Dòng tin đáng sợ của bố bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Cổ tích có thể lập lờ nhưng hiện thực không cho phép cha mẹ làm "bù nhìn" hậu ly hôn!

Dẫu biết ly hôn văn minh không dễ, nhưng nếu đó là điều tốt nhất sau cùng cha mẹ có thể làm vì con cái thì không có gì mà không làm được...

Con mình dứt ruột đẻ ra, đến lúc muốn gặp phải xin phép nhân tình của chồng

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết vẫn tiếp tục có thêm những tình tiết mới chứng minh tội ác trực tiếp và gián tiếp của "mẹ kế" và cha đứa trẻ.

Gần đây, lộ ra hình ảnh một đoạn tin nhắn được cho là ở thời điểm tháng 9/2020 có nội dung về việc mẹ bé V.A trao đổi về thời gian đón con nhưng bị người cha dùng quyền nuôi dưỡng trực tiếp để gây khó dễ.

Đáng nói là mặc dù dòng tin nhắn của mẹ bé viết rất nhã nhặn, lịch sự nhưng ông bố thì có thái độ tuyệt tình: "Giờ tôi bận nên Trang sẽ là đầu mối, đừng nhắn qua cho tôi nữa tránh phiền đến cuộc sống của cả 2".

Dòng tin đáng sợ của bố bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Cổ tích có thể lập lờ nhưng hiện thực không cho phép cha mẹ làm
 

Điều này lý giải cho việc mẹ bé bị ngăn cản không được gặp con trong suốt 1 năm trời. Một cuộc hôn nhân có thể có kẻ thứ 3 xen vào, nhưng làm cha làm mẹ là chuyện rất riêng sao có thể để kẻ thứ 3 can dự hoặc làm thay?

Dù không còn mối quan hệ lứa đôi, thì còn đứa con đó sao có thể nói rằng không liên lạc nữa là xong, sao có thể đẩy đầu mối liên lạc sang cho người ngoài? Cô ta có mối quan hệ với anh, nhưng không có nghĩa là có thể thay anh vai trò làm cha, càng không thể thay thế vai trò mẹ đẻ của con.

Dù không bàn đến việc "mẹ kế" là tiểu tam, chen chân vào mối quan hệ của vợ chồng họ đã là 1 việc làm sai trái thì hành động dứt tình này cho thấy gã đàn ông kia lương tri với đứa con máu mủ cũng lệch lạc trầm trọng.

Quyền cha hay mẹ được thăm nom con cái pháp luật đã quy định rõ, quyết định ly hôn cũng nêu rõ, nhưng gã đàn ông kia cố tình phớt lờ pháp luật, phớt lờ người cũ, phớt lờ luôn cả cảm xúc con mình.

Tuy vậy, thực tế vẫn không ít đàn ông mơ hồ và hồ đồ cho rằng người tình, vợ mới của mình có thể làm thay vai trò mẹ đẻ của con mà có hành xử tệ bạc. Để cuối cùng người mang nặng đẻ đau ra đứa trẻ đến một ngày muốn gặp con lại phải xin phép nhân tình của chồng. Hẳn nhiên đó là chuyện phi lý hết sức, chỉ có gã đàn ông sân si, hận thù thì cho rằng như thế là tốt nhất.

- Rằng không có mẹ đẻ con tôi vẫn sống tốt.

- Rằng người mới thương con mình hơn mẹ đẻ.

Và rồi cái kết cuối cùng anh ta nhận được là đánh đổi chính mạng sống của con mình lấy mối quan hệ sai trái vì thói sân si của tiểu nhân muốn mình là kẻ thắng cuộc, với việc nghĩ cho bản thân hơn là xem con mình muốn gì...

"Hiệu ứng Cinderella", ngoài đời thực cha ruột không thể là kẻ vô can

"Hiệu ứng Cinderella" và câu nói truyền miệng muôn thuở: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng" khiến sau vụ việc bé V.A bị bạo hành đến chết, chị em đều thốt lên rằng: "Con mình mình nuôi, không tin mà giao cho ai hết".

Nhưng cha thì kém yêu thương con cái hơn mẹ sao? Và tất cả đàn bà đều "lòng lang dạ thú" với người không phải là cốt nhục của mình vậy ư? Đó là điều không chính xác. Hoàn toàn cha và mẹ có tình yêu thương con cái như nhau. Và không phải bố dượng thì không ác bằng mẹ kế. Và cũng có nhiều người biết yêu thương những người xung quanh, biết yêu thương những đứa trẻ...

Dòng tin đáng sợ của bố bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Cổ tích có thể lập lờ nhưng hiện thực không cho phép cha mẹ làm
 

Quan trọng là thái độ của người làm cha, làm mẹ sau cuộc hôn nhân đó như thế nào, thái độ ứng xử với con cái và người cũ ra sao để có 1 cuộc ly hôn văn minh, để ít nhất sự tổn thương cho con trẻ.

Nhưng nếu ly hôn chỉ 1 chiều tích cực có làm nên 1 cuộc ly hôn hạnh phúc?

Người ta bảo 1 bàn tay không làm nên tiếng vỗ là như vậy. Tôi đón con tôi, sao đến 1 ngày tôi phải giống như đang cầu xin anh? Sao anh có thể như kẻ trên cơ cho rằng điều đó làm phiền cho cuộc sống mới của anh chỉ vì tôi muốn gặp con tôi?

Chuyện về nàng Cinderella khiến người ta chỉ tập trung vào bà mẹ kế độc ác mà không làm rõ vai trò của người cha. Ông ta đã ở đâu để bà mẹ kế hành hạ con đẻ mình và đối xử thiếu công bằng như vậy nhưng không 1 lần xuất hiện hay lên tiếng? Cổ tích có thể lập lờ, nhưng ở thế giới hiện đại này, người cha không phải là bù nhìn để đổ tất cả tội cho "mẹ kế" và phủi tay như kẻ vô can.

Nếu anh ta hiểu chuyện và thương con mình đúng cách, bé V.A đã có cơ hội sống, thậm chí là sống hạnh phúc.

Hãy giữ 1 cuộc ly hôn văn minh không phải vì chúng ta mà vì những đứa trẻ

Người ta bảo kết thúc 1 mối quan hệ rất khó để làm bạn, nhưng đó không phải là điều không thể. Nếu gác lại hết tất cả những lỗi lầm, những sân si hơn thua và tập trung vào con trẻ thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều.

Chúng ta còn giữ mối quan hệ này để cho con chúng ta những điều tốt đẹp, đó là điều dù không muốn cũng bắt buộc phải tìm cách để làm và luôn cần từ 2 phía.

Ly hôn là mối quan hệ yêu đương nam nữ chấm dứt, nhưng không dừng lại việc làm cha, làm mẹ. Hãy nghĩ rằng con cái vẫn luôn cần cả 2 vì vậy đừng vì những sân si mà làm tổn hại đến những đứa trẻ. Anh có thể xây 1 cuộc sống mới nhưng không có nghĩa phải đẩy con chúng ta xuống địa ngục mới hả dạ.

Dòng tin đáng sợ của bố bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Cổ tích có thể lập lờ nhưng hiện thực không cho phép cha mẹ làm

Vụ cha dượng cùng mẹ đẻ bạo hành con gái đến chết xảy ra cách đây không lâu

Một người mẹ nhận quyền nuôi con nhưng sẵn sàng thuê nhà cạnh chồng để cha đứa trẻ có thể qua thăm nom thường xuyên và thiết lập thành thói quen tạo thành mối quan hệ mật thiết. Khi mối quan hệ cha con họ ổn và thực sự tin rằng con mình đang hạnh phúc thì người phụ nữ đó mới yên tâm nghĩ tới chuyện lứa đôi mới.

Một người cha lắp camera tại phòng riêng của con ở nhà vợ cũ để thêm mắt để ý đến sự an toàn của con. Anh ta không ích kỷ mà anh ta quan tâm đến sự an nguy của con mình. Sau này dù có vợ mới, con mới nhưng anh ta chưa bao giờ quên mình đã từng có đứa con trước đó. Và biết xây mối quan hệ hài hòa để vợ mới và con riêng có sự thương quý nhau, để cho 2 đứa trẻ cùng cha khác mẹ luôn coi nhau là máu mủ.

Mọi điều tưởng không thể chúng ta đều có thể làm được vì con, bởi những đứa trẻ không đáng phải "chịu trách nhiệm" về sự rạn nứt của 1 mối quan hệ người lớn. Không phải kiểu lúc cha mẹ vui mình mới có cơ được hạnh phúc, còn lúc họ "cung đàn vỡ đôi" thì người hứng nước mắt lại là trẻ nhỏ.

Người bố ruột cả năm trời ngăn cản không cho mẹ con gặp nhau, đồng ý cùng nhân tình dùng bạo lực để dạy dỗ rồi bạo hành đứa trẻ đến chết. Khi cô nhân tình đánh con mình đến mức tính mạng nguy hiểm, nhưng vẫn chần chừ định không đưa con đi cấp cứu vì sợ liên lụy đến bản thân. Sự ích kỷ và tàn nhẫn của người làm cha, làm mẹ lại có thể giết chết chính con mình như thế!

Ly hôn là điều mà không một cặp vợ chồng nào mong muốn xảy ra. Nhưng khi hôn nhân rạn vỡ, nên làm sao để ly hôn văn minh, không gây tổn thương cho con cái. Nhiều trường hợp ly hôn đơn phương một bên muốn chia tay, bên kia muốn níu kéo hoặc có sự bội bạc xuất hiện dễ dẫn đến hận thù và dễ biến con cái thành công cụ để trả đũa.

Nhưng thực tế, khi không thể hàn gắn thì ai đúng ai sai đã không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng nhất lúc này là hãy để đứa trẻ nhìn thấy dù cuộc hôn nhân của bố mẹ không thành công nhưng tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Vì vậy hậu ly hôn cha mẹ vẫn cần lắm cái nắm tay lần nữa. Không phải vì còn yêu nhau mà vì... yêu con mình!

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang