Hà Nội: Người dân làng Đường Lâm bức xúc vì giếng cổ bị đoàn phim tự ý tô vẽ, làm mới để lấy bối cảnh

Sau phản ánh của người dân về việc giếng cổ đình Mông Phụ (làng Đường Lâm) bị đoàn làm phim tô vẽ, chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng ngay việc quay phim và khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu.

Ngày 7/11, người dân làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội bức xúc khi phát hiện một đoàn làm phim tự ý tô màu, làm mới giếng cổ nổi tiếng ở đình Mông Phụ. Để xây dựng bối cảnh cổ xưa, các thành viên của đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát để tạo hình viên đá ong. 

Được biết, đình Mông Phụ được xây dựng năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800m2. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần; nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.

Sau phản ánh của dân làng, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để giải quyết vụ việc, yêu cầu dừng những hành vi xâm phạm di tích và trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng đình.

         

 

   

         

 

   

Giếng đình Mông Phụ bị đoàn làm phim tô, vẽ để dựng bối cảnh (Ảnh: FB)

Hà Nội: Người dân làng Đường Lâm bức xúc vì giếng cổ bị đoàn phim tự ý tô vẽ, làm mới để lấy bối cảnh - Ảnh 2.

Giếng đình Mông Phụ được chụp năm 2017 (Ảnh: Minh Nhân)

Hà Nội: Người dân làng Đường Lâm bức xúc vì giếng cổ bị đoàn phim tự ý tô vẽ, làm mới để lấy bối cảnh - Ảnh 3.

Hiện trạng giếng đình Mông Phụ sau khi được đoàn làm phim khắc phục

Trao đổi với chúng tôi chiều 8/11, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, đoàn làm phim đến làng cổ làm việc nhưng chưa xin phép Ban quản lý. Ngay khi phát hiện sự việc, BQL đã làm việc với đoàn làm phim, yêu cầu dừng quay phim và khắc phục hậu quả.

"Họ đã nhận lỗi vi phạm, cam kết khắc phục trong ngày 8/11. Nếu họ thông qua chúng tôi thì sẽ được hướng dẫn các biện pháp đúng quy định để không xâm hại tới di tích, thì có lẽ đã không xảy ra sự việc này", ông Thạo nói.

Đến chiều 8/11, đoàn làm phim đã dùng nước rửa đi lớp vôi vẽ trên thành giếng, tuy nhiên cũng đã vô tình "phủi bay" lớp rêu phong cổ kính lâu năm của di tích. Ngoài ra, giếng xuất hiện nhiều vết cọ rửa lem nhem, nguệch ngoạc. 

Ông Thạo cho biết, thời gian tới nếu tiếp tục đón các đoàn quay phim tới làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý, thậm chí sẽ cử cán bộ theo đoàn để giám sát, kịp thời nhắc nhở.

Ông Phan Văn Hòa, Chủ tịch xã Đường Lâm cho biết hiện chính quyền địa phương đang họp bàn xử lý sau vụ việc trên. 

Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, ngày 19/5/2006.

Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương cá.

Đình Mông Phụ là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống, được xây dựng năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800m2. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần; nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19.

Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang