Không lấy ý kiến phụ huynh
Từ năm học 2019-2020, Hà Nội bắt đầu chuyển sang phương án thi tuyển lớp 10 với 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư (sẽ bốc thăm bất kỳ trong các môn còn lại) sau 13 năm duy trì tuyển sinh bằng 2 môn Toán và Ngữ văn nhằm mục đích để học sinh học đều kiến thức các môn, có kiến thức nền tảng lên THPT.
Đến năm nay, các trường THCS vẫn chủ động dạy học, ôn tập chuẩn bị kiến thức, tinh thần cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi. Tuy nhiên, gần đây, nhiều phụ huynh có con học lớp 9, thi tuyển vào lớp 10 đồng loạt có ý kiến về việc Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4, giảm áp lực học tập cho học sinh.
Nhiều phụ huynh cho biết, con ôn thi quá căng thẳng, áp lực.
Phụ huynh có con từng thi tuyển lớp 10 Hà Nội chia sẻ, kỳ thi quá căng thẳng, áp lực đến nỗi con bị trầm cảm, có ý định cắt tay tự tử . "Cả ngày học ở trường, tối đến phải học thêm ở các trung tâm, con trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi. Kỳ thi vượt cấp mà quá áp lực, căng thẳng là không cần thiết", phụ huynh này nói.
Hôm qua, UBND TP Hà Nội đã lấy ý kiến các nhà giáo về việc nên tổ chức thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong thời gian một ngày.
Trước đó, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở GD&ĐT đã trình phương án và dự kiến trong tuần này sẽ phê duyệt để phụ huynh, học sinh được biết, yên tâm học tập. Nhiều phụ huynh băn khoăn, tại sao Hà Nội chỉ lấy ý kiến đội ngũ nhà giáo mà không lấy ý kiến phụ huynh, học sinh?
Anh Trần Đức Liêm, có con học THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, trên diễn đàn, phụ huynh kêu gọi nhau vào chọn phương án thi 3 môn, anh cũng vào bình chọn nhưng mạng bị treo không thể truy cập. Liên hệ với nhà trường anh mới biết, Hà Nội chỉ lấy ý kiến nhà giáo.
"Học sinh, phụ huynh mới là đối tượng chịu áp lực, mệt mỏi từ chính kỳ thi mang lại. Từ đầu năm học đến nay, vợ chồng phải gác lại nhiều công việc để đưa đón con đi học thêm. Lắm hôm tan làm, vội vã đón con từ trường đến 2 điểm học thêm đến 10 giờ đêm hai bố con mới về đến nhà. Mâm cơm nguội lạnh nhưng đành động viên con cố nuốt để có sức ngày mai tiếp tục đến lớp", anh Liêm nói.
Tạo áp lực không cần thiết
Thầy Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm nói rằng, các địa phương chỉ thi 2, 3 môn tuyển sinh lớp 10, Hà Nội cũng nên tổ chức như vậy. Bởi vì ở bậc THPT đã thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh lựa chọn môn học theo năng lực, định hướng nghề nghiệp do đó bài thi thứ 4 không còn ý nghĩa, trái lại nó gây áp lực không cần thiết cho học sinh, phụ huynh.
"Có năm còn thi môn Giáo dục công dân, học sinh đạt điểm 9, 10 tràn lan… trong khi suốt cả năm học bị đè nặng bởi áp lực phải học 6 môn là không cần thiết", ông Đặng Quốc Thống nói.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, người từ đầu có quan điểm nên bỏ môn thi thứ 4 bởi vì chương trình GDPT, định hướng nghề nghiệp không cần thiết bắt buộc học sinh phải học tất cả các môn.
Phụ huynh cũng căng thẳng, áp lực theo con.
Theo thầy Khang, trong vấn đề "nóng" được phụ huynh, học sinh quan tâm nhiều như hiện nay, một số đơn vị báo chí đã cũng tạo bình chọn, thăm dò ý kiến phụ huynh, giáo viên, học sinh cho thấy, có hơn 90% đồng tình phương án tổ chức thi 3 môn. "Việc Hà Nội lấy ý kiến nhà giáo về phương án thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 (bốc thăm) là động thái tích cực. Kết quả khảo sát của UBND TP chưa rõ nhưng tôi tin chắc không thể ngược với kết quả của nhiều báo đã khảo sát những ngày qua", thầy Khang nói.
Thầy Khang khuyên, phụ huynh có con thi tuyển lớp 10 năm nay cần hỗ trợ tinh thần, sức khoẻ cho con học tập, không nên lao vào luyện thi quá sức, gây áp lực sẽ không đạt hiệu quả.
Trao đổi với PV, TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, trước đây, địa phương từng có phương án thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp (kiến thức nhiều môn như Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Tuy nhiên, sau đó Sở GD&ĐT thay đổi phương án chỉ tổ chức thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ nhằm giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh.
"Tất cả các môn học cơ bản đều được dạy học trong trường THCS, không lo chuyện cắt xén chương trình hay học sinh bỏ bê kiến thức. Những em học tốt, có ý thức học tập sẽ thi vượt cấp vào THPT, những em không đủ năng lực hoặc định hướng học nghề sẽ chuyển hướng học nghề", Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành nói.
Cũng theo ông Thành, tại Nghệ An từ đầu năm học Sở GD&ĐT đã có phương án thi trình UBND tỉnh và các nhà trường đều biết kỳ thi sẽ tổ chức 3 môn để dạy, ôn tập cho học sinh. Đến sát kỳ thi, Sở GD&ĐT sẽ có thêm hướng dẫn cụ thể để học sinh, phụ huynh được biết.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.