Ảnh minh họa
“Mâu thuẫn” Á - Âu
Mới đây, trang FB Le Plateau chia sẻ một bài viết về cảnh đối lập của người châu Âu và người châu Á ở nơi công cộng được rất nhiều người chia sẻ lại (bài viết này có 4,1k like, 3,4k lượt chia sẻ, 499 bình luận). Bài viết đi kèm những bức ảnh được chụp vô tình ở các nhà ga, bến tàu trong những khoảnh khắc người châu Âu và châu Á ngồi bên cạnh nhau. Trong khi người châu Âu chăm chú đọc sách hoặc tranh thủ làm việc thì người châu Á lướt điện thoại, chát, chơi game hoặc trao đổi về giá cả.
Tác giả viết: "Trên chuyến bay đến Thượng Hải, vào giờ ngủ, khoang máy bay đã tắt đèn, tôi phát hiện những người còn thức chơi IPad hầu hết là người châu Á, hơn nữa họ đều đang chơi game hoặc xem phim. Thật ra ngay từ khi ở sân bay quốc tế Frankfurt, tôi thấy phần lớn hành khách người Đức đang yên tĩnh đọc sách hay làm việc, còn đa số khách châu Á đi lại mua sắm hoặc cười nói so sánh giá cả. Nhiều người châu Á hiện nay dường như không thể kiên nhẫn ngồi yên đọc sách. Có lần tôi và một người bạn Pháp cùng đợi xe ở trạm tàu hỏa, người bạn này hỏi tôi: “Tại sao người châu Á đều gọi điện thoại hoặc lướt Internet chứ không ai đọc sách thế nhỉ?”. Tôi nhìn quanh, quả thật là như vậy. Mọi người đang nói chuyện điện thoại, cúi đầu đọc tin nhắn, lướt mạng xã hội hoặc chơi game. Họ bận nói chuyện ồn ào hoặc tự tỏ ra bận rộn, điều duy nhất không có là cảm giác thư thái tĩnh lặng. Họ luôn nôn nóng và dễ cáu bẳn, dễ phàn nàn, khó chịu...”.
Tác giả chia sẻ trên cũng cho rằng, sở dĩ người châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam không có thói quen đọc sách một phần do từ nhỏ không nhiều người được dưỡng thành thói quen tốt trong việc đọc sách. Ngoài ra, “giáo dục kiểu thi cử”, khiến cho trẻ nhỏ không có thời gian và tinh lực để đọc các loại sách bên ngoài. Nếu có, đọc chỉ để phục vụ cho các kỳ thi.
Hai thứ nên mua cho con càng nhiều càng tốt
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, thực tế những đứa trẻ học giỏi, thi đạt điểm cao lại bị nghiện game online cho thấy một sự khủng hoảng rất lớn trong giáo dục ở ta hiện nay. Không chỉ khủng hoảng ở nhà trường mà còn khủng hoảng trong từng gia đình. Những đứa trẻ học giỏi, đỗ đạt nhưng lại mê game, nghiện game cho thấy việc học không phải là niềm yêu thích của chúng, thứ trẻ được học không phải là sở trường của chúng. Chúng học vì thành tích chứ không phải học vì niềm hứng thú, say mê. Mà thành tích lại là thứ nhất thời, không phải là mãi mãi. Chạy theo thành tích là chạy theo thứ nhất thời, không có gì là bền vững, là mãi mãi, là đúng đắn. Trong khi đó, bố mẹ lại coi thành tích học tập của các em là “thước đo” giá trị nên rất hài lòng và tin tưởng vào tương lai của con mình. Họ không biết được rằng, con mình làm gì, trở thành giáo sư, bác sĩ, doanh nhân thành đạt hay người thợ tài hoa… trong tương lai hay không là phụ thuộc vào sở trường, năng lực, sự say mê hứng thú của chúng chứ không phải là ở những thành tích đến từ điểm thi.
“Để giúp trẻ tìm ra chính mình, phát hiện ra sở trường năng lực của mình thì sách chính là nguồn tri thức quý giá nhất, là người bạn tri kỷ nhất của đứa trẻ. Do vậy, hướng con vào sở thích đọc sách, bồi đắp cho con thói quen đọc sách là việc đầu tiên cần làm của các bậc làm cha làm mẹ trong quá trình dạy con nên người”, TS Quý nói.
Cùng quan điểm này, thầy giáo Đỗ Cao Sang, một facebooker khá nổi hiện nay cho biết, có hai thứ mà cha mẹ nên mua cho trẻ càng nhiều càng tốt đó là nhạc cụ và sách. Đây là hai loại mặt hàng trẻ em sở hữu càng nhiều càng tốt. Ví dụ như sách chẳng hạn. Khi bố mẹ mua cho con, dù trẻ chưa đọc hết thì bạn chúng, chị em của chúng sẽ đọc. Sách không bao giờ bị ôi thiu và lỗi thời. Sách mà trẻ nên đọc là sách về thiên nhiên, địa lý, sách nuôi dưỡng tình yêu thương con người, muông thú và cây cỏ. Cách dạy đạo đức cho trẻ hiệu quả nhất là mua cho chúng những cuốn sách về những tấm gương danh nhân thế giới như Newton, Lincoln, Walt Disney, Pasteur, Bill Gates.
Với nhạc cụ, thầy giáo Đỗ Cao Sang cho rằng, chúng có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ. Những người yêu nhạc và giỏi nhạc thường rất thư thái và hiền hòa, trí tuệ từ đó phát triển rất sáng lạn. Nếu trẻ sở hữu nhiều nhạc cụ, khi bạn bè của chúng đến chơi sẽ có đứa nào đó biết chơi một loại nào đó. Chúng sẽ kích thích lòng say mê âm nhạc cho nhau. Đôi khi hứng thú, có thể lấy sách và nhạc cụ làm quà tặng cho nhau. Như thế sẽ rất ý nghĩa và nhân văn.
Kích thích trẻ đọc sách bằng các cách dưới đây:
Để con chọn cuốn sách mình yêu thích và cho con quyền quyết định đọc cuốn sách mình muốn
Rất nhiều bố mẹ cảm thấy sốt ruột và mệt nhoài vì phải đọc đi đọc lại, có khi đến cả trăm nghìn lần duy-nhất-một-cuốn-sách mà trẻ vô cùng yêu thích. Thực sự thì điều này đúng là chẳng có gì thú vị cả nhưng vì nó là điều vô cùng quan trọng với trẻ nên chúng ta vẫn cần phải làm nó bằng tất cả sự chú tâm và hào hứng của mình. Hãy để con chọn và có quyền quyết định cuốn sách mà chúng muốn đọc. Bố mẹ có thể mở rộng mối quan tâm của con bằng cách trò chuyện và giới thiệu với trẻ những cuốn sách mới, hãy tạo cơ hội để trẻ tìm hiểu những cuốn sách khác bằng cách đặt chúng ở các vị trí quen thuộc với trẻ mà trẻ hay hoạt động vui chơi tại đó. Bố mẹ không nên bày quá nhiều sách trước mặt trẻ, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Hãy chuẩn bị một giá sách riêng cho con, cùng con chọn và thay sách từng tuần/tháng hoặc theo chủ đề mà con yêu thích.
Đọc sách cùng con chứ đừng đọc sách "cho con" hay "vì con"
Để làm được điều này, bố mẹ cần làm được hai điều, một là tập trung toàn bộ tinh thần và tình cảm vào việc đọc sách cùng con trong một không gian yên lặng, đủ ánh sáng, dễ chịu, không bị làm phiền bởi điện thoại hay các thiết bị điện tử nào khác; hai là đừng bị chi phối bởi những mục tiêu hay kỳ vọng vào con, hãy đọc sách cho con trước hết là vì niềm vui (của cả bố mẹ và con) thay vì mong muốn con biết đọc sớm hay sẽ trở nên thông minh hơn.
Đọc sách vào một giờ cố định và đều đặn mỗi ngày
Sự đều đặn và liên lục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nuôi dưỡng và duy trì bất cứ thói quen tốt nào cho trẻ, đọc sách cũng như vậy. Hãy chọn một khung giờ phù hợp với gia đình bạn, đặc biệt là với trẻ, tốt nhất là vào thời gian trước giờ đi ngủ hoặc sau khi trẻ ngủ dậy (hoặc cả hai). Thời gian đọc sách cùng con mỗi ngày không cần dài, chỉ cần từ 10-30 phút tùy theo độ tuổi của con là đủ.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.