Những ngày hè, hay để con được thoái mái có tuổi thơ đúng nghĩa

Cả năm đã học hành đầy áp lực, hè về chúng ta nên tạo điều kiện để con cháu được học những thứ mà không có trường lớp, giáo trình, giáo viên nào dạy được, hãy buông chúng ra, để cuộc sống làm “thầy” của chúng.

Nhà thầy giáo tôi ở nông thôn, gần sông, gần biển, có ao cá, chuồng bò... Vì thế mùa hè nào cũng có vài đứa trẻ về học hè. Phần đa chúng là học sinh thành phố, con cháu trong nhà có, con cháu bạn bè có, con của lũ học trò cũ cũng có, con bạn bè của học trò cũ cũng có.

Cứ đầu tháng sáu là nhà thầy lại rôm rả hẳn, tiếng trẻ con ý ới pha lẫn tiếng thét lên của dê, bò, gà vịt...

Những đứa trẻ lần đầu đến nhà thầy chỉ sau một buổi là “xóa đô thị”, người lấm lem bùn đất, áo quần đầy vết mủ chuối, mủ mít... Thương nhất là mấy con dê, con bò, gà vịt, mấy loại gia cầm là nạn nhân của “lũ quỷ” này, “lũ quỷ” cái gì cũng lạ lẫm, chúng tò mò táy máy máy đủ thứ, từ bông hoa, trái chuối, tổ ong… không ít lần thầy dở khóc, dở cười với chúng.

Bà con trong xóm cũng quen với sự có mặt của đám học trò “học hè” tại nhà thầy. Sau vài ngày, “lũ quỷ” đã hòa đồng với bọn nhỏ trong xóm, đàn bò nhà tôi đôi khi có cả mấy đứa “mục đồng”, ruộng khoai, ruộng lúa nhà hàng xóm có cả đám “nhân công tình nguyện”.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Theo lũ trẻ con trong xóm, chúng vô rừng ăn ong, bẫy dông, tắm suối, xuống biển gỡ cá, tát đìa... Có ngày tối mịt mà cả lũ vẫn chưa về, cả xóm nháo nhào kiếm chúng, té ra chúng ngồi bên bờ biển để nhìn trăng lên.

Chỉ sau vài tuần, cha mẹ “lũ quỷ” không còn nhận ra chúng nữa, đen nhẻm, cứng cỏi, bơi được, lặn được.

Thầy giáo dạy hè của chúng là lũ trẻ trong xóm, những đứa trẻ đã “nông thôn hóa” chúng thành công tuyệt đối. Có vài tuần “học hè” mà “lũ quỷ” trưởng thành hẳn về mọi mặt, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn và nhìn nhận về giá trị lao động, cuộc sống.

Nhiều đứa trước đây ăn uống là cực hình, cứ lén cha mẹ đổ thức ăn đi, nay đã biết, cố ăn cho hết, vì làm ra khó lắm.

Có đứa ngày đi học mẹ cho cả trăm ngàn, vậy mà xài vẫn thiếu, về đây thấy giá trị đồng bạc người nông dân làm ra quá khó mà thương cha mẹ hơn.

Về nhà tôi, chẳng ai phục vụ chúng, tắm xong tự giặt đồ, đói thì rủ nhau nấu ăn, thích khoai thì luộc, thích canh thì hái rau trong vườn, thích cá thì tìm cách bắt mà nấu, đứa nhỏ làm việc dễ, đứa biết thì làm việc khó.

Mấy bữa đầu còn dở, sau đó chúng đều tự lo được cả, cơm “ngon”, canh ngọt, chúng “tự lập” trong cuộc sống hằng ngày. Chúng trở thành đứa trẻ “khi mẹ vắng nhà”.

Ngày chúng chia tay về, ngày mà chúng gọi ngày “thương nhớ”, đầy lưu luyến thiết tha bịn rịn. Chỉ hơn tháng hè mà chúng có thêm bạn bè “nối khố”, anh Sơn Kuk, chị Sơn Lan, chú Kbup, bác Khy…, sẵn sàng sẻ chia tất cả những gì mình có cho chúng, cho chúng yêu thương làm hành trang quay lại năm học mới, cùng những chiêm nghiệm thú vị của cuộc đời.

Vì vậy, cha mẹ chúng gọi thời gian về với gia đình thầy tôi là thời gian học hè, chỉ có hè mới học được.

Vào dịp lễ, Tết trong năm, có thời gian nghỉ dài ngày lại là dịp chúng về với “miền quê yên tĩnh”, vứt bỏ tất cả để về với bạn bè nối khố, anh chị, chú bác không họ hàng của chúng.

Mỗi lần về, chúng lại gom theo quần áo, sách vở cũ của mình, của bạn bè chúng để làm “từ thiện”, điều mà cha mẹ chúng cho là thành công nhất là: Lòng nhân ái, bao dung, tự lập đã được nhân lên trong con mình, không chỉ biết đòi mà đã biết cho.

Cả năm đã học hành đầy áp lực, hè về chúng ta nên tạo điều kiện để con cháu được học những thứ mà không có trường lớp, giáo trình, giáo viên nào dạy được, hãy buông chúng ra, để cuộc sống làm “thầy” của chúng.

Những điều có ở miền quê, sông, biển, trải nghiệm cuộc sống của người lao động, những hành trang đó chắc chắn cần nhiều cho cuộc sống và tương lai của mỗi đứa học trò.

Hãy để cho học trò được học hè, chứ đừng bắt ép chúng nghỉ hè vẫn học thêm, tạo thêm áp lực, buồn chán cho năm học mới.

 

Theo Dân Trí

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang