Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản giao các sở ngành về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, có đề cập đến trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại” chỉ số AQI>300, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các Trường mầm non, Trường Tiểu học cho các cháu học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; tới Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp.
Vậy làm sao để biết được khi nào ô nhiễm chạm mức "nguy hại"?
Nhận biết ô nhiễm bằng mắt thường
Tạp chí khoa học ScienceDaily định nghĩa: “Sương mù là một loại ô nhiễm không khí, nó cơ bản là một dạng hỗn hợp của khói bụi và sương trong không khí”.
Sương mù là kết quả của một lượng lớn khí đốt than đá trong một khu vực và được gây ra bởi sự trộn lẫn giữa khói bụi, ozone, SO2, NO2 và CO trên mặt đất. Nó đặc biệt nguy hại cho trẻ nhỏ, người bị bệnh tim và phổi như khí thủng phổi, viêm phế quản hoặc hen suyễn.
Khi tiếp xúc với luồng sương mù có ozone cao, bạn sẽ dễ dàng gặp phải tình trạng như khó thở, đau khi hít sâu, thở khò khè, ho, đau đầu và cảm thấy mệt mỏi. Điều này là do các chất ô nhiễm đã bị tích tụ trong cơ thể gây suy giảm sức đề kháng, gây tổn thương và biến đổi ở não bộ.
Nó có thể gây ra sự kích ứng mắt và mũi, làm khô màng bảo vệ của mũi và cổ họng và cản trở khả năng của cơ thể chống lại nhiễm trùng, tạo điều kiện cho bệnh tật dễ dàng tấn công sức khỏe của chúng ta. Với những người có làn da nhạy cảm, họ sẽ bị dị ứng, nổi ban ngứa trên da, nổi mụn bất thường. Và đặc biệt, khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, bạn sẽ dễ dàng bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
Do đó, có thể nói lớp sương mù ngoài trời càng dày đặc thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc mức độ ô nhiễm không khí ở mức độ càng cao và nguy hại cho sức khỏe. Đây là cách nhận biết ô nhiễm không khí bằng mắt thường rất chính xác
Nhận biết ô nhiễm bằng ứng dụng đo lường chất lượng không khí
Tuy nhiên, để chắc chắn hơn bạn có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm trong không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên các ứng dụng đo lường chất lượng không khí quen thuộc như AirVisual, PAM Air…
Để kiểm tra chất lượng không khí thông qua các ứng dụng này, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Tải về ứng dụng AirVisual về điện thoại cá nhân..
- Bước 2: Khởi động dịch vụ GPS để kích hoạt tính năng tìm kiếm tự động vị trí. Sau đó, khởi động ứng dụng. Tại giao diện chính, hệ thống sẽ đưa ra các thông số về chất lượng không khí tại vị trí của bạn như chỉ số AQI, chỉ số PM 2.5, mức độ cảnh báo.
Tùy vào chất lượng không khí tại mỗi thời điểm, ứng dụng sẽ đưa ra các khuyến cáo phù hợp nhất cho bạn. Bên cạnh đó, ứng dụng còn cung cấp cả biểu đồ chất lượng không khí theo từng giờ, từng ngày.
Với mỗi chỉ số AQI khác nhau, tương ứng với mức độ ô nhiễm khác nhau, cụ thể như sau:
Khoảng giá trị AQI | Màu sắc | Chất lượng không khí | Mức độ ảnh hưởng sức khỏe |
---|---|---|---|
0 - 50 | Xanh | Tốt | Không ảnh hưởng. |
51 - 100 | Vàng | Trung bình | Mức không khí chấp nhận được. Những người dễ bị tổn thương, cơ thể yếu nên hạn chế ra bên ngoài. |
101 - 200 | Da cam | Kém | Những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng sức khỏe. Trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh tim, hô hấp hạn chế ra ngoài. Người bình thường có thể cảm thấy bị ảnh hưởng sức khỏe. |
201 - 300 | Tím | Không tốt | Người già, người bị bệnh tim, hô hấp bị ảnh hưởng sức khỏe. Trẻ nhỏ nên ở trong nhà. Người bình thường có thể cảm thấy bị ảnh hưởng sức khỏe, hạn chế tập thể dục ngoài trời |
> 300 | Nâu | Nguy hại | Tất cả mọi người không nên ra ngoài. |
Làm sao để bảo vệ bản thân khỏi sương mù ô nhiễm?
1. Xác định chất lượng không khí khu vực của bạn
Trước khi đi ra ngoài hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, bạn nên nhìn ra ngoài trời xem lượng sương mù ở khu vực của bạn ra sao rồi tiếp tục kiểm tra chỉ số chất lượng không khí trong khu vực của bạn thông qua các ứng dụng như đã nêu ở trên. Bằng cách này, bạn có thể quyết định khi nào bạn nên hay không nên ra ngoài trời để bảo vệ sức khỏe của bạn. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có thể là một nguồn thông tin để bạn kiểm tra.
2. Luôn sẵn sàng phương pháp y tế
Nếu bạn có vấn đề về tim hoặc hô hấp, tốt nhất bạn không nên ra ngoài trời khi sương mù ô nhiễm dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức đáng báo động. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên chuẩn bị đầy đủ thuốc hoặc các phương pháp y tế để phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Và tốt hơn, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
3. Tránh những khu vực ô nhiễm nặng
Khi hoạt động thể chất, bạn sẽ hít thở rất sâu và nhanh, như vậy sẽ khiến tự bạn “gom” ô nhiễm đưa vào cơ thể. Do đó, bạn nên hạn chế đến những khu vực ô nhiễm, đặc biệt có gắng hoạt động thể chất nhẹ nhàng khi ở những khu vực ô nhiễm nặng như các con đường lớn, mật độ giao thông dày đặc, khu công nghiệp.
Đặc biệt chú ý đến những triệu chứng bạn có thể cảm thấy khi ở ngoài trời. Nếu bạn cảm thấy khó thở, hãy ở trong nhà.
4. Trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh bắt buộc phải ở trong nhà khi sương mù dày đặc và ô nhiễm nặng. Người bình thường được khuyến cáo đặc biệt hạn chế ra bên ngoài.
Nguồn: ScienceDaily, Healthline, AQI và Quebec
link gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/hoc-sinh-duoc-nghi-hoc-khi-khong-khi-nguy-hai-nhung-cach-de-nhan-biet-khong-khi-o-nhiem-nang-ne-220192612222137884.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.