Mới đây, một topic xoay quanh vấn đề câu cú thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp hàng ngày khiến dân tình quan tâm, tranh cãi gay gắt. Cụ thể, có người đưa ra quan điểm rằng: "Đừng 'Ạ' nữa được không? Miền Tây, miền Nam mình chữ "dạ" là đủ lễ phép, dễ thương rồi nè!".
Bài viết gây tranh cãi khi cho rằng không nên dùng từ "ạ" nữa.
Sau khi bài viết được đăng tải, đã có rất nhiều người cùng nhau bình luận về chủ đề này. Thậm chí từ khoá "đừng ạ nữa được không" còn leo thẳng lên đang phổ biến. Tuy nhiên do quá nhiều sự tranh cãi nên chủ topic này đã xoá luôn bài viết trên trang cá nhân.
Từ khoá "đừng ạ nữa được không" đang phổ biến.
Bên dưới phần bình luận, một bên cho rằng khi dùng từ "ạ" khi đi kèm từ "dạ" sẽ khiến cuộc nói chuyện trở nên quá trang trọng, hoặc khiến cho câu văn dài dòng hơn, trở nên không cần thiết. Ví dụ như chỉ cần dùng "dạ vâng" là đủ, thay vì phải dùng đến "dạ vâng ạ".
Mặt khác, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng dùng từ "ạ" là cách nói chuyện rất lịch sự, thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Trong nhiều bối cảnh khác, từ "dạ" không thể thay thế được cho từ "ạ", đặc biệt khi nó đúng ở vị trí cuối câu, nhằm nhấn mạnh sự coi trọng dành cho người đối diện vai vế, cấp bậc, tuổi tác lớn hơn mình khá nhiều.
Có thể thấy, lúc nào thừa lịch sự cũng dễ chấp nhận hơn là thiếu lịch sự mà đúng không! Cho nên việc dùng "ạ" hay không là lựa chọn của mỗi người, sao cho câu bạn nói ra vẫn đủ hiểu và dành đủ sự tôn trọng cho đối phương là được.
Một số bình luận nổi bật về chủ đề đang gây tranh cãi này:
- "Lễ phép cũng bị nói nữa là sao. Nói từ ạ thôi mà cũng bị soi xét nữa".
- "Mình nhắn tin với thầy cô vẫn hay nhắn "dạ cảm ơn thầy/cô ạ" vì "cảm ơn cô" nghe cứ cụt lủn thế nào".
- "Sao mình nghĩ combo "dạ vâng ạ" thấy dễ thương và lễ phép quá trời mà".
- "Còn tuỳ vào bối cảnh mình đang nói chuyện thế nào nữa. "Được không" với "được không ạ". Chỉ thêm một từ ạ thôi mà nghe ngữ điệu của câu đã khác hẳn nhau".
- "Mình 32 tuổi nói chuyện với người lớn tuổi chắc chắn dùng từ ạ rồi. Nhưng kể cả với bạn ít tuổi hơn thì mình vẫn xưng ạ bình thường, để con cái học theo, ăn sâu vào ý thức rằng cần phải tôn trọng và lễ phép với người khác".
- "Ạ chỉ dùng khi nhắn tin, là từ thể hiện sự lễ phép qua tin nhắn để người đọc không hiểu lầm. Nói chuyện trực tiếp thì hầu như không cần".
- "Khi mình nói chuyện với con, mình hỏi con biết chưa. Đứa trẻ bảo con biết rồi, thấy cứ cụt lủn và không lễ phép. Mình phải chỉnh mãi thằng bé mới nói con biết rồi ạ".
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề đang gây tranh cãi này?
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.