Hà Nội nên bỏ "đếm" ca Covid-19 mỗi ngày, hơn 400 bệnh nhân nặng và nguy kịch

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có hơn 400 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Cộng dồn số ca tử vong trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 224 người.

Hơn 400 ca Covid-19 nặng và nguy kịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 8/1 ghi nhận kỷ lục 2.791 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp thành phố vượt 2.000 ca mắc, sắp chạm mốc trong kịch bản cuối năm 3.000 ca nhiễm mỗi ngày. Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4), thành phố có tổng 68.147 ca.

Các quận, huyện "dẫn đầu" về số ca mắc gồm: Hoàng Mai (6.563), Đống Đa (6.077) và Hai Bà Trưng (4.240).

Về công tác điều trị, hiện Hà Nội có 40.736 F0 đang được điều trị, trong đó:

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: 123 ca.

- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 215 ca.

- Các bệnh viện của thành phố: 2.696 ca.

- Các cơ sở thu dung điều trị thành phố: 1.321 ca.

- Các cơ sở thu dung quận/huyện: 5.415 ca.

- Theo dõi cách ly tại nhà: 31.304 ca.

Trong ngày 7/1, Hà Nội ghi nhận 13 ca tử vong do Covid-19, cộng dồn số ca tử vong trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 224 người.

Hà Nội nên bỏ đếm ca Covid-19 mỗi ngày, hơn 400 bệnh nhân nặng và nguy kịch - Ảnh 1.

Tình hình dịch Covid-19 tại cộng đồng ở Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (Ảnh: CDC Hà Nội)

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.842 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ và không triệu chứng; 1.767 ca ở mức độ trung bình; 408 ca ở mức nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 336 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 26 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 6 trường hợp thở máy không xâm lấn; 38 trường hợp thở máy xâm lấn; 2 trường hợp phải lọc máu.

Hà Nội nên bỏ "đếm" ca Covid-19

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện trở nên căng thẳng hơn, số lượng F0 ngày càng gia tăng. Đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine, tỉ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Tuy nhiên, khi số lượng F0 nhiều thì bệnh nhân nặng nhiều theo.

Mỗi ngày, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội tiếp nhận 20 - 30 F0 trong tình trạng nặng. Đến nay, bệnh viện có gần 200 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số này, 40-60 người phải thở máy.

"Đa số bệnh nhân nguy kịch chưa được tiêm vaccine, số ít chỉ mới tiêm 1 mũi. Họ đều lớn tuổi từ 80 - 90, hoặc sát 100, nhiều bệnh nền, càng điều trị càng nặng", bác sĩ Hải nói và khuyến cáo các cụ già nhiều bệnh nền nên được tiêm vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt.

Theo kế hoạch, nếu bệnh nhân gia tăng, cơ sở y tế này sẽ chuyển sang giai đoạn 3, tương ứng 500 giường điều trị, huy động đa số nhân lực phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Hà Nội nên bỏ "đếm" ca Covid-19 mỗi ngày, không nên tập trung truy vết và không làm đồng loạt nữa. Thay vào đó, thành phố nên tập trung vào các ca bệnh nặng và nguy kịch, để giảm tình trạng chuyển nặng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Hà Nội nên bỏ đếm ca Covid-19 mỗi ngày, hơn 400 bệnh nhân nặng và nguy kịch - Ảnh 2.

Phòng trung tâm điều phối bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội

Dự báo số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề. Bác sĩ Hải cho biết, bệnh viện đã có kế hoạch 1.500 nhân viên tham gia điều trị F0, trong đó có các y bác sĩ từ Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội và một số bệnh viện khu vực miền Bắc.

"Một bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp cứu đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy", bác sĩ Hải cho hay.

Nếu bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng sớm có thể cai thở máy sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, có bệnh nhân khi đã khỏi bệnh vẫn cần phục hồi chức năng hô hấp, vận động. Một số bệnh nhân tình trạng tinh thần không tốt trong thời gian dài thở máy sau thời kỳ dài phải nằm hồi sức cũng cần phải được phục hồi chức năng. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định thành lập đơn vị phục hồi chức năng.

"Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị 40 giường cho đơn vị này. Sắp tới chúng tôi ưu tiên bệnh nhân nằm trong viện đến hết giai đoạn hồi sức sẽ chuyển đơn vị đó và nhờ các chuyên gia phục hồi chức năng, hô hấp, tâm lý trị liệu. Như vậy bệnh viện sẽ giải phóng nhanh các khu vực hồi sức để có giường nhận bệnh nhân mới", Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội nói.

Hà Nội nên bỏ đếm ca Covid-19 mỗi ngày, hơn 400 bệnh nhân nặng và nguy kịch - Ảnh 3.

Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Hải lo ngại khi Việt Nam đang phải đối phó với chủng Delta, thì chủng Omicron cũng đã xuất hiện ở các ca nhập cảnh đã được cách ly. Theo bác sĩ, người dân không nên chủ quan.

"Một số ý kiến cho rằng có thể Omicron nhiễm nhanh đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn. Thực tế những người bệnh nền, cao tuổi khi nhiễm biến chủng sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân tăng sẽ gây quá tải ngành y tế", bác sĩ Hải thông tin.

Bác sĩ khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19, trong dịp Tết sắp tới, người dân nên sống chậm hơn, quây quần bên gia đình thay vì tham gia các hoạt động vui chơi.

"Mọi người hoàn toàn có thể có cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong chính gia đình mình. Để phòng tránh dịch, chúng ta có thể gọi điện chúc Tết và các cách chúc Tết từ xa thay vì tập trung tại khu vui chơi nào đó rất đông người. Chúng ta có thể khai thác hết khía cạnh tình cảm mà lâu nay bận rộn quá chưa để ý đến. Đây cũng là điều thú vị, mọi người nên tập trung về gia đình, gia đình là nơi quan trọng nhất, hoạt động như vậy sẽ giảm nguy cơ tăng nhiễm", PGS.TS Hoàng Bùi Hải chia sẻ.

 
  •  

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ha-noi-nen-bo-dem-ca-covid-19-moi-ngay-hon-400-benh-nhan-nang-va-nguy-kich-161220801202100717.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang