Cách đây ít giờ, trên diễn đàn mạng xã hội có tên là Zhihu, một cô gái đã chia sẻ câu chuyện thương tâm về bạn trai của mình. Chỉ vì 1 đứa trẻ không có ý thức mà chàng trai này tàn tật suốt đời và tương lai xán lạn cũng vì đó mà bị hủy hoại.
Theo những gì cô gái chia sẻ, vào năm bạn trai cô học lớp 11, thì một lần được chú của anh ấy nhờ lắp đặt hộ bóng đèn ngoài hiên cửa hàng đồ chơi. Cũng bởi có lợi thế về chiều cao (chàng trai cao 1m83), nên anh đồng ý không suy nghĩ.
Người chú dùng 1 cái thang gỗ tựa vào tường để anh leo lên. Sau đó chú đi mua cái máng trượt và để anh lại 1 mình trông cửa hàng.
"Một đứa nhỏ đi vào tiệm dạo xem. Anh tưởng nó chỉ vào xem chơi thôi nên không có để ý tới nó. Kết quả là nó lấy cái xe điều khiển từ xa và một người máy đi mất mà không trả tiền.
Bạn trai lập tức lớn tiếng gọi nó lại. Ấy mà thằng nhỏ kia lại khóc rống lên. Anh thấy vậy nên vẫn đứng trên thang tiếp tục lắp đèn, không quan tâm tới nó nữa.
Thằng quỷ nhỏ kia lại không chịu yên phận, đi đến đẩy cái thang làm cho anh ngã từ trên cao xuống. Thằng nhỏ tiếp tục cầm mấy đồ chơi rồi chạy đi mất.
Mấy bạn cũng biết mà, cái loại thang như vậy thật sự không ổn định một chút nào, chỉ cần lệch đi một chút thôi cũng có thể ngã xuống, huống chi anh còn đứng rất cao nữa. Trên nền nhà còn vãi một đống đinh vừa mới lấy từ trên thanh gỗ xuống hồi nãy" - cô gái kể lại.
Hậu quả của cú ngã đó rất nghiêm trọng. Chàng trai phải khâu 6 mũi trên đầu và đã bị để lại sẹo. May mắn có tóc mọc dài để che đi.
Những ngón tay và tay phải của anh đã bị tàn tật. Chân phải bị gãy xương vỡ vụn. Chưa kể bị trầy xước da nữa. Chấn thương nặng khiến anh bị sụt cân nghiêm trọng. Từ 90kg xuống còn 65kg. Kết quả học tập của anh "xuống dốc không phanh".
Chàng trai vốn dĩ đã dự định thi vào trường đại học thể thao Bắc Kinh, nhưng điều kiện hiện tại không cho phép anh thực hiện ước mơ nữa.
Cô gái đó còn cho biết thêm: "Bạn trai phải bảo lưu 1 năm, đến cầm bút viết bài cũng cầm không nổi. Đến năm sau học lại, văn học phải viết chữ quá nhiều, ngón tay đau nên không thể viết nhiều được. Thành tích cứ thế xuống dốc. Thầy cô vì muốn giữ chỉ tiêu thành tích nên khuyên anh tiếp tục bảo lưu, đợi khỏi hẳn rồi hãy trở lại học. Rất nhiều bạn trong lớp trở mặt cô lập anh.
Cuối cùng, anh quyết định từ bỏ, không thi đại học nữa. Anh cũng chưa thi được xong cấp ba nên chỉ có mỗi cái bằng tốt nghiệp cấp 2 mà thôi, cũng từ bỏ luôn cái tương lai mơ ước ở cái trường thể thao kia.
Đến tận bây giờ, anh chỉ có thể cầm nắm được vật dưới 5kg mà thôi, không thể cầm bút viết lâu được, không chạy nhảy, không bóng rổ, trời nóng cũng không dám mặc quần ngắn và áo ba lỗ, chỉ toàn mặc sơ mi quần jean để che lại mấy vết sẹo.
Và hẳn rằng, cả đời anh cũng không muốn có con nữa, vì mỗi lần anh nhìn thấy mấy đứa con nít, cho dù có dễ thương đến mấy thì anh cũng tránh ra thật xa".
Cô gái này bày tỏ thắc mắc rằng, pháp luật bảo vệ trẻ vị thành niên nhưng khi chúng làm lại người khác thì sao? Một đứa nhỏ 10 tuổi không thù không oán, thế mà tại sao lại có thể hủy đi giấc mơ của người khác như vậy? 10 tuổi, không thể phán tội hình sự, không thể bỏ tù, cũng không thể bắt nó phải nhận chút đau đớn để nó cảm nhận được sự đồng cảm cho người nó đã hại. Vậy thì phải như thế nào cho mới công bằng đây?
Hiện tại, bạn trai cô cũng đã 27 tuổi. Câu chuyện đau lòng năm 19 tuổi cũng nguôi ngoai đi phần nào. Tuy nhiên, khi thấy người khác chơi bóng rổ, anh chàng lại trầm mặc, im lặng không nói chuyện cả một đêm.
Nửa năm trước, khi cô gái cùng anh đi đến Đại học thể thao Bắc Kinh thăm mấy người bạn. Đến khi trở về thì anh khóc cả một chặn đường. Cô gái cũng bối rối, không biết an ủi anh thế nào? Đứa nhỏ năm xưa, giờ cũng đã 18 tuổi, bắt đầu thời kì đại học rực rỡ giấc mơ thanh xuân, không ai biết được nó đã gây ra chuyện gì thời còn bé.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, ứng xử của trẻ con ở nơi công cộng là 1 vấn đề mà người lớn phải lưu ý, đặc biệt là cha mẹ của chúng. Nhiều khi, chúng ta dễ dàng thỏa hiệp với trẻ nhỏ. Quá dễ dãi bỏ qua những sai lầm của chúng trong cách ứng xử với mọi người.
Nhiều đứa trẻ khi ở ngoài đường, đặc biệt là những nơi công cộng thì nói to, nói trống không, không chào hỏi, nhõng nhẽo, khóc lóc, chạy lung tung, la hét, chen lấn, xô đẩy, phá phách đồ đạc của người khác hoặc nơi khác… nhưng cha mẹ chúng lại không có hành động răn dạy con mình. Thậm chí họ còn cho rằng mọi người phải "cảm thông" với bọn trẻ, vì "trẻ con biết gì đâu".
Chính vì quan niệm sai lầm này nên những hình ảnh phản cảm và gây khó chịu cho mọi người xung quanh xuất phát từ trẻ con diễn ra ngày một nhiều.
Đồng ý trẻ con là lứa tuổi ngây thơ, khờ dại, chưa có suy nghĩ chính chắn. Nhưng người lớn chúng ta phải có ý thức răn dạy các con. Muốn con cư xử văn minh ở nơi công cộng trước hết các bậc làm cha mẹ cũng phải thể hiện mình là người có văn hóa trước mọi người. Trẻ con giống như tờ giấy trắng, chúng dễ dàng bắt chước lại hành động của người lớn. Nếu cha mẹ chúng không có ý thức thì rất dễ sẽ khiến con mình trở nên hư hỏng như vậy.
Chúng ta cần dẹp bỏ ngay suy nghĩ "trẻ con biết gì đâu'' để dạy con từ thuở còn thơ. Điều đó không chỉ giúp con mình an toàn, tránh được rủi ro tai nạn nơi công cộng mà còn giúp chúng có giáo dục, có nền đạo đức cho tương lai.
Một số phương pháp được các nhà khoa học khuyên cha mẹ nên áp dụng để dạy con có cách ứng xử văn minh nơi công cộng:
+ Dạy con cách tự ăn như tập xúc... Khi đến các quán ăn, con bận ăn sẽ giảm thiểu khả năng chúng nghịch ngợm, phá phách.
+ Chuẩn bị đồ chơi cho con trước khi ra ngoài để chúng không cảm thấy nhàm chán khi bố mẹ ngồi nói chuyện hoặc ăn uống với người khác.
+ Thỏa thuận với con việc phải ngồi yên trên ghế, hay giữ yên lặng khi ra ngoài quán xá hoặc đến nhà người khác chơi.
+ Khi con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ nên phạt ngay cho con nhớ. Không nên thỏa hiệp, thông cảm cho con. Nhưng cũng không nên gay gắt quá làm chúng sợ hãi và hờn khóc.
+ Khi đi thang máy, các địa điểm vui chơi... cần hướng dẫn con sử dụng đúng cách, có văn hóa. Không để con chạy nhảy lung tung, nghịch ngợm các nút điều khiển. Cha mẹ nên giải thích cho con những tác dụng và hậu quả nếu sử dụng các nút điều khiển không đúng cách, để con hiểu và không mắc sai lầm.
+ Dạy cho con văn hóa xếp hàng khi đi siêu thị, các địa điểm yêu cầu mọi người phải giữ trật tự, tuân thủ kỷ luật, quy tắc.
+ Cho con ăn uống cũng cần dạy con biết nhường người khác. Đi đứng, ngồi cũng nên tránh lối cho người khác qua lại.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.