"Đưa con ra biển" - Bạn có dám học cách dạy con của cặp vợ chồng Philippines này?

Biến biển cả thành lớp học, và không đưa con đến trường, vậy họ đã làm cách nào?

Có một nghịch lý đang xảy ra ở thời đại này: càng phát triển mạnh mẽ hơn về khoa học kỹ thuật, người ta càng cảm thấy kiểu học truyền thống ngày nay có vấn đề. Việc học tập trung, cào bằng học sinh trong cùng một thời khóa biểu, cùng một phương pháp dạy học biến các em trở thành một cỗ máy vô hồn.

Rất nhiều nơi đang dấy lên câu hỏi về một sự cải cách, đổi mới để trả lại cho giáo dục đúng ý nghĩa thực của nó. Như cách đây không lâu, Phần Lan đã gây xôn xao dư luận khi tiên phong xóa bỏ hoàn toàn các môn học kiểu cũ mà hướng tới một phương pháp giáo dục liên môn mới sẽ phù hợp với mọi đối tượng học sinh, dựa trên hứng thú và sở trường của các em.

Cho dù kết quả về lâu về dài còn phải đợi thời gian trả lời, nhưng trước mắt việc cải cách này cũng có thể coi là một cuộc cách mạng trong giáo dục, đem lại nhiều hứa hẹn về mục tiêu giáo dục phát triển tự nhiên cho trẻ nhỏ. Việc này mở đường cho hàng loạt các thử nghiệm mạnh dạn của bậc phụ huynh khi nuôi dạy con cái và trong số đó, có những người đã thực sự đem lại kết quả.

Vâng, chúng ta đang nói đến cặp vợ chồng trẻ người Philipin Kiddo và Amy Cosio, người đã dũng cảm xóa bỏ cách học truyền thống để đem lại cho những đứa con của mình một lớp học tự nhiên bao la trần đầy sóng biển, gió mát và bầu trời cao xanh.


Cặp vợ chồng trẻ người Philipin Kiddo và Amy Cosio bên những đứa con của mình

Vợ chồng Kiddo và Amy Cosio hiện có 3 đứa con là Cady - 6 tuổi, Dyla – 4 tuổi và Adam – 2 tuổi. Cùng với nhau, họ sống tại tỉnh La Union, một khu vực lướt sóng nổi tiếng tại Philipines.

Kiddo tên thật là Lorenzo Kiddo Cosio, là một người phát triển trang web đồng thời là đồng quản lý khu chung cư Circle. Vốn ban đầu ở Manila, nhà Cosio sau này đã quyết định rời bỏ cuộc sống thành phố đầy căng thẳng để đến với một nơi thư giãn, thoải mái hơn. Và họ hoàn toàn hài lòng với La Uninon, nơi họ kinh doanh tiệm cà phê El Union khá nổi tiếng trong giới du lịch. Nhưng dù bận rộn, hai vợ chồng không bao giờ quên niềm vui thú được giao hòa với thiên nhiên và việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Chỉ có điều là, những đứa trẻ không hề phải đi học. Với chúng, biển cả chính là trường học. Ba đứa con của Kiddo trưởng thành dần qua những bài học ở việc lướt sóng, vui chơi và giúp đỡ bố mẹ trong công việc.

“Tôi yêu La Union bởi vì chúng tôi có thể nuôi lớn con cái với biển cả. Tôi rất vui mừng vì chúng tôi không cần phải tốn tiền để thỏa mãn bọn trẻ. Sóng biển, san hô, vỏ ốc, bờ cát, cành cây … Chúng là tất cả những gì chúng tôi cần và hoàn toàn miễn phí.” Anh Kiddo tâm sự.

Bất chấp điều đó, những đứa trẻ nhà Cosio vẫn khiến mọi người phải ngạc nhiên vì sự thông minh, lễ phép, tháo vát và tốt bụng của mình.

Anh Kiddo tâm sự rằng: “Tôi chắc rằng những đứa trẻ theo lớp học truyền thống có rất nhiều thứ giỏi hơn con chúng tôi. Nhưng tôi chú ý rằng bọn trẻ rất thoải mái với mọi người ở mọi lứa tuổi. Chúng kính trọng người lớn tuổi nhưng chúng cũng cư xử với họ một cách bình đẳng. Bọn trẻ tự tin nhưng nghiêm túc, không tự nhiên thái quá. Tôi biết nó sẽ gây nhiều tranh cãi trong một nền văn hóa mà trẻ em phải nhường nhịn người già. Nhưng chúng ta vốn bình đẳng, và bọn trẻ chỉ ít tuổi hơn và kém chín chắn hơn, với một vai trò khác ở thời điểm hiện tại mà thôi.”

Nhà Cosio luôn dành thời gian để đi biển cùng nhau. Kiddo giải thích đó là nơi họ bơi lội, kết nối đồng thời học tập cùng một lúc. Thông qua đó, bọn trẻ sẽ “hiểu được sự vận động của biển cả và thời tiết, và đưa ra những câu hỏi tò mò về bất kỳ điều gì trên thế giới: chim choc, cua cá, âm nhạc, hoạt hình, ninja, máy bay, tất tần tật mọi thứ.”

Không trường học, vốn là một ý tưởng rất nổi tiếng của nhà giáo dục người Mỹ American John Holt từ những năm 1970. Nó chống lại ý tưởng về hệ thống “một cho tất cả” mà thay vào đó là khuyến khích trẻ em học hành “dựa trên nơi chúng sống, sở thích và mục đích” của chính mình.

Rõ ràng là nhà Cosio đang hướng tới đem lại cho con mình một nền giáo dục thoải mái và phát triển tự nhiên như vậy: “Chúng tôi chắc chắn ý thức được cá tính và khuynh hướng của con mình. Nó cũng có nghĩa rằng, chúng sẽ thay đổi khi lớn lên, khiến việc nuôi dưỡng các con giống như một trải nghiệm. Thật dễ dàng khi coi hành trình của con người như một đường hầm, bạn đi vào lối này và đi ra ở một lối khác đã được định trước. Nhưng nó là một con đường, và bạn có thể rẽ lối tắt ở bất cứ chỗ nào: đi uống ở quán bar, đi bộ ở vài chỗ, bơi ở một hồ nước, nhảy lên thùng sau của xe tải hay thậm chí rẽ hẳn sang hướng khác … Với bọn trẻ, dĩ nhiên chúng tôi có định hướng, nhưng chúng tôi sẽ linh hoạt nó giống như trên một con đường.”

Amy đồng ý rằng sự hứng thú của bọn trẻ thay đổi từ lần này sang lần khác, nhưng chính điều đó lại khiến việc dạy dỗ trở nên hứng thú. Người mẹ của ba đứa con nói: “Tôi chỉ đơn giản là tập quen với điều đó. Phải nói rằng điều quan trọng nhất là luôn luôn bồi đắp tình yêu của bọn trẻ với học hành. Có khi Cadence muốn tập đọc, cũng có khi con bé chỉ muốn làm bánh. Dù thế nào, chúng tôi cũng cố gắng động viên các con, để bọn trẻ tiếp xúc với các tài nguyên thiên nhiên và phản hồi lại chúng. Chúng tôi cũng ghi chú lại cách bọn trẻ học tập. Adam bắt chước rất nhiều, vì mới có hai tuổi. Cadence thì bướng bỉnh nhưng cũng rất nghiêm túc. Dylan hoàn toàn là theo bản năng. Bọn trẻ đều là những phiên bản thu nhỏ đầu kỳ diệu của con người và thật hạnh phúc khi được thấy cách chúng nắm bắt thế giới này.”

Amy, dù vậy, cũng chỉ ra: “Tôi hoàn toàn ý thức được những thứ mà con mình đang bị tụt lại phía sau. Nhưng những bài học như toán, khoa học và tập đọc chỉ cần thiết trong chương trình của lớp học truyền thống. Điều quan trọng hơn của kỹ năng sống là có thể tự khám phá, thấu hiểu tự nhiên, phát triển tư duy phản biện và logic. Tôi không thực sự bắt lũ trẻ ngồi xuống chỉ để xem chúng có hiểu bài hay không. Chúng tôi chỉ đơn giản sống cùng chúng. Đôi khi chúng tôi chơi trốn tìm và tôi đếm từ một đến mười trước khi tìm bọn trẻ. Cho nên bây giờ, đến Adam cũng hiểu được giờ giấc là thế nào.”

Cuối cùng, Kiddo nói: “Mọi người luôn luôn hỏi rằng: “Làm sao mà anh có thể không gửi chúng tới trường?” Và chúng tôi nói, à thì bọn trẻ vẫn ổn nên chúng tôi chưa cần đưa chúng đến trường. Chúng tôi tự dạy bọn trẻ. Và họ nói “Chà, sẽ ra sao nếu dạy không được?” thì chúng tôi trả lời kiểu: “Lúc đó chúng tôi sẽ gửi con tới trường.” Nó không phức tạp đến thế. Rất nhiều người sợ lựa chọn một quyết định quan trọng, vì họ sợ sẽ phải dính với nó suốt đời, nhưng thực sự chỉ là sự tự tôn: rằng bạn sợ sẽ làm thất vọng chính mình mà thôi.”

Dù tương lai của những đứa trẻ nhà Cosio sau này ra sao, thì có lẽ các em cũng sẽ luôn tự hào rằng ba mẹ đã đem lại cho mình một tuổi thơ thật hạnh phúc và hồn nhiên.

(Nguồn: Tổng hợp)

Theo Làm Cha Mẹ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang