Từ những đợt giãn cách xã hội bởi Covid-19 trong hơn 1 năm trở lại đây, nhiều người mới phát hiện ra những điều hay ho, mới mẻ quanh mình dù đa phần thời gian chỉ chôn chân ở nhà. Mỗi người lại tự khám phá ra bản thân cũng biết nấu ăn, làm đồ handmade rồi thêu thùa may vá, trồng cây, cắm hoa,...
Cũng bởi những đợt ở nhà dài ngày thế này cùng những thay đổi của đời sống, xã hội mà bỗng nhiên chúng ta lại dần quen với những từ vựng tiếng Việt mà trước đó ít gặp hoặc thậm chí là chưa bao giờ gặp. Ngoài những công việc trên, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu xem các cụm từ mà người ta hay thấy nhiều trong mùa dịch có ý nghĩa gì và nên viết thế nào để không bị "cảnh sát chính tả" bắt lỗi nhé!
DÃN CÁCH hay GIÃN CÁCH?
Theo "Từ điển Tiếng Việt" do GS. Hoàng Phê làm chủ biên thì từ "dãn" có các nghĩa sau đây:
1. Tăng độ dài hoặc thể tích mà khối lượng không thay đổi (Ví dụ: Chiếc áo nãy bị dãn quá rồi!).
2. Trở lại trạng thái các cơ không còn co rắn lại, không còn biểu hiện của sự căng thẳng nữa. (Ví dụ: Các vận động viên đang dãn cơ trước giờ thi đấu).
3. Trạng thái không còn tập trung được nữa, mà thưa ra, trải rộng ra. (Ví dụ: Mọi người đứng dãn đội hình ra!).
4. Thải bớt, đuổi bớt (công nhân) (Ví dụ: Chủ mỏ tăng giờ làm và dãn thợ).
Cũng theo "Từ điển Tiếng Việt", định nghĩa từ "giãn" giống với "dãn", tức là dãn và giãn đều có mặt nghĩa tương tự nhau
Như vậy, có thể kết luận dãn cách hay giãn cách đều đúng với cùng tầng nghĩa là nới lỏng ra, không được tập trung lại, giữ khoảng cách với nhau.
Từ tầng nghĩa này, ta có cụm từ giãn cách xã hội được định nghĩa: Là sự cách ly địa lý, giữ khoảng cách an toàn giữa người - người, tránh sự tụ tập đông người.
Tuy nhiên, hiện tại, trong các văn bản hành chính, cụm từ "giãn cách" là cụm từ được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn cả.
DỊCH DÃ hay DỊCH GIÃ?
Trước hết, nếu từ dịch đã quá rõ về mặt nghĩa là chỉ dịch bệnh, căn bệnh có tính lây lan thì "dã" và "giã" lại khác nhau. .
"Dã" trong tiếng Việt có nghĩa là "làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể", như "dã độc", "dã rượu" hay "thuốc đắng dã tật".
"Giã" trong tiếng Việt có nhiều nghĩa hơn như:
1. "làm cho giập, nát hoặc tróc lớp ngoài bằng cách cho vào cối và dùng chày nện xuống liên tiếp", như trong "giã bột", "giã gạo";
2. "từ giã" (từ cũ), như trong "giã từ", "giã biệt";
3. "kết thúc, bắt đầu tan", là biến âm của "rã", như trong "giã đám", "giã hội";
4. "lưới hình túi do tàu thuyền kéo để đánh bắt cá và các hải sản khác ở tầng đáy hoặc gần đáy biển", như trong "kéo giã"; "thuyền dùng để kéo giã đánh cá", như trong "chiếc giã" và nghĩa chuyển từ loại "đánh cá và các hải sản khác bằng giã", như trong "đi giã", "nghề giã".
Trong các nghĩa trên, không có từ nào thích hợp với nghĩa của "dịch" trong "dịch bệnh" cả. Kể cả trong các từ điển Tiếng Việt đều không xuất hiện 2 từ "dịch dã" hay "dịch giã". Do vậy không thể xác định từ nào đúng chính tả trong 2 từ trên.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt có định nghĩa về từ láy là những từ được cấu tạo từ 2 tiếng, trong đó phần nguyên âm hoặc phụ âm được láy giống nhau hoặc chỉ 1 phần nguyên âm và phụ âm láy như nhau, đặc biệt là từ láy có thể chỉ 1 từ có nghĩa, có thể không từ nào có nghĩa khi đứng riêng một mình.
Nếu theo định nghĩa trên, có thể hiểu "dịch dã" cũng là một từ láy, trong đó từ "dã" không mang tầng nghĩa nào nếu bỏ qua 4 tầng nghĩa đã được giải thích phía trên, khớp với yêu cầu cần thiết để tạo nên 1 từ láy. Còn nếu là "dịch giã" thì từ này vừa không mang ý nghĩa lại không phải là từ láy.
DÃ CHIẾN là gì?
Dã chiến là không cố định, từ ngữ chuyên sử dụng trong quân đội. Trong chiến tranh, dã chiến có nghĩa là đánh nhau không có chiến tuyến nhất định, chủ yếu đánh vận động trên địa bàn ngoài thành phố. Các từ hay được ghép đôi với từ dã chiến là bộ đội dã chiến, sân bay dã chiến, lớp học dã chiến,…
Bệnh viện dã chiến là một bệnh viện được xây dựng tạm thời hoặc đơn vị y tế di động được thiết lập khẩn cấp. Mục đích để chăm sóc bệnh nhân trước khi chuyển họ sang các cơ sở lâu dài hơn. Ban đầu thuật ngữ này được dùng trong quân sự, tuy nhiên sau đó cũng được dùng trong tình huống dân sự chẳng hạn khi có thảm họa hay sự cố lớn.
Bệnh viện dã chiến tại TP.HCM.
THU DUNG là gì?
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016) đã định nghĩa "thu dung" (động từ) là đón nhận và cho ở.
Trong đó, giải nghĩa từ chữ Hán Việt, "thu" nghĩa là lấy về / nhận về; "dung" là chứa đựng /bao gồm".
Như vậy, thu dung trong trường hợp này có nghĩa là tổ chức tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho các bệnh nhân Covid-19 để khám và điều trị cho họ.
Một bệnh viện dã chiến thu dung tại TP.HCM.
DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ là gì?
"Di biến động" là một từ ghép với sự kết hợp của 3 từ Hán Việt gồm di, biến, động. Cả 3 đều có nghĩa khi đứng độc lập và đều nằm trong trường nghĩa là có sự thay đổi, dịch chuyển về không gian, thời gian. Cụ thể:
Di là di chuyển.
Biến là có sự biến đổi, biến chuyển nào đó về số lượng, chất lượng.
Động là sự chuyển động.
Như vậy, có thể hiểu khai báo "di biến động dân cư" là người dân "khai báo đi lại", "khai báo di chuyển".
Một chiến sĩ cảnh sát giao thông đang kiểm tra "di biến động dân cư" của một người dân khi di chuyển trong TP.HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Theo quy định, người dân khi di chuyển qua các chốt kiểm soát nội thành TP.HCM sẽ được lực lượng chức năng hướng dẫn và yêu cầu truy cập tại địa chỉ website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để kê khai thông tin di biến động hoặc quét mã QR code bằng ứng dụng Zalo để vào biểu mẫu khai báo.
Với trường hợp người dân không có điện thoại thông minh (smartphone), sẽ được phát phiếu khai báo y tế.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/hoi-kho-mua-dich-dan-cach-hay-gian-cach-di-bien-dong-dan-cu-thu-dung-hieu-chinh-xac-la-gi-22021198233556826.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.