Mỗi lần về miền Tây, là dường như trong tui có đến hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện muốn kể. To có, nhỏ có, có chuyện chỉ bé tí ti, nhưng chuyện nào nghe xong cũng khiến tui thương nhớ.
Huy - cậu bé đen nhẻm, đầu trần, chân đất đứng giữa đồng ruộng khô hạn ở Gò Công Tây từng hỏi tui rằng: "Sao chú không đi chơi nơi khác mà về đây vậy ạ, chỗ con nắng lắm, không có gì vui đâu?", rồi cười toe toét, mời mọc: "Xíu chú ghé vô nhà con chơi nha, mẹ con nấu cơm cho ăn".
Nghĩ cũng ngộ, người miền Tây là vậy đó, thấy quý là chia sẻ, thấy thương là cưu mang. Có thể trong nhà Huy, chẳng có heo bò, gà vịt hay món ngon vật lạ để đãi khách. Nhưng chắc chắn một điều, phía sau nhà lúc nào cũng sẵn mớ rau, hay ra ao bắt vài con cá để làm bữa cơm đạm bạc, thết đãi chúng tui.
Hổng biết tại sao, cứ về miền Tây thì tui lại cười tủm tỉm suốt ngày. Dù cho đang có chuyện không vui, chỉ cần nghe cái giọng the thé "mèn đét ơi, ta nói…" của mấy bà thím cất lên là bao nhiêu buồn bực đều tan biến. Kỳ lạ ghê!
Bữa nọ ghé Giồng Trôm (Bến Tre), vì quá tin tưởng cái sự chỉ đường của Google map nên tui đi lạc vào trong cái đường bé xíu xiu. Cũng may cách vài trăm mét đường lại có một căn nhà xuất hiện, lòng vòng khoảng 20 phút, tui mới tìm được một quán nước để hỏi thăm.
2 đứa tui kêu 2 chai nước suối sau một buổi sáng uống đầy bụng cà phê, nước ngọt. Thấy nải chuối để trước bàn, thèm quá tui bèn hỏi mua. Lúc tính tiền, giá mỗi chai nước là 3.000 đồng, nải chuối hết 7.000 đồng. Hết hồn tui mới quay lại hỏi dì có tính nhầm không, mặt lúc đó đúng kiểu không tin vào tai mình. Trong bụng thầm nghĩ "Chèn ơi, ở trên Sài Gòn làm gì có cái giá này".
Ở Sài Gòn, 5.000 đồng hay 10.000 đồng, tui chỉ có thể dùng để gửi xe máy. Nhưng ở miền Tây, bây nhiêu thôi đã đủ để tui ăn sáng hay làm một tách cà phê.
À để tui kể tiếp, sau khi loay hoay tìm đường từ Giồng Trôm về Vĩnh Long, tui có đi ngang Mỏ Cày Bắc (Bến Tre). Do chạy xe lúc 12h trưa nắng quá, tụi tui mới tìm một quán cà phê để tấp vào. Thế là "sốc giá" thêm một lần nữa, chỉ bằng một nửa so với ở Sài Gòn. Tui với thằng bạn nhìn nhau cười thầm, rẻ ghê á.
Và tất nhiên, những ngày sau đó, dù đi ăn hay đi uống, tui đều dọn sạch tâm hồn để nghe những mức giá "siêu rẻ" mà chỉ ở miền Tây mới có. À mà khoan, cũng có vài trường hợp tui bị hố, nhưng so với Sài Gòn đắt đỏ, thì cái gì ở nơi này cũng rẻ hơn bội phần.
6h sáng, tui với nhỏ em đang tìm chỗ gửi xe để đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) thì một dì khoảng 50 tuổi xuất hiện. Trong bụng tui nghĩ chắc cò mồi đi chợ nổi đây mà nên cố tỏ vẻ "làm lơ", thế là dì bèn cất giọng: "Hai đứa có đi chợ nổi không, bến phà đóng cửa rồi, nhà dì có đò đưa đi nè tụi con".
Thấy dì niềm nở, tui mới lại để hỏi thăm.
- Tụi con đi chợ nổi thì bao nhiêu tiền ạ?
- 200 ngàn/đò, tụi con muốn đi bao lâu cũng được, chồng dì chở đi vòng vòng tham quan luôn.
Nhìn tui có vẻ do dự, dì nói tiếp:
- Tụi con hông cần trả giá đâu, dì bớt cho luôn. Giờ hén, 2 đứa con cho dì xin 150 ngàn thôi, đi bao lâu cũng được, con đi 2 đứa chứ 4 - 6 đứa dì cũng lấy 200 ngàn/đò à.
Chốt được kèo "ngon", tui với nhỏ em vi vu một vòng chợ nổi. Ta nói nó đã gì đâu, không khí thì mát rượi, thuyền bè tấp nập bán buôn, ai đi qua đi lại cũng cười đùa vui vẻ. Lâu lâu lại nghe văng vẳng tiếng đờn ca tài tử, giọng mấy chị, mấy dì cất lên câu hát, câu hò miền sông nước.
"Ai mua bánh bò hông, ai mua bánh bò hơ".
"Bún thì giá cả bình dân, ăn không ngon không tính tiền, karaoke giao lưu, hát hay hơn chủ thì khuyến mãi cả đoàn đây bà con ơi!".
Đợt rồi ở Mỹ Tho, vì cái tính tò mò nên tui xách xe chạy đi tìm bến phà tạm Rạch Miễu. Ta nói nó xa gì đâu, chạy cả chục cây số mới đến nơi. Lúc đó trời đã chập choạng tối, ở bãi đất trống trước bến phà, 5 - 7 đứa con nít túm lại với nhau chơi thả diều, đuổi bắt.
Thấy tui cầm cái máy ảnh chụp choẹt xung quanh, tụi nó bèn hỏi.
- Chú chụp gì vậy chú, chú ở Sài Gòn xuống ạ, chú tên gì dạ?
Chưa kịp trả lời, tụi nhỏ đã thi nhau giới thiệu tên của mình như cái cách làm quen của mấy đứa con nít miền Tây.
- Con tên Tài (tụi nhỏ đứng kế bên í ới: Nó tên Đen đó chú rồi cười lớn), kia là Thịnh đẹp trai, Kiệt áo hồng, Khang, Như…
Sau một hồi, y như rằng bắt được tần số, tụi nhỏ cứ ríu ra ríu rít cười đùa, kể cho tui nghe mấy câu chuyện "trớt quớt".
Thằng Tài chạy lại chỗ tui nói nhỏ:
- Chú chú, chụp cho con này tấm hình đi chú!
Nói đoạn, Tài chỉ tay về phía Như. Con bé 8 tuổi thấy vậy làm duyên, cười toe toét.
Tui: 1, 2, 3 chụp nè!
Tụi nhỏ: Đâu đâu, cho con xem hình với.
Rồi 5 - 7 đứa túm tụm lại coi ảnh, coi xong thì đứa nào đứa nấy cười như được mùa. Vậy mà vui ghê!
Sau một đêm ngủ lại Tiền Giang, 2 đứa tui quyết định dậy sớm để đi một vòng thành phố. Trời xui đất khiến thế nào, trong lúc tìm quán ăn sáng thì phát hiện ở góc đường Trịnh Hoài Đức - Đinh Bộ Lĩnh (phường 2, TP. Mỹ Tho) có quán cà phê siêu đẹp.
À nó không phải kiểu sang chảnh gì đâu nghen, chỉ là hơi cổ điển, cà phê được pha bằng phin và có hơn 50 năm tuổi đời.
Thằng bạn kêu ly cà phê đen, còn tui chọn riêng cho mình cà phê sữa đá. Ngồi một lúc, tụi tui xin chụp hình không gian quán.
Tụi con chụp thoải mái hen - cô chủ vừa nói, vừa hí hoáy làm cà phê cho khách.
- Tụi con ở đâu lại, đi chụp hình vầy có làm gì không? - Một chú tiến lại gần, hỏi thăm.
- Dạ, tụi con thấy quán đẹp nên chụp chơi chơi ạ. Con chụp chú một bức hình nghen!
- Được được, để chú chỉnh lại tóc, coi đẹp trai chưa đã hen!
Chú là Văn Tùng, em trai của cô Hồ Hương (chủ quán), phía sau chú còn có một người em gái nữa. Cả 3 chị em nối nghiệp cha mẹ để bán cà phê, quán tuy nhỏ nhưng luôn thu hút khách ghé lại, phần vì giá cả bình dân, phần vì hương vị lạ của những giọt cà phê được pha bằng phin truyền thống.
Tiện thể có máy ảnh, thằng bạn tui chụp cho mỗi cô, chú một bức hình kỷ niệm.
- Nhìn 3 chị em có ai giống ai đâu - Cô Hương nói rồi tự cười, vẻ thích thú.
9h sáng, thấy trời bắt đầu nắng gắt, tui gọi tính tiền để kịp qua Bến Tre. Nhưng mà cô Hương nhất quyết xua tay, không lấy tiền.
- Tụi con đi đi, có đáng bao nhiêu đâu mà gửi chèn!
Vì ngại quá, tui cương quyết dúi 40 ngàn vào tay cô Hương. Sau một hồi đưa qua đẩy lại, cô chịu lấy một nửa, giọng buồn thiu.
- Mấy đứa kỳ quá, đã bảo không lấy rồi. Lần sau có xuống đây nhớ ghé quán cô chơi nha!
Người miền Tây là vậy, hổng phải họ chê tiền hay gì cả, chỉ đơn giản thấy quý là chia sẻ, thấy thương là cưu mang.
Bữa ở lại Cần Thơ, tui có ghé ngang chợ Xuân Khánh để chụp hình. Vô tình gặp thằng nhóc 5 tuổi ngồi một mình trước cổng chợ, thấy lạ, tui bèn hỏi:
- Sao con ngồi đây một mình vậy?
Nó: Con đợi cha, cha con đi làm ở trong kia kìa (hướng vào chợ).
Cách đó vài bước chân, mấy dì bán trái cây, hàng rong trước cổng chợ nhìn tui, bắt chuyện:
- Tội thằng nhỏ, nghe đâu mẹ nó bỏ đi đâu rồi, ngày nào cha đi làm cũng ra đây đợi. Mà nói nghe, con từ đâu lại vậy, rảnh rảnh ngồi đây nói chuyện chơi.
Tám chuyện một lúc, thằng nhỏ nói thèm ăn bánh sô-la, mà lúc đó tui hông biết chỗ bán. Thế là nó bảo để nó dắt tui đi, lúc đầu có hơi sợ vì nó mới 5 tuổi, lỡ người ta kêu tui bắt cóc con nít thì khổ.
Tui bèn để thằng em đi cùng ở lại làm "con tin", 2 chú cháu mới dám đi tới tiệm tạp hóa mà mua bánh. Nhìn thằng nhỏ ăn ngấu nghiến cái bánh rồi cười hiền khô, tự dưng tui thấy thương quá trời!
Trong lúc vi vu Cần Thơ, vì đói bụng, tui dừng lại ở xe xôi của dì Sáu. Mà nói nghe, bả bán có 10 ngàn/phần mà nhiều quá trời luôn. Thấy có vài người khách ghé mua, có người quên mang tiền, dì Sáu vẫn vui vẻ cho thiếu.
- Bán thiếu mình không sợ hả dì? - Tui buột miệng hỏi.
- Mèn ơi, có nhiu đâu con, dì bán mấy chục năm rồi. Bữa hổm có ông kia mua bịch xôi đưa tờ 500 ngàn, dì đâu có tiền thối cho nợ, mấy hôm sau ổng quay lại trả. Mà nói nghe, có mấy lần dì cho thiếu mà họ không có lại trả. Dì buồn chút xíu rồi thôi, biết đâu họ đang khó khăn hay gì.
5 ngày ở miền Tây, tuy không nhiều nhưng đủ để tui cảm nhận được cái miền đất rộng lớn và trù phú cũng giống như cái tình người ở nơi này. Dẫu không có nhiều danh lam thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhưng với tui, miền Tây luôn đẹp bởi những tấm lòng chân phương của người dân quê.
Vậy nên, khi nào rảnh, tui lại làm một chuyến về miền Tây. Cái vùng đất gì lạ ghê, càng đi nhiều càng thấy thương, thấy nhớ!
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.