Tủ lạnh là một trong những đồ dùng không thể thiếu trong các gia đình hiện nay. Đặc biệt vào mùa hè, khí hậu nóng bức, oi ả rút ngắn thời gian bảo quản thực phẩm. Một chiếc tủ lạnh lúc này chắc chắn là thứ bất cứ mẹ nội trợ nào cũng mong có.
Mặc dù vậy, rất nhiều người mắc lỗi sai khi sử dụng tủ lạnh vào mùa hè, biến nơi này thành ổ chứa vi khuẩn, thậm chí sinh chất gây ung thư. Tiếc là nhiều người không hề hay biết hoặc chủ quan bỏ qua. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
PV: Nhiều người cho rằng tủ lạnh là thứ rất dễ khiến chúng ta bị mắc bệnh từ bếp. Theo ông, điều này có đúng?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Đúng là nhiều người rất hay đổ lỗi cho tủ lạnh nhưng đúng ra mà nói, tủ lạnh không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là chúng ta không biết cách sử dụng tủ lạnh cũng như bảo quản thực phẩm ở đây sao cho đúng nhất.
Nếu thường xuyên nấu ăn ở nhà, tần suất sử dụng tủ lạnh nhiều, có thể bạn sẽ mắc phải một số sai lầm khi dùng tủ lạnh. Việc tránh mắc sai lầm khi dùng tủ lạnh giúp bạn thoát khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn, thậm chí là chất gây ung thư có trong tủ lạnh.
PV: Xin ông chia sẻ một số sai lầm thường gặp khi dùng tủ lạnh có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, thậm chí có cả chất gây ung thư trong gia đình Việt hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi thấy nhiều mẹ nội trợ chưa thực sự biết cách sử dụng tủ lạnh sao cho đúng, vừa tiết kiệm vừa tránh gây bệnh cho gia đình. Nhìn đi nhìn lại từ thực tế có thể rút ra trước mắt có 6 sai lầm như sau:
Một là không làm sạch các vết nước tràn ngay lập tức
Hiện tượng nước tràn trong tủ lạnh rất thường xuyên xảy ra nhưng ít người lau chùi ngay lập tức. Điều này có thể gây nhiễm khuẩn chéo sang thực phẩm, gây bệnh cho người ăn. Điều quan trọng là bạn phải làm sạch những vết nước tràn đó ngay lập tức, làm vệ sinh tủ lạnh ít nhất 2 tuần mỗi lần bằng dung dịch tẩy nhẹ và nước.
Hai là không hiểu ý nghĩa của ngày hết hạn
Nhiều người coi tủ lạnh đa di năng đến độ cứ tống thực phẩm vào đây bảo quản là yên tâm dùng đến bao giờ thì dùng. Trong khi những thực phẩm dán nhãn mác đều có những ký hiệu để bạn nhận biết ngày hết hạn. Những từ như "use by", "sell by" và "best by" chính là thứ cần phân biệt rõ để tránh nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh. Cụ thể:
- Ăn bất cứ thứ gì có "use by" trước ngày hết hạn, nếu không thì hãy vứt bỏ.
- Ăn bất cứ thứ gì có "sell by" trong vòng 5 ngày kể từ ngày bán.
- Thực phẩm dán nhãn "best by" có nghĩa là mặt hàng đạt chất lượng tốt nhất vào ngày đó, nhưng nó vẫn chưa hết hạn, bạn có thể kéo dài thời gian tiêu thụ trong 1-2 ngày tới.
Ba là bạn đang chất đống đồ ăn trong tủ lạnh
Đúng là việc dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh rất thuận tiện nhưng có quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, nhiều đến độ chất đống lên nhau, rồi lại vào thời tiết mùa hè này thì thực sự không tốt cho sức khỏe.
Nếu tủ lạnh quá chật, hơi lạnh không thể lan tỏa toàn bộ, thực phẩm sẽ được bảo quản ở nhiệt độ ấm hơn so với thực tế. Và tất nhiên, ấm hơn thì sẽ sinh ra vi khuẩn, nhiễm khuẩn chéo, gây ngộ độc thực phẩm, về lâu dài tích tụ chất gây ung thư trong cơ thể.
Bốn là bạn mở cửa tủ lạnh quá lâu
Nhiều người hay có thói quen mở tủ lạnh và đứng đó nghĩ ngợi nên chọn lấy thứ gì, nấu ra sao. Nhưng nếu bạn mở cửa tủ lạnh quá lâu, nó sẽ khiến nhiệt độ từ bên ngoài xâm nhập vào, vô tình làm giảm chất lượng thực phẩm. Lý tưởng nhất là mở và đóng tủ lạnh càng nhanh càng tốt. Nếu không thể thì bạn cũng phải tuân thủ nguyên tắc đóng tủ lạnh sau 2 phút mở mà thôi.
Năm là không cất thực phẩm trong tủ lạnh đúng vị trí
Nhiều người cho rằng đặt thực phẩm ở bất cứ đâu trong tủ lạnh không thực sự quan trọng là cực kỳ sai lầm. Thực tế thì bạn nên đặt một số loại thực phẩm ở những khu vực nhất định trong tủ lạnh không chỉ để điều chỉnh nhiệt độ của những món đó mà còn để tránh lây nhiễm chéo.
Đặc biệt là đối với thịt sống. Bạn cần đảm bảo rằng tất cả thịt sống đều ở kệ dưới cùng để tránh vi khuẩn tràn sang bất kỳ món ăn nấu chín nào. Bảo quản salad rau xanh, thảo mộc và trái cây trong ngăn kéo của tủ lạnh bên dưới. Đối với những thực phẩm "ăn ngay" như thức ăn thừa, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đóng gói... có thể để ở 2 kệ trên cùng của tủ lạnh.
Sáu là bạn không để tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp
Mỗi khu vực tủ lạnh sẽ có mức độ làm lạnh khác nhau, ngăn làm mát thì phải khác ngăn đông. Ngăn đông mềm thì sẽ có nhiệt độ khác ngăn đông lạnh... Tóm lại là chị em cần đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho từng khu vực theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì mới có thể bảo quản thực phẩm tươi ngon đúng điệu, tránh sinh sôi vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, ung thư...
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
https://afamily.vn/dung-tu-lanh-nhung-nha-nao-cung-mac-6-sai-lam-sinh-soi-vi-khuan-chat-gay-ung-thu-20220608114714909.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.