Giáo sư Yuji Ikegaya hiện là giáo sư, tiến sĩ khoa học não bộ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản. Theo Bảng xếp hạng 500 Đại học thế giới hàng đầu do tạp chí CEOWORLD xuất bản năm 2019, Đại học Tokyo đứng thứ nhất ở Châu Á và xếp thứ 26 các đại học tốt nhất trên thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học não bộ Yuji Ikegaya hiện là Giáo sư giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa học Dược phẩm, ĐH Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Japan News
Theo các nghiên cứu về “Hồi hải mã trong não bộ người” của giáo sư Yuji Ikegaya, hồi hải mã (Hippocampus) là một cấu trúc quan trọng của não bộ, có vai trò như “một tấm bản đồ di động” giúp ghi lại những hoạt động mà trẻ đã làm, nơi trẻ đã đến và đã đi qua. Với những thành công trong nghiên cứu này, giáo sư Yuji Ikegaya còn được mệnh danh là “Tiến sĩ Hồi hải mã".
Theo giáo sư, nguyên nhân khiến trẻ không thể ghi nhớ kiến thức hôm nay mình đã học là do hồi hải mã đã “chặn” những thông tin mà nó cho là không quan trọng. Điều đó có nghĩa, để trí nhớ được cải thiện, chúng ta phải “đánh lừa” hồi hải mã bằng cách lặp đi lặp lại thông tin trên. Khi hồi hải mã tiếp tục gọi thông tin này, dần dần nó sẽ biến bộ não thành “bộ nhớ vô kỳ hạn”.
Từ đó, giáo sư kết luận: để giúp trẻ học tốt, nâng cao điểm số không phải là điều khó khăn, chỉ cần trẻ học theo nguyên tắc ghi nhớ của não bộ thì kiến thức sẽ được ghi nhớ và tiếp thu nhanh chóng. Nếu muốn con học giỏi hơn, cha mẹ cần dành 30 phút trước khi đi ngủ để cùng trẻ thực hiện 3 thói quen sau:
Dành 10 phút để ghi nhớ từ vựng
Quên từ vựng tiếng Anh (hay ngoại ngữ khác) là tình trạng thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, không riêng gì trẻ em trong độ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Vấn đề ghi nhớ từ vựng sẽ là một trong những “vật cản” gây khó khăn cho việc đạt được điểm số cao. Có trẻ dành nhiều thời gian để đọc thuộc lòng nhưng lại không thể nhớ được.
Giáo sư Yuji Ikegaya đã đưa ra lời khuyên giúp trẻ có thể dễ dàng “tiêu hóa” và ghi nhớ đống từ vựng “khó nuốt”. Ông cho rằng, mỗi tối, cha mẹ nên cùng trẻ dành 10 phút học thuộc 3 từ. Cứ mỗi ngày dành 10 phút học từ, đồng thời ôn lại những từ đã học. Với phương pháp này, cha mẹ cần kiên trì. Những ngày đầu trẻ có thể cảm thấy khó khăn khi vẫn chưa quen, nhưng những ngày sau, khi đã quen với việc học từ, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu hơn.
Dành 10 phút để đọc truyện, sách
Đọc sách hay những cuốn truyện tiểu thuyết, truyện cổ tích trước khi đi ngủ không còn là điều xa lạ đối với một số trẻ nhỏ. Ngoài việc giúp trẻ tăng thêm kiến thức, đọc sách 10 phút trước khi ngủ còn giúp trẻ ngủ ngon hơn, giải tỏa căng thẳng, rèn luyện khả năng sáng tạo và khả năng tập trung, ghi nhớ.Theo thời gian, các kiến thức từ sách sẽ lưu lại trong não bộ của trẻ và tạo thành một “khối khổng lồ”.
Dùng điện thoại, máy tính bảng hay thiết bị điện tử trước khi đi ngủ không chỉ gây hại cho mắt, mà nó còn “phá vỡ” sự tập trung của trẻ. Việc đọc trước khi đi ngủ sẽ buộc trẻ phải xử lý thông tin chủ động mà không có sự hỗ trợ của máy tính hoặc điện thoại thông minh. Vì vậy, để luyện khả năng tập trung cho não bộ, cha mẹ hãy dành 10 phút cùng con đọc sách trước khi đi ngủ, vì lợi ích cho trí não và sự phát triển của con.
Dành 10 phút để trẻ “điểm lại” những điều học được vào hôm nay
Giáo sư ĐH Tokyo khuyên rằng, cha mẹ hãy dành 10 phút trước khi ngủ để lắng nghe trẻ kể lại những gì chúng đã học được vào hôm nay. Đây cũng là một phương pháp khá hữu hiệu giúp trẻ tăng khả năng nhớ bài. Giống như một bộ phim, trẻ có thể “lướt” qua những điểm kiến thức chính mà cô giáo đã dạy trong ngày. Phương pháp này không đem lại sự gò bó, hay ép buộc trẻ như kiểu “trả bài”.
Ảnh minh họa
Hơn nữa, phụ huynh thông qua việc lắng nghe có thể theo dõi tiến độ học tập, bổ sung kịp thời những kiến thức mà trẻ còn thiếu. Phụ huynh cần nhẹ nhàng, không nên tỏ ra khắt khe theo kiểu “kiểm tra bài vở” sẽ khiến trẻ không thoải mái.
Các phương pháp này tuy đơn giản, nhưng rất cần sự kiên trì mỗi ngày của cha mẹ và con cái. Áp dụng đều đặn trong một thời gian dài, cha mẹ sẽ nhận thấy những thay đổi tích cực trong học tập lẫn điểm số của con mình.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.