Hơn 80 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành hoặc chờ duyệt tại Trung Quốc nhằm tìm kiếm phương pháp chống SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 khiến hơn 73.433 người nhiễm bệnh và ít nhất 1.873 người tử vong trên toàn thế giới cho đến nay.
Các dược phẩm mới cùng với những liệu pháp điều trị truyền thống hàng ngàn năm tuổi được đăng ký trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu y sinh của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo chỉ những thử nghiệm được tiến hành cẩn trọng mới giúp xác định phương pháp nào hiệu quả.
Bà Soumya Swaminathan, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết đội ngũ chuyên gia đang đánh giá nhiều cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc cũng như lên kế hoạch soạn thảo quy trình thử nghiệm lâm sàng để có thể áp dụng thống nhất trên khắp thế giới. Nếu những thử nghiệm ở Trung Quốc không được tiến hành theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt với tham số nghiên cứu như nhóm kiểm soát, tính ngẫu nhiên và cách đo kết quả lâm sàng thì nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ thất bại. Theo tạp chí khoa học Nature (Anh), WHO đang hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc để thiết lập tiêu chuẩn ngay từ đầu, như giai đoạn phục hồi hoặc suy yếu của người bệnh nên được đánh giá theo cùng một cách, bất kể phương pháp thử nghiệm.
Thăm khám cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán (Trung Quốc) hôm 17-2. Ảnh: REUTERS
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19, Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã cấp phép Công ty Dược phẩm Hải Chính Chiết Giang sản xuất lô thuốc Favilavir đầu tiên hôm 16-2. Favilavir, trước đây gọi là Favipiravir, là một loại thuốc kháng virus cho thấy hiệu quả trong việc chống SARS-CoV-2 và là loại thuốc điều trị đầu tiên được Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho phép bán ra thị trường kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Chính quyền tỉnh Chiết Giang hôm 16-2 cũng tuyên bố bổ sung Favilavir vào phác đồ điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Trong khi đó, dựa vào kết quả thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia Trung Quốc khẳng định Chloroquine Phosphate, một loại thuốc chống sốt rét, cũng có tác dụng chữa bệnh nhất định đối với người nhiễm SARS-CoV-2. Tờ China Daily (Trung Quốc) dẫn lời bà Tôn Yến Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hôm 16-2 cho biết các chuyên gia y tế đã nhất trí đưa Chloroquine Phosphate vào phác đồ điều trị và sẽ nhanh chóng đưa thuốc này vào thử nghiệm lâm sàng rộng rãi trong thời gian sớm nhất. Chloroquine Phosphate, loại thuốc điều trị bệnh sốt rét được sử dụng trong hơn 70 năm qua, đã được chọn trong hàng chục ngàn loại thuốc hiện có sau nhiều vòng sàng lọc. Bà Tôn cho biết thêm Chloroquine Phosphate hiện được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại 10 bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, ở các tỉnh Quảng Đông và Hồ Nam. Kết quả cho thấy các ca điều trị bằng thuốc này đều hiệu quả.
Remdesivir cũng được các nhà khoa học Trung Quốc xem là một trong 3 loại thuốc tiềm năng sau khi thử qua nhiều phương án. Trong khi Remdesivir đang được gấp rút thử nghiệm ở tâm dịch Vũ Hán thì Mỹ đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được chữa khỏi bệnh nhờ thuốc này. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), bệnh nhân nói trên trở về Mỹ sau khi thăm TP Vũ Hán hôm 15-1 thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Người này sau đó được cho thử nghiệm thuốc Remdesivir và hết sốt chỉ sau 1 ngày.
Giám đốc bệnh viện qua đời vì virus
Reuters ngày 18-2 trích dẫn truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho biết Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở TP Vũ Hán, ông Lưu Trí Minh, đã qua đời vì Covid-19 vào lúc 10 giờ 30 phút (giờ địa phương) cùng ngày, qua đó trở thành vị bác sĩ nổi tiếng thứ hai ở Trung Quốc thiệt mạng vì dịch bệnh này. "Bác sĩ Lưu Trí Minh qua đời vào sáng nay sau khi mọi nỗ lực cứu chữa thất bại" - CCTV thông báo.
Trước đó, vào đầu tháng này, hàng triệu người dân Trung Quốc khóc thương cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong những người cảnh báo đầu tiên về chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tuần rồi xác nhận 1.716 nhân viên y tế tại quốc gia này đã bị nhiễm Covid-19, trong đó 6 người thiệt mạng, tính đến thời điểm 11-2.
Trung Quốc đã điều động nhân viên y tế trên khắp cả nước để chữa trị và chăm sóc bệnh nhân, phần lớn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi bị xem là tâm dịch. Theo Bloomberg, tính đến ngày 14-2, hơn 25.000 nhân viên y tế, trong đó có bác sĩ và y tá đến từ các bệnh viện hàng đầu Bắc Kinh và Thượng Hải, đã được điều đến Hồ Bắc.
Cao Lực
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.