Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc các thành viên xảy ra những mâu thuẫn, tranh cãi - tranh luận với nhau. Đôi lúc xung đột, mâu thuẫn lại trở thành một mảnh vỡ tự nhiên cần có trong cuộc sống gia đình. Nó biểu hiện cho sự tương tác tự nhiên của mỗi người đối với nhau bởi không phải lúc nào chúng ta cùng có thể cùng chung quan điểm, suy nghĩ, tiếng nói.
Nguyên nhân của các cuộc tranh luận thường là tranh giành lợi ích, quan điểm khác biệt. Trong một gia đình sẽ có nhiều thế hệ khác nhau, đồng nghĩa với việc các cách nhìn, suy nghĩ, hành động cũng sẽ khác nhau. Vì thế, không ít các trường hợp xảy ra xung đột giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, các anh chị em với nhau.
Mới đây, diễn viên Đan Lê đã chia sẻ những lợi ích không ngờ từ việc tranh cãi trong gia đình. Theo cô, rất nhiều phụ huynh luôn sợ xung đột, lý luận... vì khi phải đối phó với những cuộc cãi vã của các con sẽ rất đau đầu, không hề đơn giản. Để làm được tròn vai "trọng tài" người lớn trong gia đình phải bình tĩnh, kiên nhẫn, tỉnh táo, công bằng và khả năng thuyết phục, xoa dịu, phân tích "thượng thừa" nếu không muốn cuộc tranh cãi đi vào vô cực. Thậm chí nhiều khi bố mẹ cũng trở thành người trong cuộc.
Tuy nhiên cô khẳng định, khi chúng ta nhận ra hoặc tưởng tượng ra việc xung đột, tranh cãi trong gia đình cũng có nhiều lợi ích, chắc chắn "cơn tam bành" sẽ giảm đi một nửa. Hoặc bản thân sẽ nhận ra tranh cãi cũng chỉ như một trò tiêu khiển tốn nhiều calories và neuron thần kinh.
Quan điểm của Đan Lê về lợi ích từ việc tranh luận trong gia đình
"1. Hiểu nhau hơn
Hiểu nhau luôn là yếu tố cốt lõi trong một mối quan hệ. Và chúng ta, trước khi làm cha mẹ, chúng ta cũng đã từng làm con. Điều khiến chúng ta ấm ức nhất suốt thời niên thiếu của mình là gì? Là cha mẹ, anh chị em … người khác không hiểu mình có phải không? Và đôi khi việc tranh cãi có thể giúp chúng ta bật ra suy nghĩ sâu kín, khiến chúng ta hiểu nhau nhiều hơn. Những trận cãi vã mang tính xây dựng sẽ giúp cha mẹ biết con cái đang thực sự suy nghĩ điều gì, anh chị em biết cách ứng xử với nhau hơn, qua đó trưởng thành hơn.
Để những cuộc tranh cãi mang lại lợi ích, chúng ta nên có những nguyên tắc nhất định. Ngay khi xuất hiện những nội dung, hành vi, thái độ mang tính chất không xây dựng hoặc một người không thể kiểm soát được cảm xúc thì nên dừng cuộc tranh cãi lại ngay để tránh tình huống xấu xảy ra.
2. Hạ nhiệt cơn nóng giận và học cách quản lý cảm xúc
Khi một cuộc tranh cãi nổ ra nghĩa là đã có người cảm thấy thiệt thòi, ấm ức, tức giận. Đó có thể là: anh giận em, con giận mẹ, em giận chị… Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này không phải là chôn giấu cơn tức giận, tích lũy nó, đợi đến khi bùng nổ, mà là giải phóng những cảm xúc tiêu cực ngay từ khi manh nha xuất hiện.
Có thể ban đầu các bé, thậm chí cả chúng ta chưa quản lý tốt những cảm xúc tiêu cực ngay, nhưng dần dần theo thời gian khả năng này sẽ được rèn luyện và nâng cấp.
Ví dụ ở nhà mình, mình không cấm cản các con khóc (dù các bé là bé trai), nhưng mình sẽ yêu cầu các con không được xúc phạm nhau, làm tổn thương nhau, tổn thương bản thân hoặc trút tức giận lên người khác, đồ đạc trong nhà.
Hồi đầu Khải Nguyên mỗi khi tranh luận không vừa ý, con cũng lăn lộn trên sàn, đập tay đập chân để trút cơn nóng giận, nhưng bây giờ con hiểu ra và không làm thế nữa. Lúc nào mất bình tĩnh quá con sẽ khóc rất to đến khi "đã" thì sẽ đi rửa mặt sạch sẽ rồi tranh cãi tiếp.
3. Học nhiều kỹ năng quan trọng trong ứng xử và cuộc sống
Khi tranh cãi, trẻ sẽ phải cùng lúc sử dụng rất nhiều kỹ năng. Trong đó có khả năng nghe hiểu, phân tích vấn đề, rèn luyện tư duy phản biện, bảo vệ bản thân, quan điểm cá nhân. Mình hay nói với các con một câu khi các con tranh cãi và muốn giành lý lẽ về mình: Mẹ đồng ý, nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp, mình phải tự chứng minh mình đúng đắn, vô tội. Vậy nếu mẹ không phải là mẹ các con mà chỉ là một người xa lạ, các con hãy thuyết phục mẹ đi.
Nói chung, hiếm ai đúng 100% trong các cuộc cãi vã. Và vì các cuộc cãi vã là "cuộc chiến" đòi quyền lợi cho bản thân nên khi biết rút kinh nghiệm thì tụi nhỏ sẽ học được cách cân bằng nhu cầu cá nhân với người khác.
Sau mỗi lần cãi vã của tụi nhỏ, mình hay ngồi lại, đóng vai trò quan sát, lắng nghe, giảng giải để các con hình thành khả năng nhận biết đúng sai và thấy nhận thức, lập luận của các con khi muốn diễn tả một vấn đề được nâng lên rất nhiều qua mỗi lần như thế.
4. Cho thấy sự tin tưởng và cởi mở
Tất nhiên lớn tiếng không phải là cách tốt nhất để mở lòng, nhưng ở góc độ nào đó nó cho thấy mức độ thoải mái bày tỏ cảm xúc, không e dè, giấu giếm trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái, điều đó chẳng phải tốt hơn việc con bạn giấu đi những suy nghĩ thật sự trong lòng sao?
Nhìn ở góc độ tích cực thì những cuộc tranh cãi giúp mọi người trong gia đình bộc lộ rõ quan điểm của mình, cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi được lắng nghe, thấu hiểu, chỉ ra cho nhau điểm sai, điểm chưa tốt để cải thiện bản thân… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về mật độ, mức độ, cách thức các cuộc tranh cãi như thế nào nhé. Thuốc bổ uống nhiều quá còn không tốt nữa là cãi nhau.
5. Cơ hội củng cố mối quan hệ
Mình hay chia sẻ những khoảnh khắc thân thiết, vui vẻ của 2 đứa nhỏ, nhưng thật ra chúng cũng giống như bao đứa trẻ khác: Phút trước còn quàng vai bá cổ xong phút sau đã có thể nhảy lên đánh nhau luôn.
Điều đó rất bình thường với mỗi đứa trẻ và mình chẳng bao giờ cho rằng nó trầm trọng. Thậm chí, mình còn thấy đó là điểm rất thú vị về sự hồn nhiên của lũ trẻ và thường nhân cơ hội chúng cãi nhau để củng cố mối quan hệ.
Bình tĩnh lắng nghe, công bằng giảng giải, chỉ ra cả điểm tốt và chưa tốt của 2 anh em, hướng dẫn cách thay đổi hoặc cách đạt được kết quả tốt hơn ở những lần sau là cách mình làm với lũ trẻ. Nhiều lần như thế, tụi nhỏ sẽ rút ra bài học và ứng dụng trong mọi mối quan hệ, kể cả với cha mẹ.
Tóm lại, khi chúng ta muốn giữ cho một mối quan hệ bền chặt, phát triển, chúng ta cần biết cách bày tỏ cảm xúc chân thật, tế nhị, tôn trọng bản thân và người khác… mà những điều khó ấy lại được học dễ nhất qua những lần tranh cãi văn minh. Nên cho dù cãi nhau đôi khi có thể khiến mọi người khó chịu, căng thẳng ở một thời điểm, nhưng nếu biết xây dựng nó cũng mang lại những điều tích cực không ngờ".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.