Khi nhắc đến học sinh giỏi, nhiều người luôn đi kèm câu nhận xét: "Nhìn người ta đi, rõ là thông minh". Ai cũng có thói quen cho rằng thành tích học tập tốt của học sinh giỏi chủ yếu là do họ thông minh.
Nhưng trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất khiến một học sinh giỏi có thể trở thành học sinh giỏi không phải là "sự thông minh bẩm sinh" mà liên quan rất nhiều đến môi trường gia đình của họ.
Một giáo viên đã có 20 năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm thẳng thắn nói rằng: Hầu hết những học sinh đứng đầu lớp đều sinh ra trong 5 gia đình như dưới đây.
Loại 1: Gia đình có cha mẹ tôn trọng con cái
Ở một số gia đình, cha mẹ luôn nhìn con cái với quan điểm "trẻ con thì biết gì đâu" rồi "trứng mà đòi khôn hơn vịt". Họ "phớt lờ" mọi suy nghĩ, quan điểm của con. Bất kể chuyện gì, họ cho rằng mình đưa ra quyết định là đủ, dù con có ý kiến khác cũng mặc kệ.
Sống trong môi trường như vậy, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy rất tự ti, bởi mọi việc chúng làm đều là "vô ích", "chẳng có tác dụng gì", "phí công"... Dần dà trẻ sẽ trở nên càng ngày càng tự ti, thậm chí còn tự nghi ngờ bản thân.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết tôn trọng ý kiến của con, có thể xem xét, phân tích mọi ý kiến của con, nhận ra điều đúng và giải thích điều sai thì trẻ sẽ có lòng tự trọng mạnh mẽ hơn và phát triển sự tự tin về mọi mặt, trong đó có học tập. Một khi có sự tự tin, kết quả học tập của trẻ tự nhiên sẽ được cải thiện, trẻ sẽ dễ trở thành học sinh giỏi hơn.
Loại 2: Gia đình có cha mẹ không ép con học
Mặc dù chúng ta đang ở thời đại đề cao giáo dục chất lượng nhưng vẫn có không ít bậc phụ huynh vẫn giữ tâm lý trọng thành tích. Những phụ huynh này sẽ đăng ký cho hàng loạt các lớp học thêm khác nhau, bắt con phải làm thật nhiều bài tập, luyện thật nhiều đề... Họ không ngừng ép con học với hy vọng rằng con họ sẽ đi trước người khác một bước".
Nhưng trên thực tế, hiệu suất học tập dưới áp lực lớn không thể tốt được, vì áp lực có thể khiến trẻ có nhiều cảm xúc tiêu cực và cảm giác mệt mỏi mạnh mẽ.
Ở trạng thái tiêu cực này, trẻ sẽ vô tình phát triển cảm giác kháng cự với việc học. Sự kháng cự này không thể bị dập tắt hoàn toàn ngay cả bằng tư duy chủ quan. Kết quả là một số trẻ thoạt nhìn lúc nào cũng thấy cắm mặt vào sách vở nhưng thực tế lại chẳng học được gì và càng không thể trở thành học sinh giỏi.
Ngược lại, những đứa trẻ có vẻ "được nuôi thả" và không có áp lực học tập lại có nhiều khả năng trở thành học sinh giỏi hơn.
Môi trường học tập lành mạnh, không bị cha mẹ ép buộc, thời gian học tập và thời gian nghỉ ngơi cân bằng sẽ giúp trẻ không còn cảm thấy việc học là áp lực. Các em có thể yêu thích việc học và có nhiều động lực học tập hơn, từ đó dễ dàng đạt được thành tích cao hơn.
Loại 3: Gia đình có cha mẹ thường xuyên dành thời gian ở cạnh con
Những học sinh đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học có hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, môi trường sống khác nhau nhưng đều có một điểm chung, đó là không hề thiếu sự đồng hành của cha mẹ ở bên.
Việc con có thể trở thành học sinh giỏi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ thường xuyên dành thời gian ở bên cạnh con cái, dù là để định hướng, giúp đỡ, hay đơn giản chỉ là cổ vũ, động viên con đều sẽ giúp trẻ có thêm động lực, từ đó thành tích học tập sẽ được cải thiện.
Loại 4: Gia đình có cha mẹ mang đến ảnh hưởng tích cực cho con cái
Trong quá trình lớn lên của trẻ, nếu cha mẹ có thể luôn mang lại những ảnh hưởng tích cực cho con thì dưới sự tác động của cha mẹ, trẻ sẽ hình thành nhiều thói quen tốt, quan niệm đúng đắn..., từ đó góp phần giúp trẻ có được thái độ học tập tốt - thứ sẽ trực tiếp khiến con đường trở thành học sinh giỏi của trẻ dễ dàng hơn.
Loại 5: Gia đình có không khí hòa thuận, thân thiện
Nếu phải sống trong một môi trường đầy rẫy những yếu tố tiêu cực như bạo lực, cãi vã, dối lừa, bị phủ định... một thời gian dài thì đứa trẻ sẽ trở nên rất lạc lõng và tiêu cực, điều này khiến trẻ khó cải thiện thành tích của trẻ. Suy cho cùng, trong ấn tượng của trẻ, gia đình là nơi mà trẻ không được làm cái này, không được làm cái kia hoặc làm cái gì cũng không được công nhận.
Ngược lại, sống trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc sẽ giúp tâm trạng của trẻ trở nên tích cực, vui vẻ. Việc học theo đó mà tràn đầy niềm vui, điểm số tự nhiên sẽ tốt lên.
Bởi vậy nên, môi trường gia đình hạnh phúc, yên bình thực sự quan trọng đối với việc học tập của trẻ, thậm chí còn liên quan đến tư duy, sức khỏe thể chất và triển vọng phát triển của trẻ.
Kết
Tương lai của đứa trẻ được ẩn giấu chính trong sự giáo dục của gia đình. Đừng suốt ngày ngưỡng mộ "con nhà người ta" nữa, năng khiếu hay trí thông minh bẩm sinh chỉ mang tính ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ thôi, còn sự định hướng, giáo dục từ gia đình mới là yếu tố đóng vai trò quyết định.
Muốn con trở thành học sinh giỏi và là niềm tự hào của tất cả, vậy cha mẹ cần phải tạo cho con một môi trường gia đình tốt, ấm áp, tràn đầy năng lượng tích cực.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.