Những ngày này, trong khi hầu hết trẻ nghỉ học ở nhà quá lâu đã quá cuồng chân mà chẳng thể ra ngoài chơi thì hai bé Anh Khôi (hơn 4 tuổi) và Khôi Nguyên (20 tháng tuổi) - con trai chị Diệu Thùy - anh Anh Tùng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn có một "công viên thu nhỏ" ngay trong nhà mình để thỏa sức vận động. Bởi lẽ, 2 anh em sở hữu gia tài "siêu to khổng lồ" với cầu trượt, xích đu, nhà riêng và vô số trò chơi khác trong nhà. Điều đặc biệt là tất cả đồ chơi này đều do vợ chồng chị Diệu Thùy tự tay làm cho con.
Trong số những món đồ chơi vận động trong nhà của 2 bé, ấn tượng nhất phải kể đến chiếc cầu trượt khá lớn và chắc chắn mà theo chia sẻ của chị Thùy "nó rất vạn năng, siêu đặc biệt, chỉ có 1 mà thôi bởi nó do bố và mẹ đã tâm huyết làm ra". Chiếc cầu trượt tại gia này không chỉ là chỗ vui chơi cho 2 anh em Tôm Tép (tên thường gọi ở nhà của hai bé), mà còn thu hút nhiều bạn bè, hàng xóm của hai anh em đến chơi.
Chị Diệu Thùy tiết lộ, chiếc cầu trượt "0 đồng" được làm từ 75 hộp sữa và bìa các tông, đây là địa điểm chơi yêu thích của Tôm Tép trong nhà.
Chia sẻ về ý tưởng làm cầu trượt cho con, bà mẹ hai con kể: "Một lần con nói 'Mẹ ơi mẹ mua cầu trượt cho con đi, con thích chơi cầu trượt', thế là ý tưởng tự làm cầu trượt lóe lên trong đầu mình. Theo tìm hiểu, mình được biết hộp sữa rất chắc và bền nên mình lên mạng tham khảo cách làm rồi lên kế hoạch tự làm".
Vì hai bé Tôm Tép đều uống sữa mẹ nên toàn bộ số hộp sữa để làm cầu trượt, chị Thùy đã phải đi xin từ các nhà trong khu chung cư mà chị sinh sống. "Ban đầu, mình định làm theo các video hướng dẫn trên youtube nhưng khi dựng lên, thấy nhỏ quá, các bé chơi sẽ không đã nên vợ chồng mình quyết định gom thật nhiều hộp sữa rồi làm. Mình thường tranh thủ lúc nghỉ trưa hay buổi tối để đi xin hộp sữa".
Sau khi đã gom được khoảng 70 chiếc hộp sữa cùng bìa các tông, vợ chồng chị Thùy tiến hành làm cầu trượt. Cách làm cầu trượt cụ thể như sau:
- Việc đầu tiên là cố định các hộp với nhau bằng băng dính cho thật chắc chắn.
- Xếp các hộp sữa đã cố định lại theo hình bậc thang.
- Bìa các tông mỏng, nhỏ như bìa thùng mì tôm, thùng đựng giấy, thùng sữa dùng để lót vào khe các hộp sữa tạo thành hình bậc thang vuông vắn.
- Dùng bìa các tông dán xung quanh, lưu ý làm máng trượt nên dùng một tấm bìa các tông to và chắc chắn để lúc trượt sẽ trơn hơn.
- Dán giấy trang trí bên ngoài cho đẹp.
Chị Thùy tâm sự: "Mặc dù chiếc cầu trượt không được lung linh như trên mạng như rất chắc chắn và bền, điều quan trọng là các con vô cùng hào hứng khi có thể chơi các trò chơi vận động ngay tại nhà mà trước đây chỉ đi công viên mới được chơi".
Hai bé Tôm Tép say mê chiếc cầu trượt vạn năng do bố mẹ tự làm.
Ngoài cầu trượt, vợ chồng chị Thùy còn tự làm cho con xích đu từ lốp ô tô bỏ đi, ngôi nhà riêng 2 gian bằng bìa các tông với đầy đủ điện, quạt và chỗ ngủ và vô số đồ chơi từ vật liệu tái chế khác như bộ đồ câu cá, đồ chơi thả bi lăn... Bà mẹ 2 con nhắn nhủ các mẹ chỉ cần 1 chút kiên nhẫn là có thể tự làm đồ chơi cho con, vừa tiết kiệm chi phí lại an toàn.
Chiếc xích đu được gắn lên xà đu chắc chắn cho 2 anh em tha hồ chơi.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.