Cha mẹ nào cũng dành cho con tình yêu thương vô điều kiện, nhưng có những thời điểm trong cuộc đời, càng bao bọc, yêu thương con cũng chính là làm hại các bé. Sẽ đến lúc trẻ rời xa vòng tay bố mẹ để tập trưởng thành, nếu được trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống thì con hoàn toàn có thể sống thật tốt mà không dựa dẫm hay phụ thuộc vào cha mẹ.
Để con phát triển toàn diện, dạy trẻ tự lập là một phần không thể thiếu. Cha mẹ có thể tham khảo những việc nên dạy con tự lập dưới đây.
Để bé tự làm việc nhà, tự xúc cơm
Những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không được học con sẽ chẳng bao giờ biết. Vào thời điểm này, trẻ rất thích khám phá, tò mò. Con muốn được thử tự mình cầm thìa, đũa ăn cơm, tự mình quét nhà hay dọn đồ chơi. Bé có thể xúc cơm làm đổ ra ngoài, có thể quét nhà chưa sạch, dọn đồ chơi chưa đúng chỗ và việc của cha mẹ là hướng dẫn để con làm đúng.
Để khuyến khích con tự lập vào giai đoạn này, cha mẹ nên làm gương cho bé. Chủ động dành lời khen cho con, không chỉ trích khi bé chẳng may làm sai. Để con tham gia làm việc nhà không chỉ đem lại sự thích thú mà còn hạn chế những cơn ăn vạ của tuổi lên 3.
Ngoài tự làm việc nhà, ở độ tuổi này bé đã có thể tự xúc cơm ăn. Ngay từ khi con 1 tuổi, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ lấy đồ ăn bằng tay. Sau đó chuyển sang bộ đồ ăn đơn giản để con tập luyện các động tác tinh như cầm đũa, gắp thức ăn, cho cơm vào miệng, múc canh... Hãy để trẻ tự chọn món ăn con thích. Cho chúng tận hưởng độ ngọt của rau, vị ngon của súp, độ ăn của thịt, cá... Như vậy con sẽ cảm thấy hào hứng mỗi lần đến giờ ăn hơn.
Cho con tập ngủ riêng
Thời điểm 5 tuổi là lúc thích hợp để cho bé một không gian riêng của chính mình. Ngủ chung giường với bố mẹ lâu sẽ khiến con cái phụ thuộc, không có tính tự lập và dễ bị tổn thương. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ 5 tuổi cha mẹ đã nên tách phòng cho các con ngủ riêng. Bởi lúc này tâm lý trẻ đã nhận thức được tương đối và tâm lý tình dục của con đã phát triển.
Đầu tiên, hãy bài trí phòng ngủ của con thật đẹp. Nơi đó có những món đồ con thích, những chú gấu bông đáng yêu. Mẹ có thể ở lại đây sinh hoạt và chơi cùng bé, rồi vỗ về cho con ngủ để tạo cảm giác thân thuộc với căn phòng, giảm lo lắng. Dặn trẻ rằng bố mẹ ở ngay cạnh, nếu có vấn đề gì quan trọng thì có thể gọi mẹ đến. Những ngày đầu bé sẽ thao thức vì sợ và cô đơn, nhưng dần dần sẽ quen. Mẹ không được mềm lòng ngủ lại với con hay cho con sang phòng mình, sẽ rất khó dứt khoát sau này. Nếu trẻ đã đồng ý ngủ riêng thì phải tôn trọng cam kết và thực hiện đúng.
Dạy con tự chăm sóc bản thân
Theo các chuyên gia tâm lý, giai đoạn từ 0-6 tuổi là thời điểm quan trọng để giáo dục giới tính trẻ em. Khi tắm cho con, cha mẹ nên dạy bé về những khu vực nhạy cảm trên cơ thể, để con biết tự bảo vệ mình. Sau khi bé gái lên 3 tuổi, bố không còn thích hợp tắm cho con, còn mẹ vẫn có thế giúp con trai tắm rửa đến 5, 6 tuổi. Lên đến 6 tuổi, con sẽ cảm thấy lúng túng, xấu hổ khi có người khác trong phòng tắm. Vì vậy cha mẹ hãy nên chủ động rời đi và tôn trọng quyền riêng tư của con. Nếu sợ con tắm không sạch, cha mẹ có thể kiểm tra lại sai khi con tắm xong.
Ngoài ra, con cần biết những điều cơ bản như đánh răng, thay quần áo ở chỗ kín đáo, không được để ai chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, bảo vệ bản thân mình...
Để con có không gian riêng tư
Nhiều bố mẹ cho rằng giai đoạn này con còn quá nhỏ, bố mẹ phải được can thiệp vào cuộc sống của con. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Trẻ ở độ tuổi nào cũng cần được tôn trọng, cho con có quyền được quyết định. Ví dụ như nếu con thích màu xanh chứ không phải màu bạc mà bố mẹ thích trong phòng ngủ, hãy hỏi xem lý do dẫn đến quyết định của con và tôn trọng điều đó.
Đứa trẻ lớn hơn 1 chút là chúng đã tự ý thức được không gian riêng tư của mình. Cha mẹ đừng quá vô ý mà xâm phạm vào. Hãy tôn trọng con. Nếu cố tình vào phòng con 1 cách thiếu lịch sự, con sẽ cảm thấy mình bị kiểm soát không gian. Trước khi vào phòng con, cha mẹ hãy gõ cửa. Cảm giác ranh giới này sẽ khiến trẻ thoải mái. Một đứa trẻ được tôn trọng có thể học được cách tôn trọng người khác.
Để con vào bếp
Không phải đợi đến con 12 tuổi cha mẹ mới hướng dẫn con vào bếp mà ngay từ khi chúng còn nhỏ, phụ huynh nên "truyền lửa" thích nấu ăn cho con. Có thể cho con chơi đồ hàng, tập nấu ăn hoặc đứng bên mẹ mỗi ngày để học được cách chế biến...
Tất nhiên, sẽ có những nguy hiểm xảy ra, bố mẹ nên đồng hành và hướng dẫn con. Thi thoảng, con có thể làm đổ, vỡ bát đĩa, thậm chí là nấu không ngon nhưng dần dần bé sẽ học được những kỹ năng cần thiết cho sau này.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.