Hành trình tìm con gian nan: Mang bầu thai 3 với 6 lần lên bàn mổ nhưng chỉ 1 bé chào đời

(lamchame.vn) - Suốt 6 năm mong con yêu về cũng là 6 năm bà mẹ kiên cường này đã phải trải qua biết bao đớn đau về tinh thần lẫn sức khỏe mới có ngày được ôm con vào lòng.

Đó chính là câu chuyện tìm con đầy gian nan của vợ chồng anh Công và chị Tân ở Ba Vì, Hà Nội.

Theo chị Tân cho biết, sau rất nhiều năm tìm con không thành, vợ chồng chị quyết định đến bệnh viện. Trước khi quyết định đặt phôi tại đây, người vợ này đã phải trải qua 4 lần mổ để điều trị sinh sản ở các bệnh viện khác nhau. Cụ thể, năm 2015, chị Tân phải mổ ruột thừa. Năm 2016, chị mổ u nang buồng trứng. Năm 2016 chị tiếp tục phải mổ xử lý lại u nang buồng trứng. Năm 2019 người phụ nữ này mổ kẹp vòi trứng ứ dịch.

Sau khi đặt phôi, may mắn đã đến với cặp vợ chồng hiếm muộn. Khỏi phải nói, chị Tân vui mừng thế nào khi 6 năm trời lần đầu được nhìn thấy 2 vạch. Niềm vui của anh chị càng nhân đôi khi qua những kỳ siêu âm thấy 2 thiên thần đang lớn trong bụng mỗi ngày. Có lúc, chính bản thân chị Tân cứ nghĩ đã chạm tay được đến hạnh phúc trọn vẹn sau bao năm chạy chữa, sau bao nhiêu lần lên bàn mổ. Thế nhưng 1 lần nữa, số phận lại như muốn trêu đùa người phụ nữ khát khao được làm mẹ.

Theo chị Tân kể lại, khi mang thai ở tuần thứ 10 chị đi siêu âm thì bác sĩ phát hiện chị có thêm 1 thai nữa đang có tim thai. Thế nhưng thai lại không phải nằm trong tử cung như thai đôi kia mà lại nằm ngoài tử cung, ở kẽ vòi trứng.

Hành trình tìm con gian nan: Mang bầu thai 3 với 6 lần lên bàn mổ nhưng chỉ 1 bé chào đời - Ảnh 1.

Trải qua 6 lần mổ, 6 năm mong con, chị Tân hiểu và thấm đến nhường nào khát khao làm mẹ.

"Bao lần đi siêu âm trước đó không phát hiện ra có em bé thứ 3, đến tuần thứ 10 mới phát hiện bất thường ấy khiến chị suy sụp, tim đập nhanh và không dám tin điều đó là sự thật", chị Tân trải lòng.

Chị Tân được bác sĩ Hoàng Văn Khanh trực tiếp thăm khám và hội chẩn lại lần nữa. Bác sĩ quyết định giảm thiểu thai thứ 3 ở bên ngoài bởi e ngại nguy cơ vỡ tử cung.

"Chị vẫn hy vọng sẽ cố gắng giữ được 2 thai còn lại. Vì thế việc đầu tiên sau khi giảm thiểu 1 bé, chị đã khóc hỏi bác sĩ liệu còn giữ được 2 con không. Bác sĩ chỉ cười bảo ‘con em vẫn đấy, anh có làm gì đâu mà khóc’. Chị sợ không giữ được 2 con vì lúc đầu bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên giảm bớt 1 em bé nữa, chỉ giữ 1 thai cho an toàn", chị Tân kể.

Thế nhưng chuyện gì đến cũng đến, nằm được 2 ngày theo dõi tại viện, giữa đêm thai phụ này lại bất chợt bị đau bụng quằn quại, tụt huyết áp, mồ hôi đổ ra như tắm. Thì ra chỗ giảm thiểu em bé chửa kẽ tử cung bị vỡ, phải cấp cứu ngay sáng hôm sau.

"Lúc ấy mình đau quằn quại, tất cả mọi người trong phòng mổ thì gấp rút, các bác sĩ gọi nhau khẩn cấp để mổ gấp, cứu lấy mạng sống của mẹ. Tim mình như vỡ ra, giữ được tính mạng này mà không giữ được con thì cũng chẳng thiết nữa...

Và rồi sau khi từ cõi chết trở về, chị vẫn còn mơ hồ không biết mình sẽ ra sao sau khi mất cả 3 con thì nghe tiếng anh xã đưa cho cốc sữa bảo ‘Vợ cố uống cốc sữa lấy sức cho con trong bụng’. Trời ơi, câu nói của anh đã khiến mình khóc vì vui mừng. Vợ chồng vẫn còn hy vọng, chị vẫn giữ được 1 con trai trong bụng", bà mẹ này nhớ lại.

Cuối cùng dù chặng đường thai kỳ phía trước đầy khó khăn, nguy hiểm với vết mổ dài ở bụng 15cm chằng chịt vết khâu, nguy cơ lại vỡ tử cung bất cứ lúc nào, các bác sĩ cũng tiên lượng sẽ nguy hiểm, yêu cầu chị phải nhập khẩu luôn ở viện đến lúc đẻ thì thôi. Nhưng nhờ sự đồng hành suốt thai kỳ của các bác sĩ và nhờ tin vào phép màu mà cuối cùng 2 mẹ con chị Tân đã gặp nhau lúc 37 tuần 5 ngày.

"Phút bế con trên tay sau cuộc mổ đẻ mình mới thực sự tin là bản thân đã làm được. Trải qua 6  lần mổ với 6 năm mong con, mình hiểu và thấm đến nhường nào. Hạnh phúc không bao giờ là thứ miễn phí và dễ dàng có được, đôi khi phải trải qua vô vàn gian khổ mới chạm được vào nó. Vì thế các mẹ hiếm muộn đừng nản lòng, điều tuyệt vời nhất luôn chờ ở đoạn cuối. Vì khi đủ nghị lực, hạnh phúc sẽ nảy mầm", chị Tân chia sẻ.

Hành trình tìm con gian nan: Mang bầu thai 3 với 6 lần lên bàn mổ nhưng chỉ 1 bé chào đời - Ảnh 2.

Bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Khanh.

Theo bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Khanh, người trực tiếp điều trị và đồng hành cùng 2 mẹ con chị Tân trong suốt thai kỳ nhận định: Trường hợp của sản phụ Tân là 1 ca bệnh khó. Vì bệnh nhân bị chửa kẽ tử cung bị vỡ mà trong buồng tử cung vẫn còn 2 thai. Bởi thế, việc khâu lại đoạn kẽ vỡ và giữ thai tiếp cũng đã là một thử thách rất lớn với các bác sĩ chuyên khoa do nguy cơ vỡ tử cung trong thai kỳ rất cao.

Hơn nữa bệnh nhân vẫn còn 2 thai trong buồng tử cung nên giải pháp bắt buộc các bác sĩ phải đặt ra trong ca mổ là phải giảm thêm 1 thai nữa, chỉ để lại 1 thai duy nhất mới giúp em bé có cơ hội chào đời được cao hơn.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang