Trong bài công bố trên tạp chí y học BMJ Open, nhóm khoa học gia từ Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Quốc gia về bệnh răng miệng của Bệnh viện Y học răng miệng Tây Trung Quốc (trực thuộc Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, Tứ Xuyên - Trung Quốc) đã khuyên mọi người nên thử một hũ sữa chua, súp miso hay vài thực phẩm lên men khác nếu hơi thở nặng mùi.
Họ chỉ ra nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi khó chịu dai dẳng chính là các hợp chất sulfuric dễ bay hơi, được tạo ra bởi vi khuẩn khu trú trong miệng.
Sữa chua hay các thực phẩm lên men vi sinh khác, vốn giàu lợi khuẩn probiotic, sẽ giúp ích trong việc cải thiện mùi hơi thở (Ảnh minh họa từ Internet)
Điều này xảy ra khi vi khuẩn gặp được các mảnh vụn thức ăn do việc vệ sinh răng miệng kém và cũng liên quan đến cơ địa một số người.
Các lựa chọn phổ biến để giải quyết là nước súc miệng, kẹo cao su, cạo vôi răng, cạo lưỡi... Nhưng nghiên cứu mới chỉ ra một cách trị "tận gốc" và đơn giản hơn: Thức ăn chứa lợi khuẩn probiotic.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của hai nhóm tình nguyện viên, một nhóm từ 23-68 tuổi, một nhóm 19-70 tuổi, thời gian theo dõi trung bình 2 đến 12 tuần.
Mức độ nghiêm trọng của chứng hôi miệng được xác định bởi mức độ của các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi được phát hiện trong miệng, hoặc điểm OLP - một chỉ số đo mùi hơi thở. Họ cũng phân tích một số yếu tố khác trên lưỡi và răng bệnh nhân, vốn có thể góp phần vào vấn đề.
Kết quả cho thấy khi tiêu thụ các thực phẩm giàu lợi khuẩn probiotic, chỉ số OLP giảm đáng kể. Tuy nhiên do men vi sinh chủ yếu tấn công các hợp chất lưu huỳnh trong hơi thở, nên nó chỉ có hiệu quả tạm thời nếu bạn có các tình trạng răng miệng kéo dài, ví dụ bị vôi răng.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng vẫn còn cần thêm những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với quy mô lớn để cung cấp bằng chứng vững chắc hơn về tác dụng của men vi sinh. Tuy nhiên đây là một gợi ý khá dễ dàng mà bạn có thể thử nếu gặp rắc rối với mùi của hơi thở.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.