Theo hãng tin CNN, Nga dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng loại vắc-xin COVID-19 tự sản xuất vào giữa tháng 8 tới, bất chấp những lo ngại về sự an toàn, hiệu quả và nghi vấn đốt cháy các giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển vắc-xin!
Các quan chức Nga tiết lộ với CNN rằng họ đang chuẩn bị các khâu để phê duyệt vắc-xin COVID-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại Thủ đô Mátxcơva nghiên cứu điều chế vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn. Theo đó, vắc-xin này sẽ được cấp phép sử dụng trong cộng đồng và các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên.
"Đó là một khoảnh khắc Sputnik", Kirill Dmitriev - người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin này, đề cập đến thời khắc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới năm 1957 (nhằm tự tán dương thành tựu chuẩn bị đưa vào sử dụng vắc-xin COVID-19 trong 2 tuần tới).
"Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi họ nghe thấy tiếng bíp bíp của Sputnik. Nó cũng giống với vắc-xin này. Nga sẽ đến đích trước", ông này cho biết thêm.
Nhưng cho đến này, Nga vẫn chưa hề công bố dữ liệu khoa học nào về quá trình thử nghiệm vắc-xin và CNN cũng không thể xác minh tính an toàn hoặc hiệu quả được phía Nga tuyên bố.
Các nhà phê bình cho rằng việc thúc đẩy chế tạo vắc-xin được đặt trong bối cảnh áp lực chính trị từ Điện Kremlin, vốn rất muốn thể hiện Nga là một lực lượng khoa học toàn cầu.
Cũng có nhiều lo ngại về việc thử nghiệm vắc-xin ở người chưa đủ quy mô cần thiết. Hàng chục thử nghiệm vắc-xin COVID-19 đang được tiến hành trên khắp thế giới và một vài trong số đó đang được kiểm định hiệu quả trên quy mô lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phát triển vắc-xin COVID-19 cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi vắc-xin có thể được phê duyệt.
Trong khi một số loại vắc-xin trên toàn cầu đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc-xin COVID-19 của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thứ 2. Các nhà phát triển có kế hoạch hoàn thành giai đoạn đó trước ngày 3/8 và sau đó tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 song song với tiêm phòng cho nhân viên y tế.
Các nhà khoa học Nga cho biết vắc-xin COVID-19 này đã được phát triển nhanh chóng vì đây là phiên bản sửa đổi của một loại vắc-xin được tạo ra để chống lại các bệnh khác. Đó là cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều quốc gia khác và các công ty khác trong quá trình điều chế vắc-xin COVID-19.
Đáng chú ý, công ty công nghệ sinh học Moderna – nhà sản xuất vắc-xin đang được chính phủ Mỹ hỗ trợ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 hôm thứ hai (27/7), cũng chế tạo vắc-xin COVID-19 dựa trên nền một loại vắc-xin từng được phát triển để phòng ngừa virus MERS-coV gây hội chứng hô hấp Trung Đông.
Trong khi việc này giúp thúc đẩy quá trình phát triển vắc-xin COVID-19 nhưng các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang yêu cầu đơn vị sản xuất bổ sung đầy đủ các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ Nga từng là tình nguyện viên trong các thử nghiệm vắc-xin trên người. Theo CNN, Alexander Ginsburg - giám đốc dự án phát triển vắc-xin COVID-19 của Nga, cho biết ông đã tự tiêm vắc-xin cho mình.
Các quan chức Nga cho biết loại vắc-xin này đang được đẩy nhanh tiến trình phê duyệt vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên ở Nga và trên toàn cầu. Đất nước này hiện có hơn 800.000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
"Các nhà khoa học của chúng tôi đã tập trung nghiên cứu không phải vì muốn có vắc-xin đầu tiên mà là vì bảo vệ mọi người", ông Dmitriev nói.
Vắc-xin sử dụng các vector adenovirus ở người đã được làm yếu đi để chúng không tái tạo trong cơ thể. Không giống như hầu hết các loại vắc-xin trong quá trình phát triển phải dựa vào hai vector virus chứ không phải một và bệnh nhân sẽ được tiêm 2 mũi.
Các quan chức cho biết dữ liệu khoa học của họ hiện đang được biên soạn và sẽ được cung cấp để đánh giá và công bố vào đầu tháng 8.
Bộ Y tế Nga chưa xác nhận ngày phê duyệt vắc-xin COVID-19 vào tháng 8. Cơ quan này cho biết nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là những người đầu tiên được tiêm sau khi vắc-xin được phê duyệt đưa vào sử dụng cho cộng đồng.
Các thử nghiệm vắc-xin COVID-19 quy mô lớn ở Anh, Mỹ và các nơi khác trên thế giới đang được tiến hành nhanh chóng nhưng không có cam kết về thời điểm sản phẩm của họ sẽ được phê duyệt.
Kết quả ban đầu từ các thử nghiệm vắc-xin COVID-19 do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển là đầy hứa hẹn nhưng Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, đã phát biểu hồi đầu tháng về việc phát triển vắc-xin COVID-19 rằng "còn một chặng đường dài".
Đầu tháng này, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các điệp viên Nga đã đột nhập vào phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp các bí mật phát triển vắc-xin COVID-19.
Nguồn: CNN
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/doc-quyen-tren-cnn-nga-tuyen-bo-se-co-vac-xin-covid-19-chi-trong-2-tuan-nua-212729
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.