Sáng 8/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 15 ca mắc COVID-19, tất cả đều ghi nhận trong nước tại Hà Nội - 1 ca và tại Bắc Ninh -14 ca. Như vậy, tổng số ca mắc trên cả nước đến nay là 3.152 ca, trong đó số ca khỏi bệnh là 2560 và 35 trường hợp tử vong.
Diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp
Có thể thấy, trong đợt dịch này diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng vi rút mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia chiều 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn các đợt dịch trước do ca bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều chủng virus, trong đó có biến chủng Anh, biến chủng Ấn Độ "siêu lây nhiễm".
Đến hôm qua 7-5, đã có 9 bệnh viện phải cách ly y tế do làn sóng dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Trong đó, số ca nhiễm ở các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện K chưa dừng lại.
9 bệnh viện đang phải cách ly:
1. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội
2. Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội
3. Bệnh viện Quân y 105, Hà Nội
4. Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
5. Bệnh viện Đa khoa Thái Bình
6. Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, Nghệ An
7. Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc
8. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
9. Bệnh viện Quân y 7A, TP HCM
Có thể xuất hiện thêm nhiều ổ dịch
Tại hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia và 63 tỉnh, thành phố về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 7/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia xác định về nguồn gốc liên quan giữa các ổ dịch trên cả nước trong đợt dịch lần này như sau: Ổ dịch Hà Nam liên quan đến bệnh nhân 2899, ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc liên quan đến nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc, ổ dịch tại Bệnh viện K lây lan từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Tuy nhiên ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và một số ca bệnh ở Đà Nẵng, Hải Dương không rõ nguồn lây. Điều đó cho thấy, trong cộng đồng đã có mầm bệnh.
"Đợt dịch lần này phức tạp hơn, đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn các đợt dịch trước. Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn, có thể xuất hiện thêm ổ dịch chưa rõ nguồn lây, chưa kiểm soát được. Thực tế đã chứng minh điều này. Ở các nước tình hình lây nhiễm nhanh, phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo.
Bộ Y tế nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất
Trước tình hình nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao... Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.
Đối với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng cần tiến hành xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày. Các địa phương chưa có ca bệnh trong cộng đồng thực hiện theo Công văn số 5268/BYT- KCB ngày 1/10/2021 của Bộ Y tế. Kinh phí xét nghiệm thực hiện từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương và theo hướng dẫn Công văn số 1126/BHXH- CSYT ngày 29/4/2021 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thượng khẩn: Những người đã đến khoa Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện K phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung đủ 21 ngày
Tối 7/5, Sở Y tế Hà Nội, đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã có công văn thượng khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách toàn bộ những người (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người dân…) đã đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều trong thời gian từ ngày 16/4 đến ngày 7/5.
Với những người đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày 16/4-26/4, lập danh sách và giám sát sức khỏe tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến hoặc ở bệnh viện.
Những người bệnh đến bệnh viện từ 27/4 đến 7/5 nhưng không đến khoa Gan - Mật - Tụy, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến hoặc ở bệnh viện; sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày.
Với những người đã đến khoa gan - mật - tụy, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến hoặc ở bệnh viện, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Đối với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 phải được chuyển ngay đến cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời.
Với những trường hợp có tình trạng sức khỏe đặc biệt sẽ do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương quyết định hình thức cách ly nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/dien-bien-dich-covid-19-phuc-tap-5-o-dich-19-tinh-thanh-co-ca-benh-9-benh-vien-phai-cach-ly-y-te-162210805131019748.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.