*Theo chia sẻ của bà Sophia Ankel- tiến sĩ báo chí đại học London*
Mẹ tôi thích ngồi trên ghế sô pha với đôi chân vắt chéo, mục kỉnh trên mũi và tay thì lướt lướt chiếc iPhone. Tôi không biết mẹ đang bình luận về album ảnh của một người bạn, chơi Candy Crush hay Like một đống ảnh meme và chó mèo ngốc nghếch; nhưng đây không phải lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như thế. Bố tôi thì chúi mũi vào những mục tin tức trên mạng, vừa đọc vừa lầm rầm bình phẩm bằng vẻ hết sức nghiêm túc và chăm chú. Và dù bố mẹ chẳng thừa nhận điều đó, nhưng tôi biết rõ ràng rằng: cả bố và mẹ đều nghiện điện thoại y như tôi vậy.
Trong suốt quá trình trưởng thành, tôi luôn bị nhắc nhở rằng người trẻ chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi công nghệ. Chúng tôi là những kẻ “anti-social” đáng thương thích nhắn tin cho người bạn ngồi ngay cạnh hơn là ngẩng đầu lên và nói chuyện trực tiếp với nhau. Chúng tôi là những “Công dân số”, những kẻ hủy hoại ngôn ngữ mẹ đẻ bằng hàng loạt tiếng lóng, teen code, dùng emoji và sticker thay vì trình bày bằng chữ viết… Chúng tôi là “Thế hệ câm”, không thể chịu được các cuộc điện thoại bởi vì dường như việc nghe giọng ai đó và gọi tên ai đó một cách hữu thanh là điều quá kinh khủng. Và mặc dù tôi có thể nhìn thấy chính bản thân mình trong các nghiên cứu không có hồi kết về chứng nghiện điện thoại và mạng xã hội, thì cũng đã đến lúc chúng ta cũng nhìn ra một sự thật khác: Không chỉ người trẻ mới đang trở thành những “Zombies công nghệ”.
Có sự gia tăng của các “Bà mẹ Instagram” - những người thích đăng hàng đống những tấm ảnh của các em bé dễ thương nhằm chia sẻ (một cách thái quá) lối sống và những cảm xúc trong suốt quá trình làm mẹ. Hoặc có thể dễ thấy là số người trên 55 tuổi bắt đầu sử dụng và quản lý Facebook cũng đang dần tăng lên. Họ được gọi là nhóm “Facebook Mum Generation” - Những phụ huynh Facebook đang dần phát triển và thậm chí còn vượt qua cả đám trẻ về độ “chịu chơi” và nhiệt tình. Trong khi thế hệ trẻ đang ngày càng rời bỏ Facebook bởi sự hỗn tạp của tin tức giả mạo, thông tin sai lệch, video nhảm và meme vô nghĩa thì những bậc cha mẹ mới được tiếp cận với mạng xã hội lại xem đây như một cách để theo kịp với đời sống xã hội của bạn bè và những người xung quanh, hoặc đôi khi là theo nghịch lý của bố mẹ: “Để xem cái đám nít ranh làm gì trên đó mà không thèm gọi về hỏi thăm bố mẹ”. Và dù bố mẹ đến với “bữa tiệc” mạng xã hội có hơi muộn một chút, thì cánh cổng vẫn luôn rộng mở đón chào và Facebook vẫn mong đợi sự tăng trưởng lớn nhất của những người dùng trên 55 tuổi (Dự kiến hơn 500.000 tài khoản sẽ được tăng thêm trong năm nay).
Và mặc dù chuyện cha mẹ chúng ta dùng mạng xã hội thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả, thậm chí cũng rất tiện lợi và thú vị đấy chứ, nhưng một số nghiên cứu mới đây cho thấy mức độ nghiện công nghệ của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của con cái họ. Theo nghiên cứu, 40% các bà mẹ và 32% những người cha đã thừa nhận có một số dấu hiệu của chứng nghiện điện thoại. Điều này đã dẫn đến một sự sụt giảm đáng kể trong việc tương tác bằng lời nói trong gia đình và thậm chí một sự suy giảm trong việc khuyến khích con cái của họ. "Technoference" là thuật ngữ được sử dụng ở đây để mô tả xu hướng ngày càng tăng của việc mọi người thay vì dành sự chú ý cho những người và những việc thực tế xung quanh thì lại tập trung vào kiểm tra điện thoại - một thứ dường như đã ăn sâu vào những mối quan hệ bạn bè vè và bây giờ là cả gia đình nữa. Và trong cuộc sống gia đình, có thể thấy rằng không chỉ thanh thiếu niên và trẻ em mới dán mắt vào điện thoại hoặc máy tính bảng, mà còn cả những bậc cha mẹ nữa - những người cũng đang tham gia vào thú vui “anti-social”. Thực trạng này sẽ để lại những hậu quả như thế nào nếu chúng ta không có cách nhìn nhận hợp lý? Và tại sao chúng ta không nhận ra nó ngay từ đầu, khi tất cả các dấu hiệu ở đó?
Không thể phủ nhận rằng tôi cảm thấy khó chịu khi nhận được những dòng comment “nghiêm túc” của bố mẹ dưới mỗi dòng trạng thái “so deep” (một cách giả dối) của tôi, hay lời góp ý một cách “người lớn” dưới mỗi bức ảnh tôi đăng lên Facebook, trong khi mọi chuyện thật ra chẳng có gì nghiêm trọng đến mức ấy. Nhưng việc thấy cha mẹ mình vui vẻ với những trò chơi vô thưởng vô phạt, đôi ba sự chia sẻ và quan tâm giữa những người thân trong gia đình trên mạng xã hội cũng không còn là điều gì đó quá to tát hay kỳ quặc nữa. Tuy thế, chúng ta - những đứa trẻ của cha mẹ - biết mạng xã hội và điện thoại thông minh có thể gây nghiện đến mức nào và thật khó khăn để dần từ bỏ chúng ra sao. Vậy nên, trước khi cha mẹ yêu cầu con của họ “Bỏ cái điện thoại xuống và làm gì có ích hơn đi”, hay nói về những tác hại ảnh hưởng này kia, xin hãy một lần xem lại cách chính mình sử dụng mạng xã hội cũng như cách điều này ảnh hưởng như thế nào đến cách nuôi dạy con cái và mối quan hệ trong gia đình.
Theo The Guardian
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.