Hậu COVID-19 ở trẻ em, những điều cha mẹ cần biết

Hiểu hơn về các triệu chứng hậu COVID ở trẻ em, cách chăm sóc con trong quá trình hồi phục… rất quan trọng.

1. Nhiều cha mẹ lo lắng về tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em

Cháu Nguyễn Hoàng N. 11 tuổi ( Lê Chân, Hải Phòng) được test nhanh kết quả dương tính với virus SARS- CoV- 2. Cháu chỉ có triệu chứng rất nhẹ, hơi ngứa họng và ngạt mũi nhẹ. Trong thời gian nhiễm bệnh, cháu ăn ngủ tốt, không sốt, không ho, chỉ số Sp02 ở mức 98%. Sau khỏi bệnh khoảng 2 tuần, cháu có biểu hiện khó thở, nhức đầu.

Hậu COVID ở trẻ em, cha mẹ nên biết - Ảnh 2.

Kết quả chụp X-quang của cháu Nguyễn Hoàng N.

Lo ngại cháu bị triệu chứng hậu COVID-19, bố mẹ đưa cháu đi khám, kết quả xét nghiệm các chỉ số bình thường, kết quả chụp Xquang cho thấy hình tim bình thường, đậm hai rốn phổi và các nhánh phế huyết quản. Bác sĩ dặn dò về cho cháu súc họng thường xuyên, dùng bổ phế và tăng cường dinh dưỡng và theo dõi thêm. Bố mẹ cháu muốn chụp CT phổi nhưng bác sĩ nói chưa cần thiết. Theo dõi thêm vài ba tuần thấy con mình sức khỏe ổn định, không còn khó thở nên bố mẹ cháu yên tâm hơn.

Chị Ngọc L. chia sẻ trong nhóm hỗ trợ bệnh nhân COVID, bé nhà chị đã khỏi nhưng bị nổi một vài hạch ở 2 bên cổ khoảng chục ngày nay, chị băn khoăn lo lắng không biết xử lý như thế nào. Nhiều cha mẹ khác lo lắng khi thấy sau khi âm tính một thời gian nhưng con của họ vẫn ho nhiều, có bé bị nổi mụn, bong da, khó ngủ…

Ngược lại, có nhiều bé sau khi khỏi vẫn khỏe, ăn uống tốt và chơi bình thường nhưng bố mẹ nghe các thông tin về hậu COVID-19 nên rất lo lắng, hoang mang không biết có phải đưa con đi khám hậu COVID-19 không đã lên các hội nhóm, diễn đàn đặt câu hỏi...

Do đó, các bậc cha mẹ cần biết về các triệu chứng hậu COVID-19 để có cách chăm sóc con và xử lý đúng chứ không phải luôn ám ảnh, sợ hãi về hậu COVID-19 có thể khiến trẻ bị căng thẳng theo.

2. Các triệu chứng và tình trạng có thể ảnh hưởng đến trẻ em hậu COVID-19

Hậu COVID-19 ( COVID kéo dài) là một thuật ngữ chung bao hàm các triệu chứng sức khỏe thể chất và tinh thần mà một số bệnh nhân gặp phải sau 4 tuần hoặc nhiều hơn sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu đăng tải trên trang healthychildren, tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên được ghi nhận bao gồm các vấn đề:

Các vấn đề về hô hấp: Vì COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài không phải là hiếm. Chúng có thể bao gồm đau ngực, ho và khó thở hơn khi tập thể dục. Một số triệu chứng này có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết có thể cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.

Các vấn đề về tim mạch: Một nghiên cứu trên những bệnh nhân trưởng thành mới hồi phục sau COVID-19 cho thấy 60% trong số họ bị viêm cơ tim, bất kể các triệu chứng COVID-19 của họ nghiêm trọng như thế nào trong quá trình nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra tim, trước khi trở lại trường học hoặc các hoạt động thể thao.

Thay đổi vị giác, khứu giác: Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID thay đổi khứu giác và vị giác. Điều này có thể có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của họ, thậm chí khiến họ không nhận ra mùi nguy hiểm, ví dụ mùi cháy, khét... Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài quá lâu, bác sĩ sẽ kiểm tra hoặc hướng dẫn để phục hồi lại các giác quan này.

Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm hoi, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não). Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể trải qua những thay đổi nhỏ về sự chú ý, lời nói, bài làm ở trường, chuyển động và tâm trạng. Bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia phát triển thần kinh, chuyên gia trị liệu vật lý sẽ hỗ trợ trẻ trong thăm khám, điều trị.

Hậu COVID ở trẻ em, cha mẹ nên biết - Ảnh 3.
 

Mệt mỏi về tinh thần: "Sương mù não" - suy nghĩ, tập trung hoặc trí nhớ "mờ nhạt" cũng có thể gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng như đãng trí hơn hoặc khó chú ý, khó ghi nhớ... Hãy giúp con bạn ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Nếu tình trạng mệt mỏi về tinh thần hậu COVID-19 không cải thiện hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, khi đó nên đưa trẻ đi khám.

Thể chất mệt mỏi: Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra. Điều này thường được cải thiện theo thời gian. Bạn nên cho con tăng dần hoạt động thể chất từ từ. Nếu điều này không cải thiện các triệu chứng, hãy đến gặp bác sĩ.

Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa ăn đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể hữu ích. Nếu cơn đau đầu nhiều và kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc phòng ngừa.

Sức khỏe tâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đối với trẻ em mắc bệnh tâm thần / hành vi hiện có, các sự kiện xung quanh COVID-19 (nhập viện, cách ly, nghỉ học) cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Bác sĩ nhi khoa có thể kiểm tra con bạn để tìm các dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác, đồng thời tư vấn khi nào con bạn có thể cần được hỗ trợ thêm .

Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Việc chủng ngừa với hai liều Pfizer-BioNTech được báo cáo là có thể ngăn ngừa MIS-C ở trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Được biết, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy các bệnh nhân MIS-C bị bệnh nặng đều không được tiêm chủng vaccine COVID-19.

Nếu con bạn có các triệu chứng như sốt mà không rõ nguyên nhân hậu COVID-19, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. MIS-C có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng, và trẻ em phát triển tình trạng này nên được bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám càng sớm càng tốt.

Hậu COVID ở trẻ em, cha mẹ nên biết - Ảnh 4.
 

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường , bao gồm đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị COVID-19.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia: Trong 4 đến 12 tuần đầu tiên sau khi bị bệnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ hãy tập trung chủ yếu vào các phương pháp tiếp cận lối sống lành mạnh để giúp cải thiện các triệu chứng ở trẻ là tốt nhất. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, bác sĩ của con bạn có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung và có thể giới thiệu đến một phòng khám chuyên khoa, đa ngành hậu COVID-19.

3. Tăng sức đề kháng để "chiến thắng" hậu COVID

Theo BS. Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức: Sau khi khỏi COVID-19, trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng và không có dấu vết gì bởi khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm. Vì vậy, BS. Khánh nhấn mạnh cha mẹ không nên quá lo lắng, sợ hãi, tự kỷ ám thị cho rằng những biểu hiện ở trẻ sau khi đã khỏi bệnh là do di chứng để lại.

Còn BS Mạnh Cường - chuyên khoa nhi, BV Quân y 103 chia sẻ, tăng sức đề kháng cho trẻ chính là một chìa khóa quan trọng để chiến thắng COVID và hậu COVID-19. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và cho bé tập luyện nhẹ nhàng thay vì nghe các thông tin không đầy đủ rồi đi mua thuốc chữa hậu COVID-19. Cụ thể, cha mẹ hãy đảm bảo cho con một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý để duy trì thể lực. Cho con ngủ đúng giờ, không thức muộn để xem phim hay chơi game sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bé mất ngủ có thể cho bé nghe nhạc không lời để dễ ngủ hơn.

Hậu COVID ở trẻ em, cha mẹ nên biết - Ảnh 6.

Các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi McMaster khuyến khích các bậc cha mẹ và người giám hộ nên cho con cái của họ từ 5-11 tuổi chủng ngừa COVID-19. Ảnh: Internet

Một sức đề kháng đặc biệt nữa chính là hãy cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 khi có đủ điều kiện về độ tuổi... Với những trẻ mà cha mẹ e ngại chưa cho tiêm vaccine phòng COVID-19 hãy cho trẻ đi tiêm chủng để ngừa những nguy cơ do COVID và hậu COVID-19. Bởi theo TS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Dù ở thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ, không có nghĩa là giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Chính vì lý do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm phòng vaccine COVID-19."

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang