Mới đây, trong cửa hàng McDonald's ở Hồng Kông có một cặp cha con cùng tổ chức sinh nhật. Hình ảnh này đã được một vị khách chụp lại rồi đăng tải trên mạng xã hội vì cảm động.
Hai bố con mừng sinh nhật trong McDonald's bị xem là nghèo khổ
Trên bàn có chiếc bánh kem dâu tây nhỏ, cắm nhiều nến. Cậu bé nhắm mắt, chắp hai tay cầu nguyện. Ông bố ngồi đối diện dùng điện thoại quay lại khoảnh khắc mừng tuổi mới của con trai.
Một cảnh ý nghĩa và ấm áp như vậy, thế nhưng trong phần bình luận lại cho rằng đây là bữa tiệc sinh nhật “nghèo khổ”.
“Sinh nhật mà đưa con tổ chức ở McDonald's? Hồng Kông cũng có chuyện thảm thương như vậy hả?”.
“Bánh kem quá nhỏ, thà rằng khỏi tổ chức luôn còn hơn. Thế giới của đứa trẻ này quá nhỏ bé, sau này sẽ khó phát triển. Ông bố này muốn con trai kế thừa sự hạn hẹp và nghèo khổ của mình đúng không? Thế giới của anh chỉ có thể đạp chiếc xe cũ kỹ chạy quanh cái xóm nhỏ. Nếu không thể cho con cuộc sống tốt nhất thì đừng sinh nó ra”.
Tại sao chỉ là một bức hình đơn giản mà lại có người suy diễn ra cả một câu chuyện như thể đi guốc trong bụng như vậy?
Những người này nghĩ rằng ông bố kia nghèo khổ, cho con ăn “thực phẩm rác” để mừng sinh nhật. Bánh kem quá nhỏ là biểu hiện của cuộc sống cơ cực và bất lực của cha mẹ?
Tuy nhiên, nhóm người bình luận với nội dung “thượng đẳng” này không hề biết rằng: Cuộc sống mà họ đang khinh thường kia có lẽ đã là sự cố gắng cả đời của rất nhiều người.
Ông bố ăn mặc giản dị trong bức hình đã cố hết sức tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho con. Vì điều kiện kinh tế không cho phép và cũng có thể anh muốn bữa tiệc đơn giản hết mức thì sao?
Cũng giống như một bài phỏng vấn được chiếu trên đài truyền hình Trung Quốc gần đây. Phóng viên phỏng vấn một người mẹ đơn thân sống ở vùng cao. Trong căn nhà nhỏ u tối, rèm cửa sổ rách nát, hai em nhỏ ngồi trên tấm chăn cũ, mỗi đứa bưng bát mì trên tay.
Phóng viên hỏi: “Không thể cho con nhỏ ăn thứ này được”.
Người mẹ đáp: “Không ăn thường xuyên. Hôm nay là sinh nhật của con. Nó muốn ăn mì từ lâu rồi”.
Chúng ta thường có thói quen nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt hạn hẹp và áp đặt. Quá quen với đô thị phồn hoa thì ngộ nhận rằng ai cũng giống mình, cũng sở hữu điều kiện cuộc sống đủ đầy, vượt trội.
Nhưng trên thực tế, trong những góc nhỏ thành thị bạn chẳng nhìn thấy kia, có rất nhiều mảnh đời đang cố gắng sinh tồn, vật lộn để được sống.
“Người có kiến thức không chỉ nhìn thấy sự phồn hoa và thượng lưu, mà còn nên nhìn thấy cái nghèo khổ và hạ cấp trong thế giới này. Nếu như chưa thể nhìn thấy cái sau, bạn cũng chỉ là kẻ không có kiến thức”.
Trước khi đánh giá bất kỳ ai, xin hãy thấu hiểu một điều: Có nhiều người, chỉ sống thôi cũng đã là sự cố gắng đến sức cùng lực kiệt.
"Nếu không thể đồng cảm thì đừng buông lời cay đắng"
Mới đây, một tin tức đã chiếm sóng bảng tìm kiếm “nóng” của nền tảng Weibo:
Ở quận Triều Dương thuộc thành phố Bắc Kinh, một vị phụ huynh tốn 2 triệu NDT (gần 6,9 tỷ đồng) mua cho con bộ sưu tập thẻ bài siêu nhân Ultraman nhưng vẫn không gom đủ bộ.
Đây chính là một hiện tượng trong giới học sinh tiểu học thượng lưu ở một số thành phố lớn của Trung Quốc. Ai sở hữu thẻ bài Ultraman quý hiếm thì sẽ được người khác ngưỡng mộ.
Nhờ vào những tấm thẻ này, một đứa trẻ sẽ có nhiều bạn bè hơn. Vì thế nhiều phụ huynh không ngại chi số tiền lớn chỉ để con cái vui vẻ, dễ dàng hòa nhập cùng chúng bạn.
Bố mẹ thật sự vĩ đại đúng không?
Nhưng, trên thế giới này, nếu bạn có thể ngưỡng mộ sự giàu có của một người thì cũng phải biết thấu hiểu cho sự khổ tâm của người nghèo.
Đối với nhiều bậc cha mẹ nghèo khổ, họ cho con không phải là những thứ tốt nhất, nhưng cũng là tất cả của họ.
Bạn có thấy người phụ nữ trung niên qua đời sau quá trình rượt đuổi một vị khách mua hoa không trả tiền dưới cái nắng 40 độ không? 30 NDT (hơn 100 nghìn đồng) đối với bạn chẳng đáng bao nhiêu, nhưng với nhiều người, đó là toàn bộ mồ hôi nước mắt của một ngày vất vả.
Bạn có thấy anh thanh niên đang làm việc, treo lơ lửng ngoài lầu cao thì bị chủ nhà bên trong tạt nước 16 lần không? Thậm chí bà ta còn dùng vá xới cơm dài chọc vào người, trong khi anh đang mắc kẹt tình thế không thể chống trả. Nguyên nhân tạt nước là vì bà không muốn thợ tháo đường dẫn khí đốt xuống sửa chữa.
Tại sao người phụ nữ kia lại nhẫn tâm giày vò anh thanh niên đang làm việc theo trách nhiệm được giao như vậy?
Dù rằng trên đời này chẳng có sự đồng cảm thật sự, nhưng nếu không biết thấu hiểu thì đừng nên buông lời cay đắng. Bạn chẳng thể nào biết được người khác đã trải qua những gì. Đừng tưởng rằng bản thân sống trong nhung lụa thì người khác cũng may mắn như vậy.
Làm người, hãy sống thông minh. Người thông minh sẽ không mỉa mai cuộc sống của người khác trong khi họ đang rất cố gắng để thay đổi số mệnh. Bạn chưa từng nghèo khó thì chẳng thể nào hiểu được.
(Nguồn: Zhihu)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.