Hành trình "đi qua sinh tử"
"Đi qua sinh tử, tôi mới thấy yêu mến đời thường"!
Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Hồng Điệp (SN 1978, sống tại TP.HCM). Sau 22 ngày chiến đấu với COVID-19, anh Điệp đã có kết quả âm tính và được ra viện. Là chủ của một công ty chuyên về thiết kế và xây dựng, đã lăn lộn trên thương trường rất nhiều nhưng với anh những ngày dài nằm viện điều trị là thử thách lớn nhất, khó khăn nhất mà anh từng trải qua.
Anh Nguyễn Hồng Điệp.
Anh Điệp là một người có bệnh nền viêm gan B đã điều trị ổn định, xơ gan F3. Anh kể, ngày 12/7 anh có ra ngoài mua trái cây, đây có thể là nguyên nhân khiến anh mắc bệnh.
Ngày 22/7, anh Điệp bắt đầu sốt 37,7 độ C. Anh đến Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh để kiểm tra thì phát hiện mình đã dương tính với COVID-19. Ngay sau đó, anh được y tế phường đưa đi cách ly tại Trường Tiểu Học Hà Huy Tập. Chiều ngày hôm đó, anh được làm xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, 7 ngày sau PCR lại dương tính, đo nồng độ virus thấp nên anh được bác sĩ cho về nhà cách ly và chăm sóc.
"Một ngày sau khi về nhà tôi sốt cao, tôi báo y tế phường rồi xin ở nhà nhưng họ không đồng ý, kiên quyết bảo đi. Nhưng điều đó đã cứu sống tôi, bởi đêm đó tôi sốt cao hơn, chỉ số oxy trong máu Sp02 xuống 77 phải thở oxy gấp, bác sĩ nói nếu tôi ở nhà là gục đi rồi", anh Điệp kể lại.
Trong những ngày nằm viện, anh Điệp đã sốt 12 ngày liên tục, mất ngủ 1 tuần liền.
"Tôi bị mất vị giác ăn gì cũng mặn đắng, ăn vào nôn ra, tiêu chảy, ho ra máu, ảnh hưởng cơ tim tức ngực, viêm phổi thở oxy, Sp02 luôn ở mức 80-88 gần 1 tuần, đi lại vệ sinh cũng khó khăn do hụt oxy, sút 5kg… rất kinh khủng", anh Điệp nói.
Nhớ lại quãng thời gian 22 ngày nằm viện, anh kể đó là "những ngày quên mất ngày tháng". Đã có lúc sợ không thể về nhà, lúc ấy chỉ tính viết lại lời trăn trối xin lỗi, nhờ mọi người quan tâm đến vợ và 2 con nhỏ.
"Tôi vẫn thấy mình may mắn vì có giường bệnh để nằm, có oxy để thở"
Đến giờ, anh Điệp vẫn nhớ mãi buổi sáng kinh hoàng nhất trong viện. Ngày hôm đó, anh thức dậy đi vệ sinh và bắt đầu cảm thấy khó thở. Khi quay lại giường, anh Điệp không còn đủ sức để vặn bình oxy, bệnh nhân cùng phòng hốt hoảng chạy đi tìm bác sĩ nhưng chẳng bao lâu sau anh Điệp cũng lơ mơ và bắt đầu mất ý thức.
Anh kể: "Khu tôi nằm có 4 tầng, tôi nặng nên được ở tầng trệt. Phòng đa năng nên có gần 50 bệnh nhân, đa số đều nặng. Nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì có giường bệnh để nằm, có oxy để thở".
Ở trong viện, hàng ngày bác sĩ sẽ thăm khám ít nhất 2 lần, ai nặng hơn thì sẽ thăm khám nhiều lần. Thuốc thì anh nhờ bác sĩ kê đơn, người nhà cũng gửi thêm vào.
Anh kể: "Ở khu bệnh viện dã chiến mọi người rất đùm bọc nhau. Nhưng đau thương nhiều lắm, tôi chứng kiến 2 người nằm cạnh trở nặng rồi ra đi. Có cặp vợ chồng vào cùng nhau rồi một người mất. Nhiều người vào nằm li bì 2,3 ngày rồi chuyển đi mất. Những cuộc chia ly không thấy mặt. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh. Mới thấy cuộc sống rất vô thường".
Những ngày nằm trong bệnh viện dã chiến là những ngày anh Điệp nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. "Có lúc đi không nổi, tôi mới ước gì có thể đổi được chiếc ô tô của mình cho ông kia để được đi lại khỏe mạnh như ông ấy. Mới thấy cuộc sống giàu sang không có ý nghĩa gì so với một cuộc sống bình yên bên cạnh gia đình".
"Em yêu anh, các con cần anh"
Nằm viện điều trị mà không có gia đình bên cạnh, nó đâu chỉ là nỗi đau về thể xác, mà còn là nỗi lo về tinh thần và cả những nỗi nhớ đâu thể đếm bằng lời. Đã có lúc tưởng chừng như gục ngã, nhưng thứ giúp anh vực dậy để chiến đấu với bệnh tật chính là gia đình.
Anh Điệp bảo, nguyên tắc quan trọng nhất để đấu tranh với COVID-19 chính là giữ ý chí và niềm tin. Những ngày anh nằm viện, vợ anh chẳng thể song hành, chỉ biết nhắn anh mỗi ngày câu nói: "Em yêu anh, các con cần anh". Mỗi lần nhận được tin nhắn này, anh lại có thêm sức mạnh để tiếp tục vượt qua và có niềm tin về ngày hội ngộ.
Bên cạnh yếu tố tinh thần thì dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Ông bố 2 con tâm sự, anh may mắn được ăn đồ nhà, ngoài ra còn uống nhiều nước ép, ăn nhiều trái cây... chính những thứ này đã cho anh năng lượng để hồi phục.
Dinh dưỡng những ngày nằm viện của anh Điệp.
"Tôi ăn rất chậm, thường ăn chỉ được 1/3 và ăn 1 tiếng mới xong. Nhưng ngày có 3 chai nước ép và nhiều trái cây nên bù lại năng lượng", anh Điệp kể.
Ngoài niềm tin đủ lớn và dinh dưỡng tốt, anh Điệp cho rằng các bác sĩ cũng chính là ân nhân giúp anh vượt qua bệnh tật. Anh muốn gửi vô vàn lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ, vì họ đã luôn cẩn thận chăm sóc người bệnh bất kể ngày đêm, mặc kệ nguy cơ mắc bệnh có thể xảy đến, không hề đòi hỏi hay than trách gì.
"Họ đã làm với hơn 200% sức lực. Thực tế chỗ tôi đã có bác sĩ nhiễm bệnh, nhưng họ là những người hùng, những thiên thần giữa đời thường".
Sau 22 ngày điều trị tại viện, ngày 12/8 vừa qua anh Điệp đã nhận kết quả PCR âm tính, đã có kháng thể nên được xuất viện về nhà. Anh đã chiến thắng trở về, toàn bộ gia đình anh cũng đã PCR âm tính, đã khỏi bệnh, bình an.
Sau khi về nhà, sức khỏe anh Điệp vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, tuy nhiên anh vẫn đang tiếp tục nghỉ ngơi, theo dõi theo đúng những gì bác sĩ yêu cầu.
Từng đi qua sinh tử vì COVID-19, anh Điệp muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng: "Hãy chích vaccine ngay nếu được, vaccine nào cũng được, đừng chần chừ vì đó là cách để cứu mình, cứu người".
Cùng chúc anh Điệp sớm hồi phục sức khỏe!
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/hanh-trinh-di-qua-sinh-tu-cua-nam-f0-tai-tphcm-tiet-lo-nguyen-tac-de-chien-thang-covid-19-va-nhung-su-that-khong-phai-ai-cung-biet-222021198122816235.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.