Suckhoedoisong.vn - Thời tiết lạnh, khô hanh dễ khiến môi khô, nẻ, thậm chí lột da gây đau, khó chịu; có thể nhiễm khuẩn, nhiễm nấm khi bị tổn thương.
Dưới đây là những cách giúp môi luôn mềm mại trong mùa lạnh.
Nguyên nhân khiến môi bị nứt nẻ
Vùng da ở môi mỏng hơn vùng da tại tất cả các phần khác của cơ thể, do vậy, da môi sẽ nhạy cảm với điều kiện môi trường khô và dễ nứt nẻ hơn.
Biểu hiện bệnh là môi bị khô nứt, lở hoặc sưng đỏ lên, đau rát, một số trường hợp khác lại có thêm chất ram ráp dính khó chịu. Môi không có tuyến mồ hôi và rất ít tuyến dầu. Bên cạnh đó, lớp bảo vệ bên ngoài làn môi rất mỏng nên dễ bị khô nẻ gây đau đớn.
Những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng môi bị khô và nứt nẻ thường do môi bị tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với gió, mặt trời, thời tiết lạnh hoặc không khí khô; ngoài ra, việc phải há miệng để thở do nghẹt mũi, liếm môi thường xuyên, do thiếu nước, do một số chất trong mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da hoặc do môi trường xung quanh cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng môi bị khô và nứt nẻ.
Ngoài ra, một số bệnh về da và các rối loạn mạn tính khác cũng có thể ảnh hưởng đến môi khiến môi bị khô, nứt nẻ, đóng vảy hoặc bị kích ứng.
Những bệnh này bao gồm: eczema, bệnh Liken phẳng (Lichen planus), bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, bệnh u hạt (Sarcoidosis), một số tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng nhất định cũng khiến cho môi dễ bị khô và nứt nẻ.
Dầu dừa có tác dụng như một loại son dưỡng môi tự nhiên vô cùng tốt.
Phòng tránh và điều trị
Để giảm sự nứt nẻ của đôi môi, ngoài việc sử dụng kem dưỡng ẩm cho môi, bạn nhớ là phải thường xuyên uống nước, ít nhất khoảng 2 lít nước trong ngày. Khi môi bị khô nứt, nhiều người có thói quen liếm môi.
Điều đó là không tốt vì khi liếm môi thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng nước bốc hơi và khi nước bốc hơi sẽ làm “bốc hơi” luôn các chất giữ ẩm trên môi khiến môi càng khô hơn. Ngoài ra, loại enzym tiêu hóa vốn có nhiều trong nước bọt sẽ còn gây ra chứng viêm môi và lở hai bên mép miệng.
Như vậy, để điều trị bệnh khô môi hiệu quả, trước tiên, bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có cách khắc phục phù hợp. Ngoài ra, bạn còn cần phải ăn nhiều trái cây như cà chua, cà rốt, sử dụng kem dưỡng môi hàng ngày. Nếu dùng son môi, nên sử dụng loại có thành phần dưỡng ẩm và chỉ số SPF 15.
Chúng không những làm đẹp cho đôi môi của bạn, tránh được khô môi gây nứt nẻ mà còn chống lại tác dụng độc hại của ánh nắng mặt trời nếu bạn chọn các loại son có chất lượng tốt. Tránh ánh nắng mặt trời vì vùng môi không chứa chất melamin (hắc tố) nên dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời (gây bỏng môi). Khi ra nắng nóng, bạn nên bôi son hay dầu dưỡng môi để bảo vệ trước.
Lưu ý đến những thứ đi qua đôi môi, đôi khi một số thức ăn cũng gây khô, nứt môi. Bạn cần tránh các loại như: tiêu, rượu, ớt... Khi da môi bị tróc, bạn không được dùng tay bóc, như vậy sẽ làm môi bị rách, chảy máu.
Xoa bóp, massage thường xuyên vào mỗi buổi sáng trước khi trang điểm và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi massage, bạn nên thoa một lớp kem dưỡng da lên môi, sau đó dùng đầu ngón tay trỏ xoa khẽ để mỹ phẩm dưỡng môi thấm sâu vào môi và giúp cho máu lưu thông. Một lọ vaselin là vật nên có thường xuyên trong túi xách của bạn, nhất là vào mùa đông.
Ngoài ra, để dưỡng môi bằng các nguyên liệu tự nhiên như: Sử dụng dầu dừa vì dầu dừa có tác dụng như một loại son dưỡng môi tự nhiên rất tốt mà không có tác dụng phụ nào.
Các axit béo trong dầu dừa giúp giữ ẩm và làm mềm môi, còn vitamin E có tác dụng trẻ hóa làn môi. Bạn nên thoa một chút dầu dừa lên môi vài lần trong ngày để có đôi môi căng mọng, mịn màng khi sử dụng thường xuyên.
Mật ong cũng có tác dụng dưỡng ẩm và chữa trị chứng nẻ môi mùa đông cực tốt. Bạn chỉ cần lấy một chút mật ong nguyên chất thoa nhẹ nhàng lên môi 3 lần/ngày.
Bạn sẽ cảm nhận ngay được kết quả tuyệt vời mà mật ong đem lại cho làn môi của mình ngay sau lần sử dụng đầu tiên.
Dưa chuột cũng là thực phẩm giúp dưỡng da tự nhiên. Để dưỡng môi, lấy dưa chuột chà xát nhẹ nhàng 1 lát nhỏ lên môi khô. Để trong 15-20 phút và sau đó rửa sạch môi với nước bình thường. Áp dụng nhiều lần trong ngày, nước ép dưa chuột sẽ giúp tình trạng mau được chữa khỏi khô môi, nứt nẻ.
Tăng cường ăn nhiều hoa quả, những loại giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, táo... sẽ rất tốt cho làn da trong mùa khô hanh.
Hãy ăn thật nhiều trái cây, rau xanh, các loại đậu xanh, đậu đen và các sản phẩm sữa vào thực đơn hàng ngày của bạn. Hạn chế một số đồ ăn có thể gây khô, nứt môi như rượu, hạt tiêu, ớt...
Nếu bạn có nhiều vết nứt nơi khóe miệng thì rất có thể là do cơ thể bạn thiếu vitamin B2. Nên bổ sung loại vitamin này. Che mặt khi đi ra ngoài vào mùa đông. Sử dụng tinh dầu tự nhiên là một cách hữu hiệu để bảo vệ làn môi.
Nếu đã áp dụng những cách trên trong vòng 3-5 ngày mà môi bạn vẫn không đỡ khô và nứt nẻ, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để tìm hiểu nguyên nhân gốc gây ra tình trạng môi khô và nứt nẻ dài hạn.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.