Giải đáp thắc mắc giúp các cặp đôi: Có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn?

Chưa kết hôn và đăng ký bạn có nên chung tiền mua nhà cùng bạn đời tương lai. Nếu còn phân vân hãy cùng tham khảo những rủi ro có thể xảy đến để tính toán hợp lý nhất.

 

Các cặp đôi thường có tâm lý muốn góp gạo thổi cơm chung, an cư để lập nghiệp khi tình hình tài chính đang ở giai đoạn vững vàng nhất. Nhiều cặp đôi còn không ngần ngại góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn dù chưa có rằng buộc nào về mặt pháp lý. 

Vậy quyết định này có thật sự là sáng suốt. Cùng tham khảo qua những lời khuyên ngay dưới đây để xem cặp đôi có đáp ứng đủ trước khi đi tới quyết định quan trọng này. 

Xem xét mối quan hệ của cả hai

Việc góp tiền mua nhà chung với vợ/chồng sắp cưới trước khi kết hôn là vấn đề quan trọng cần được bạn cân nhắc cẩn thận trước khi ra quyết định. Bởi tài chính và hôn nhân là những nguyên nhân chính thường gây ra những rạn nứt, đổ vỡ và ly tán của nhiều gia đình.

Bạn cũng không thể đưa ra một công thức cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên mua nhà vào thời điểm nào. Bởi điều đó còn tùy thuộc vào sự gắn bó giữa hai người trong cuộc sống cũng như tình hình tài chính của cả hai. 

Chính vì thế, bạn nên xem xét chính xác mối quan hệ, quan điểm hay dự định trong tương lai của cả hai. Có thể sắp xếp các cuộc trò chuyện rõ ràng để hiểu về kế hoạch cũng như mục tiêu tài chính của vợ/chồng sắp cưới.

Bài toán cần lời giải: Các cặp đôi có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 2.

(Hình minh họa).

Cân nhắc về tình hình tài chính trước khi quyết định

Tài chính hiện tại

Một điều rất quan trọng đối với những cặp đôi có ý định mua nhà trước khi kết hôn đó là thỏa thuận trách nhiệm cá nhân về các khoản vay – nợ và nghĩa vụ về tài chính liên quan khác.

Đây là điều quan trọng mà cặp đôi nào cũng nên thực hiện, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cuộc sống hiện tại và tương lai. 

Vì nếu không may xảy ra ly tán, trách nhiệm tài chính sẽ được phân định rõ ràng nên thuộc về ai. Ai là người phải chịu trách nhiệm chính. Và rất nhiều rắc rối sẽ xảy ra nếu hai bạn không thống nhất ngay từ đầu.

Cặp đôi cần trao đổi một cách rõ ràng về tình hình tài chính của nhau. Thẳng thắn chia sẻ những thông tin về điểm tín dụng, các khoản vay – nợ, tổng thu nhập và các vấn đề về tài chính liên quan khác.

Với tình hình tài chính của cả hai, có đủ để mua một căn nhà hay cần vay mượn ngân hàng? Lãi suất và thời gian vay trong bao lâu? Khi đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm để sở hữu căn nhà, cuộc sống của cả hai có được cân bằng?

Sau khi tìm hiểu các thông tin, bạn và đối phương cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Nhiều cặp đôi cũng nhận định rằng, việc góp chung tiền mua nhà sẽ giúp giảm bớt gánh nặng, áp lực, được chia sẻ về tài chính.

Bài toán cần lời giải: Các cặp đôi có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 3.

(Hình minh họa).

Tài chính tương lai

Vấn đề tiền bạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên rắc rối trong các mối quan hệ, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình.  

Vì vậy để tránh những rủi ro xảy ra, cặp đôi cần rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai. Bằng cách thảo luận và thỏa thuận, phân định về trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, cũng như lường trước những sự cố sau này như ly hôn, tranh chấp tài sản. Bạn nên lưu giữ những thỏa thuận và quy định này để làm bằng chứng và là căn cứ để giải quyết.

Nên soạn thảo những thỏa thuận này trên giấy tờ, quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng cá nhân bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua nhà như:

Thanh toán các khoản vay – nợ:

Bạn cần quy định mỗi cá nhân sẽ trả bao nhiêu cho các khoản vay – nợ. Đã có rất nhiều cặp vợ chồng có các thỏa thuận thanh toán không đồng đều do chênh lệch thu nhập. Và dẫn đến căng thẳng khi một trong hai người chịu áp lực trả nợ quá nhiều.

Chính vì thế, bạn và đối phương cần thỏa thuận và đưa ra phương án phù hợp để cân bằng về trách nhiệm cho cả hai. Tránh gây áp lực hay gánh nặng cho một bên.

Ai có thu nhập cao, sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các khoản vay – nợ cao hơn người còn lại. Và người còn lại sẽ có nghĩa vụ khác tương đương.

Bài toán cần lời giải: Các cặp đôi có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 4.

(Hình minh họa).

Bảo trì và sửa chữa

Một trong những khoản chi phí khi mua nhà mà bạn và đối phương không thể bỏ qua đó chính là chi phí bảo trì và sửa chữa. Đây là khoản chi phí mà nhiều cặp đôi thường bỏ qua và không tính đến trong kế hoạch tài chính.

Sẽ có rất nhiều vấn đề rắc rối phát sinh, nhưng nếu bạn lường trước và phân chia nhiệm vụ rõ ràng thì chắc chắn sẽ được giải quyết một cách đơn giản hơn.

Vì đây là những chi phí được tính trong tương lai, khá khó để đong đếm. Vì thế hãy quy định trách nhiệm được chia đều cho cả hai. Sau đó, có thể điều chỉnh dựa vào mức độ hỏng hóc và tình hình tài chính của cả hai.

Lựa chọn kiểu nhà phù hợp

Ngoài việc thống nhất về tài chính, thống nhất quan điểm để quyết định lựa chọn một căn nhà phù hợp với nhu cầu cả hai cũng vô cùng quan trọng. Thậm chí có thể gây tranh cãi và khó đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, có thể dựa vào một vài những căn cứ sau đây để thảo luận và đưa ra quyết định lựa chọn:

Căn nhà có vị trí ở trung tâm thành phố lớn, hay trong thị trấn nhỏ hoặc phía ngoại thành? Nhà mặt đất hay chung cư? Nhà mua lại, xây mới hoàn toàn hay cần sửa chữa như thế nào? Mức giá nào là phù hợp với tình hình tài chính của cả hai? Có thuận tiện cho việc đi lại của cả hai? Tiện ích xung quanh như: siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trường học,…

Từ những căn cứ trên, bạn và đối phương thống nhất lựa chọn kiểu nhà phù hợp. Nếu hai bạn không có điểm chung quá nhiều, hãy đưa ra những ưu điểm và hạn chế để thuyết phục người còn lại. Và cũng đừng quên hỏi ý kiến người thân, bạn bè của cả hai để có sự góp ý trước khi đưa ra quyết định.

Cân nhắc đến trường hợp rủi ro có thể xảy ra

Giải đáp giúp các cặp đôi: Có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn - Ảnh 5.

(Hình minh họa).

Các mối quan hệ hay cuộc hôn nhân đều đôi khi sẽ xảy ra những mâu thuẫn, tranh cãi thậm chí có thể là đường ai nấy đi.

Vì thế, bạn nên lường trước những vấn đề xoay quanh đến việc góp chung tiền mua nhà và tài sản ngôi nhà nếu không may cuộc hôn nhân bị đổ vỡ.

Dưới đây là một số gợi ý bạn nên lưu tâm và tự trả lời để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra:

Nếu cuộc chia tay xảy ra, ai sẽ là người sở hữu căn nhà? Điều gì xảy ra nếu cả hai bạn không đủ khả năng để trả tiền vay nợ? Nhà sẽ được bán? Một bên sẽ mua nhà từ bên kia? Giá mua sẽ được xác định như thế nào? Bạn muốn bán còn đối phương thì không?

Như vậy, việc chuẩn bị trước những rủi ro có thể xảy ra là cách tốt nhất giúp bạn chủ động giải quyết tranh chấp tài chính gia đình, ngay cả trong trường hợp xấu nhất.  

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/giai-dap-thac-mac-giup-cac-cap-doi-co-nen-gop-chung-tien-mua-nha-truoc-khi-ket-hon-217182

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang