy, để dạy được trẻ nghe lời, điều quan trọng nhất là phải có tấm gương, có thể là bố mẹ, người lớn, bạn bè cùng lứa tuổi. Quan trọng nhất là bố mẹ hãy nên thực hiện trước để các bé học theo, bởi tuổi của bé là tuổi học theo, chưa phải là tuổi bị “bắt ép”.

Theo Làm Cha Mẹ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang