Gần đây, khi trò chuyện với một người bạn, cô ấy đột nhiên nói: “Tôi hi vọng mình có cơ hội chia tay dứt khoát với chồng và ra đi cùng các con mà không cần ngoảnh đầu lại”.
Tôi rất sốc vì họ vẫn được biết đến là một cặp đôi kiểu mẫu. Họ chẳng bao giờ cãi vã hay bị mang tiếng xích mích. Sau khi nghe kể chuyện, tôi mới biết được rằng sau sự ổn định bề ngoài đó, họ ngủ riêng phòng, không có chủ đề chung nào khác ngoài con cái, phớt lờ nhau và chỉ nói chuyện được khi nhắn tin qua di động.
Lý do tại sao điều này xảy ra?
Bạn tôi kể, ban đầu cô ấy nói chuyện với chồng về đủ thứ trong cuộc sống. Anh ấy tưởng chừng như đáng lắng nghe nhưng thực sự không hề và cũng chẳng có phản ứng gì.
Nếu hai bên cãi vã, anh ta sẽ trở về phòng tiếp tục chơi điện thoại đến giờ đi ngủ mà không quan tâm đến tâm trạng của người khác.
Mọi chuyện trong nhà dường như không liên quan đến anh. Nhà chỉ là nơi anh ăn và ngủ.
Điều này cũng không giống bạo lực lạnh vốn được biết đến nhiều. Nó chính là sự “thờ ơ cảm xúc” trong hôn nhân. Không phải nghèo đói, ngoại tình hay bất đồng quan điểm, thờ ơ cảm xúc mới là tác nhân dễ gây ra ly hôn nhất.
Trong mối quan hệ thân mật, sự thờ ơ trong tình cảm thường thầm lặng và đáng sợ hơn cả bạo lực lạnh. Những người có cảm xúc thờ ơ thiếu phản ứng cảm xúc tương ứng với những kích thích bên ngoài. Họ thờ ơ với người thân, bạn bè, không quan tâm đến người khác và thiếu khả năng đồng cảm trầm trọng.
Sự tổn thương của hôn nhân thờ ơ cảm xúc
Nhà tâm lý học Winnicott từng viết: “Không có phản ứng thì tình thế sẽ rơi vào tuyệt vọng”. Tương tự như vậy, không có phản hồi từ bạn đời trong hôn nhân, nó cũng là tình huống đẩy mối quan hệ rơi vào sự tuyệt vọng thực sự.
Nhiều người chia sẻ cuộc sống với bạn đời, đối phương thờ ơ không hứng thú. Theo thời gian, chúng ta không thể chịu đựng được điều này nên cãi vã và chia tay.
Nhưng trong mắt họ, cảm xúc của chúng ta rất cực đoan và có khi còn nghĩ rằng phản ứng này là quá ầm ĩ. Tuy nhiên, điều đối phương không biết rằng sự thờ ơ trong tình cảm gửi đi tín hiệu: “Tôi không quan trọng với bạn”.
Điều này sẽ khiến bên bị phớt lờ suy sụp và bất lực như đang rơi vào tình thế tuyệt vọng. Không chỉ tiêu hao tinh thần mà còn phá huỷ mối quan hệ.
Giống như bộ phim tình cảm "Chỉ là tình yêu" rất nổi tiếng trên truyền hình Trung Quốc vào tháng 4/2023, nhân vật Trần Khả đối mặt với khủng hoảng hôn nhân khi vợ chồng quá bận rộn, không có điểm giao nhau trong cuộc sống thường ngày.
Kể cả bữa tối cuối tuần cô dày công chuẩn bị, chồng cũng phớt lờ chiếu lệ. Sau đó, đối mặt với yêu cầu ly hôn của Trần Khả, chồng cô nói rằng mình không làm gì sai. Lúc đó, cô đã trả lời: “Tôi có thể cấp nhận hôn nhân không tình dục nhưng không thể chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu”.
Chúng cũng phản ánh một vấn đề nhức nhối hiện nay: Hôn nhân goá bụa, có chồng như không.
Một cuộc hôn nhân không được đáp lại giống như đấm vào bịch bông vậy, hụt hẫng và mỏi mệt.
Mọi sự thờ ơ đều để lại dấu vết
Nguyên nhân của sợ thờ ơ về mặt tình cảm có thể do họ không được trải nghiệm hơi ấm gia đình hoặc bị bỏ rơi về cảm xúc khi còn nhỏ. Điều này khiến họ trưởng thành sẽ gặp phải sự hoang mang trong hôn nhân và cuộc sống, không có nhận thức, không biết đối mặt thế nào.
Chẳng hạn do bố mẹ ảnh hưởng. Nếu cha mẹ quá thờ ơ với nhu cầu tình cảm của họ khi còn nhỏ, theo thời gian họ cũng sẽ phát triển theo chiều hướng cảm xúc bị cô lập.
Theo tâm lý học, cơ chế cô lập tâm lý này được gọi là cô lập cảm xúc thất vọng. Khi nỗi thất vọng của cá nhân tích tụ nhiều lần họ sẽ mất đi sự kết nối tình cảm và không muốn gắn kết với đối phương để tránh tổn thương.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler từng viết: “Chỉ khi con người cảm thấy có thể không kiềm chế được với người này thì mới có thể trải nghiệm tình yêu. Không có cảm giác tự ti cũng như không cần tỏ ra ưu việt. Họ có thể duy trì trang thái bình tĩnh và tự nhiên, tình yêu thực sự phải như thế”.
Cách giải quyết vấn đề
Nhiều người từng bị bỏ rơi về mặt cảm xúc khi nhỏ và trở nên thờ ơ khi trưởng thành có thể được thay đổi và chữa lành.
Đầu tiên, hãy kéo người đó về phía bạn để cùng đối mặt với vấn đề, tìm ra những lí do cơ bản và giải quyết điều đằng sau chúng.
Nhiều người không nhận ra họ đang mắc phải chuyện gì và đương nhiên không thay đổi bản thân. Nếu muốn thay đổi họ, bạn phải cho họ nhận thức được tầm quan trọng của giao tiếp cảm xúc.
Thứ hai, hãy bày tỏ nhu càu của mình một cách chính xác và thẳng thắn. Đồng thời nhìn nhận tình yêu của người khác dưới góc độ khác.
Với những người thờ ơ cảm xúc, nhiều khi họ không biết bạn cần gì chứ đừng nói đến việc nên làm gì.
Bởi vậy, với tư cách bạn đời, chúng ta không cần gợi ý hay khéo léo mà phải trực tiếp bày tỏ nhu cầu của mình với họ, dần dần để họ hiểu nên làm gì khi gặp phải tình huống ấy, từ đó tạo dựng mối quan hệ tốt hơn.
Cuối cùng, hãy yêu bản thân mình trước và tập trung vào bản thân nhiều hơn. Chỉ khi là chính mình thì bạn mới có thể cứu được người bạn yêu.
Trong hôn nhân, dửng dưng cảm xúc từ phía bạn đời có thể khiến cho bạn đối diện với khoảng thời gian bất lực và đen tối. Bởi vậy nếu được thì cả hai hãy cùng nhau tìm hiểu và đối mặt vấn đề. Hi vọng rằng, với sự giúp đỡ của bạn thì người ấy sẽ có thể thay đổi bản thân, thiết lập lại mối quan hệ tốt đẹp để cả hai không còn tiếc nuối.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.