Đề xuất quy định mới, đi đòi nợ thuê phải đeo thẻ và mặc đồng phục

Với đề xuất này, người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó, nêu rõ các đơn vị phải cấp trang phục cho người lao động do doanh nghiệp tự thiết kế. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp, đồng thời các đơn vị phải công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh. 

Với đề xuất này, người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan. Khi những nhân viên này kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp. 

Bộ cũng đề xuất, nếu doanh nghiệp vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. 

Đề xuất nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ từng được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định năm 2016. Tuy nhiên đến khi xin ý kiến năm 2017, cơ quan này lại bỏ điều kiện trên sau khi Bộ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự. Thế nhưng, một năm sau, nội dung này lại được dự thảo đưa vào.

Ngoài quy định về đồng phục, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chấp hành đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, dự thảo lần này bỏ điều khoản chủ nợ và khách nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật gây ra so với quy định hiện hành.

Bộ Tài chính cũng đề xuất vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Điều này nới hơn so với quy định cũ khi mức 2 tỷ đồng là vốn pháp định (vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp), nhưng trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định. 

Tại dự thảo đề xuất, Bộ nêu rõ những cá nhân có hành vi như bị xử phạt về chống người thi hành công vụ, cho vay nặng lãi, đang cai nghiện ma túy, đánh bạc, từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, đang bị quản chế... không đủ điều kiện được tuyển dụng vào công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

 

Theo kinhdoanh.vnexpress.net

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang