Giữ học sinh ở trường cả ngày lẫn đêm
Nước lũ tràn về, nhiều gia đình người dân ở thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức bị ngập sâu trong nước. Lo học sinh ở nhà không an toàn, Trường tiểu học Hợp Thanh B kêu gọi phụ huynh đưa con đến trường ở nội trú.
Bà Nguyễn Thị Như Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi bão số 3 vừa đi qua, nhà trường huy động giáo viên, nhân viên đến dọn dẹp chuẩn bị đón học sinh quay lại trường học tập thì hay tin nhà một số học sinh bị ngập. Đến hôm sau, mưa to, nước tràn vào nhiều nhà dân ở thôn Phú Hiền, có nhà ngập tận cổ trong khi trường học may mắn ở vùng khô ráo.
Lo học sinh ở nhà không an toàn, trường thống nhất tổ chức đón các em quay lại trường ăn ở bán trú. Đến ngày 12/9, toàn trường có nhiều học sinh được phụ huynh đưa đến gửi thầy cô chăm sóc.
“Giáo viên, nhân viên lập tức đi mua lương thực, thực phẩm, bát đũa về nấu nướng hơn 100 suất ăn để phục vụ học sinh . Chỗ ngủ cũng được dọn gọn gàng, đủ chăn đệm đảm bảo sức khoẻ cho học sinh. Các thầy cô giáo trẻ cũng tình nguyện ở lại trường qua đêm để chăm sóc và trông học sinh ngủ”, bà Hoa nói.
Nhờ sự chăm lo tận tình chu đáo của thầy cô nên dù trong những ngày nhà cửa tứ bề là nước lũ, những đứa trẻ ở Trường tiểu học Hợp Thanh B vẫn có bữa cơm ngon, chăn ấm, đệm êm. Sau giờ học, các em tắm rửa tại trường. Cô giáo hiệu trưởng gom quần áo học sinh về nhà giặt sấy để hôm sau đưa đến trường cho các em kịp thay. Vì nhà học sinh ngập nước, đến cái ăn còn khó xoay xở huống gì những cái khác.
Trong những ngày tới, nếu nước lũ tiếp tục lên cao, nhà trường vận động phụ huynh gửi con đến trường để “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, học tại chỗ, phục vụ tại chỗ), trước mắt là nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Chuyển hàng trăm bộ bàn ghế
Cả tuần nay, thầy cô giáo Trường tiểu học Vạn Thái, huyện Ứng Hoà ( Hà Nội ) vất vả ngược xuôi, hết chạy bão lại chạy lụt. Bám trường lớp để dọn dẹp, kiểm tra chỗ này, nơi nọ, nhiều hôm 9-10 giờ đêm thầy cô mới rời khỏi trường.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Thái, huyện Ứng Hoà chia sẻ, sáng 10/9, mưa lớn kéo dài khiến điểm trường lẻ của trường tại thôn Thái Bình chìm sâu trong nước. Thầy cô giáo cùng phụ huynh chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị dạy học lên tầng 2 để đảm bảo an toàn.
Đối với hơn 300 học sinh ở điểm trường lẻ, ban đầu trường lên phương án chuyển dạy học trực tuyến nhưng không khả thi vì không có đủ thiết bị, đường truyền, chưa kể nước ngập có thể mất điện.
“Thầy cô giáo lại phải cấp tốc chuyển hàng trăm bộ bàn ghế, bảng, đồ dùng dạy học từ điểm trường lẻ về trường chính cách chừng 2 cây số. Nhà trường mượn thêm phòng học ở trường mầm non đồng thời bổ sung các trang thiết bị cần thiết như bàn ghế, quạt, điện, đèn, máy bơm… để bảo đảm học sinh có chỗ học với đầy đủ chỗ ngồi, ánh sáng để đảm bảo đủ 12 phòng học cho các em học trực tiếp.
“Chục năm nay đây là lần đầu tiên học sinh phải “chạy lũ” và đi học nhờ. Sau lũ, điều tôi lo lắng là môi trường ô nhiễm. Hệ thống điện ngấm nước sẽ bị rò rỉ, chập cháy ”, ông Thịnh nói.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, sau bão số 3, đến nay thành phố vẫn còn nhiều trường học ngập sâu trong nước, 236 trường phải tạm dừng dạy học trực tiếp, nhiều trường chuyển sang dạy trực tuyến.
Đoàn công tác của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã đến thăm, động viên và tặng quà những phần quà thiết thực cho thầy trò các trường chịu ảnh hưởng của bão lũ tại quận Hoàn Kiếm, huyện Ứng Hoà và huyện Mỹ Đức: áo phao, khăn mặt, bánh kẹo, đồ dùng, sách giáo khoa, vở viết…
Tại quận Hoàn Kiếm, Sở GD&ĐT chia sẻ, động viên với người dân, thầy cô giáo, học sinh có nhà bị ngập đang tạm trú tại trường.
Tại huyện Mỹ Đức, đoàn công tác trực tiếp thăm, tặng quà học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Hợp Thanh B; đồng thời gửi quà tặng và lời thăm hỏi, động viên đến thầy trò 3 trường cũng đang chịu cảnh úng ngập, gồm: Mầm non An Phú B, Tiểu học An Phú, Mầm non Hợp Thanh.
Tại huyện Ứng Hoà, đoàn công tác đến thăm, tặng quà học sinh và thầy cô Trường Tiểu học Vạn Thái.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên nỗ lực, khắc phục khó khăn, bảo đảm an toàn, cố gắng vươn lên hoàn cảnh khó khăn do thiên tai bão lũ để cùng nhau dạy tốt, học tốt. Trong điều kiện thực tế phù hợp, các trường linh hoạt dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc giao bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch vệ sinh môi trường, rà soát điều kiện vật chất, đặc biệt chú ý kiểm tra cây xanh, đường điện bảo đảm điều kiện tốt nhất, an toàn nhất đón học sinh trở lại trường sau khi lũ rút.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.