Bác sĩ Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Tại Việt Nam tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, mắc đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng đến bệnh lí thận, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, gây sâu răng, gút…”.
Khuyến nghị về chính sách trong kiểm soát đồ uống có đường, TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh hiện Việt Nam chưa có những chính sách tác động đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Do đó bà Hạnh kiến nghị cần tập trung nhóm chính sách để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. “ Đồ uống có đường cần bị áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời cần truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, giáo dục dinh dưỡng bà mẹ và học sinh về đồ uống có đường; Kiểm soát quảng cáo, tiếp thị đến trẻ em về loại sản phẩm này. Đồng thời giảm tính sẵn có của các sản phẩm không lành mạnh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn, bằng nhiều cách chẳng hạn như không bán những loại sản phẩm không lành mạnh tại các quầy bán nước tự động….”, bà Hạnh nói.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam cần có các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường .Cùng với đó kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường, đặc biệt là đối với trẻ em. Đặc biệt đánh thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, theo thống kê của WHO, hiện nay đã có trên 110 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt. “Có bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm khoảng 20% tiêu thụ nước ngọt. Tuy nhiên với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá”, ông Lâm nói. Đồng thời dẫn chứng ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung.
Ở Nam Phi, với mức thuế khoảng 12%, đã dẫn tới giảm tiêu thụ sản phẩm khoảng 15%. Vì thế chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Đồng thời nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường. Cùng với đó Việt Nam nên quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường. Nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh.
Liên quan tới giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường, hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, dự thảo bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.