Sáng nay 7/1, Bệnh viện Từ Dũ đã thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn về trường hợp thai nhi 40 tuần tuổi tử vong, gia đình tố bệnh viện tắc trách.
Trước đó, ngày 28/12, chị D. mang thai 40 tuần 1 ngày nhập viện theo dõi tại khoa Sản A Bệnh viện Từ Dũ để chờ sinh. Hai mẹ con được thăm khám 1-2 tiếng một lần, tim thai hoàn toàn bình thường. Nhưng đến 22 giờ ngày hôm đó, tim thai khó ghi nhận và kết quả siêu âm sau đó cho thấy bé đã mất. Phát hiện nhau bong non nên bác sĩ chỉ định mổ để an toàn hơn cho mẹ.
Em bé được lấy ra khỏi bụng mẹ với tình trạng dây rốn thắt nút, 2 vòng quấn cổ, nhau bong non 10%. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nguyên nhân khiến em bé tử vong trong bụng mẹ là do dây rốn thắt nút chặt, một tình trạng hiếm gặp trong y khoa, tỉ lệ 0,3-2%.
"Khi tồn tại thắt nút dây rốn và nó ngày một siết chặt hơn, tuần hoàn của mẹ - con sẽ bị cắt đứt vào một thời điểm nào đó. Thời điểm phổ biến là ngay lúc chuyển dạ, bởi cơn gò của tử cung có thể kích thích dây rốn siết chặt hơn. Tim thai bị mất đột ngột, không có dấu hiệu suy nên nguy cơ đột tử rất cao", bác sĩ Mỹ Nhi giải thích.
-
Niềm vui đầu năm 2020: Em bé chào đời an toàn dù bị dây rốn quấn 3 vòng quanh cổĐọc ngay
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết thêm rằng: Y khoa hoàn toàn không có biện pháp dự phòng dây rốn thắt nút. Các ca phát hiện được rất tình cờ và hiếm hoi. Khi dây rốn thắt nút tồn tại, nguy cơ thai nhi tử vong cao gấp 4 lần so với thai bình thường.
Dây rốn thắt nút nguy hiểm đến mức nào?
Dây rốn là đường dẫn khí oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang con và nó là nguồn sống, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ. Khi dây rốn bị thắt nút, các chất dinh dưỡng sẽ bị "ngừng trệ", thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.
Có trường hợp dây rốn thắt lỏng, có trường hợp dây rốn thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tùy tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu nút thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé không được cung cấp khí oxy và chất dinh dưỡng, do đó có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.
Nguy hiểm là vậy nhưng hiện tượng này khó có thể phòng tránh. Mẹ bầu chỉ có thể chẩn đoán thai nhi gặp phải hiện tượng dây rốn thắt nút bằng việc siêu âm màu và ở những tuần đầu thai kỳ. Lúc này thai bé và dây rốn chưa dài nên bác sĩ có thể nhận biết. Càng ở tuần thai lớn hơn thì dây rốn dài hơn và em bé cũng lớn hơn, sẽ rất khó nhận biết được dây rốn đang cuộn vòng tròn hay đang thắt nút.
Theo các chuyên gia, dây rốn bị thắt nút hình thành khi em bé vận động và di chuyển trong bụng mẹ qua các vòng cung dây rốn.
Một số tác nhân làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút bao gồm: Dây rốn dài, kích thước thai nhỏ, đa ối, thai nhi vận động nhiều, song thai một túi ối, mẹ tiểu đường thai kỳ...
Nếu nghi ngờ và chẩn đoán thai bị dây rốn thắt nút thì mẹ bầu cần theo dõi thường xuyên thông qua việc siêu âm thai. Bên cạnh đó, các sản phụ cũng cần chú ý hơn đến các biểu hiện, cử động của thai nhi, khi thấy bất kì hiện tượng bất thường nào thì cần phải đi khám ngay để có thể xử trí kịp thời
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.