Không dễ để tìm được một loại gia vị nấu ăn mà vừa tạo vị ngon cho món ăn lại có thể đóng vai trò là “chất tẩy rửa” đáng nể như giấm.
Trong suốt hành trình lịch sử, giấm đã để lại dấu vết trong những chiếc bình đựng tro cốt của người Ai Cập từ khoảng 3000 năm TCN. Thậm chí, trong các cuộn giấy cổ đã đề cập đến việc giấm đã được sử dụng nhiều từ 5000 năm Trước Công Nguyên ở Babylon.
Ở Hy Lạp cổ đại, một loại đồ uống được gọi là “oxycrat” được làm bằng cách trộn nước, giấm và mật ong, đựng trong những chiếc bình gọi là oxydes, để làm dịu cơn khát.
Cũng giống như người Ai Cập, người La Mã cổ đại từng dùng “posca” - hỗn hợp nước và giấm bán trên đường phố để làm nước uống. Theo Brightland, một bát giấm, gọi là “acetabulum” lúc nào cũng có mặt trên bàn trong các bữa tiệc của người La Mã để ngâm những mẩu bánh mì trong đó. Triều đại nhà Chu (1046-256TCN) của Trung Quốc cũng đã sử dụng giấm trong ẩm thực và dược phẩm.
Việc sản xuất và sử dụng giấm ở châu Âu phổ biến trong khoảng thế kỷ V-XV, thành phố Orléans của Pháp rất nổi tiếng với việc chế biến giấm. Giấm Balsamic phát triển ở tỉnh Duchy thuộc vùng Modena, Ý. Giấm mạch nha thì được phát triển ở Anh.
Theo chuyên trang của Trường Y tế Công cộng TH Chan, Đại học Harvard, từ "giấm" bắt nguồn từ tiếng Pháp “vin aigre”, còn được gọi là rượu chua. Chúng không chỉ được dùng để nấu ăn mà còn làm tốt vai trò như một loại thuốc, chất bảo quản và đồ uống giúp tăng cường sức khỏe.
Lần theo và khám phá sự ra đời của giấm, người ta nói rằng chúng được hình thành khi một loại rượu bị lãng quên trong kho vài tháng, chuyển sang vị chua, thế là… thành giấm.
Giấm cổ xưa được dùng chủ yếu làm nước giải khát, còn hiện nay được sử dụng nhiều trong các món salad, ướp và bảo quản thực phẩm được lâu dài hơn.
Giá trị dinh dưỡng trong giấm có gì?
Tìm hiểu về lượng calo trong giấm một chút, thực tế giấm có hàm lượng calo và dinh dưỡng thấp. Hầu hết giấm không chứa natri và đường. Tuy vậy, một số loại giấm được pha trộn đôi khi sẽ thêm đường. Cho nên, việc đọc nhãn dán trên chai giấm sẽ cung cấp cho bạn thông tin cần thiết về giá trị dinh dưỡng của loại giấm đó.
Giấm làm sáng hương vị và tăng sự cân bằng cho món ăn.
Bạn đang tự hỏi giấm có thể làm gì ư?
Đừng nghĩ giấm chỉ là một loại gia vị nhỏ bé. Chúng xuất hiện khá quyền lực trong các loại nước sốt salad. Giấm có thể thay đổi kết cấu của thực phẩm, bằng chứng là chúng được dùng làm mềm thịt cá bởi khả năng phá vỡ cấu trúc protein. Giấm được thêm vào sữa để làm phô mai. Vậy có sự khác biệt nào giữa các loại giấm không?
Có những loại giấm phổ biến nào?
Giấm trắng
Giấm trắng thường được làm từ các loại ngũ cốc lên men và có từ lâu đời. Được làm từ bã bia hoặc đường mật nên chúng có mùi khá mạnh và vị chua gắt. Chính vì vậy, chúng được dùng để ngâm chua thực phẩm là chủ yếu. Trong các loại giấm, giấm trắng có nồng độ axit axetic cao nhất.
Khi nấu ăn, giấm trắng cũng được dùng để ướp thịt cá giúp chúng mềm và ngon hơn. Giấm trắng có thể khử tanh mùi cá, giúp cá không bị ươn, lâu hỏng hơn. Khi kho cá, để thịt cá săn chắc, bạn có thể thêm một muỗng giấm trắng. Và nếu món ăn cay quá, có thể cho chút giấm trắng, món ăn sẽ cân bằng hơn nhiều.
Giấm Balsamic
Giấm Balsamic được làm từ nho lên men, tức là nho ép nguyên quả. Đặc trưng của loại giấm này có màu nâu sẫm, vị chua, và cũng có vị ngọt dịu so với các loại giấm khác. Giấm Balsamic được ưu tiên dùng nhiều làm nước sốt salad hoặc nước sốt chế biến món ăn. Chẳng hạn như các món áp chảo sò điệp, trứng cá, sườn nướng. Ngoài ra, chúng cũng được chế biến, gia giảm để rưới lên kem hoặc hoa quả. Khi hấp/luộc rau củ quả màu xanh, chỉ cần một chút giấm Balsamic có thể giữ được màu xanh tươi, bóng và món ăn thơm ngon hơn.
Giấm gạo
Đúng như tên gọi, giấm gạo được làm từ gạo lên men. Hương vị nhẹ hơn, không quá chua, cũng không quá gắt, thích hợp với nhiều món ăn của phương Đông, chẳng hạn như các món xào, rau ngâm.
Giấm gạo có màu từ trong suốt đến vàng ngà, đỏ nhạt hoặc đen, vị chua dịu, không nồng, không gắt. Giấm gạo đen được làm từ gạo lứt hoặc gạo nếp cẩm nên ít chua nhưng mùi lại nồng hơn giấm gạo trắng.
Nếu làm các món gỏi, ngâm chua rau củ hoặc sốt chua ngọt, giấm gạo là một lựa chọn không tồi.
Giấm rượu vang
Nói đến sự phong phú của các loại giấm không thể thiếu được giấm rượu vang. Được làm từ rượu vang đỏ hoặc rượu vang trắng và có hương vị sắc nét, rõ ràng theo loại rượu được sử dụng. Chúng có độ axit thấp hơn giấm trắng, thường có màu đỏ nên được sử dụng trong nước sốt salad và các món ăn ngọt.
Giấm rượu vang có rất nhiều loại, cả những loại pha trộn nhiều mùi hương thảo mộc khác nhau.
Giấm rượu vang có rất nhiều loại, cả những loại pha trộn nhiều mùi hương thảo mộc khác nhau.
Ngoài vị chua rượu, giấm rượu vang có độ cồn thấp nên dùng để khử mùi tanh của một số loại cá. Nếu bạn muốn chữa món ăn quá ngọt thì có thể thêm giấm rượu vào sẽ giúp món ăn cân bằng hơn. Trong quá trình nêm nếm, dùng giấm rượu vang cũng sẽ giúp cho mùi vị lẫn độ ngon của món ăn tăng lên trông thấy.
Giấm táo
Đây là loại giấm phổ biến được nhiều người biết đến, không chỉ trong nấu ăn mà còn giúp hỗ trợ làm đẹp.
Giấm táo được sử dụng nhiều trong nấu ăn: làm nước chấm, ướp gia vị, làm nước sốt, muối món chua, sử dụng trong các món xào,... Giấm táo chua thanh dịu, tạo ra độ chua ngọt lý tưởng khi kết hợp với đường, nước, muối để tạo ra nước chấm cho các món gỏi, nem, chả giò hay bánh xèo.
Không chỉ vậy, trong quá trình xử lý nguyên liệu như dùng giấm táo rửa rau quả sẽ tốt hơn là chỉ sử dụng nước bình thường. Muốn giữ trứng không bị vỡ vỏ trong lúc luộc và chín nhanh hơn, hãy cho thêm giấm táo khi luộc.
Trên thị trường, có một số hãng giấm táo được nhiều người lựa chọn sử dụng như Beksul, Bragg hay Heinz,...
Điều bất ngờ có thể bạn chưa biết về giấm táo đó là giấm táo có thể thay thế trứng trong việc làm bánh hoặc làm tăng hương vị lúc làm kẹo nữa đấy!
Trên đây chỉ là một vài loại giấm chủ đạo trong thế giới giấm được sử dụng nhiều trong ẩm thực. Chừng ấy loại giấm cũng đủ để chúng ta biến tấu và sáng tạo làm nên những món ăn ngon phải không? Nếu bạn có ý tưởng gì thêm về giấm hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.