Andrew Christensen, Giáo sư tâm lý học tại trường đại học UCLA (Hoa Kỳ), người từng viết sách về chủ đề “giảm xung đột hôn nhân”, giải thích rõ hơn về điều này: “Trong hôn nhân, con người khó có thể thay đổi cho dù đối tác của họ đòi hỏi như thế nào”.
Christensen giải thích: “Chúng ta không thể thay đổi bản chất cơ bản của mình ngay cả khi chúng ta cố gắng, và thật vô ích khi ai đó yêu cầu chúng ta thay đổi”.
Ngoài viết sách, Christensen đã tiếp xúc với hàng trăm cặp vợ chồng trong hơn 20 năm làm công việc trị liệu. Ông nói: “Để yêu và kết hôn với một ai đó, bạn phải chấp nhận bản chất con người của họ”.
Hai vấn đề chính cần được giải quyết trong hôn nhân
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng khi mới bắt đầu mối quan hệ, chúng ta không nhận thấy hoặc không chú ý đến những khác biệt. Khi những khác biệt trở nên rõ ràng, chúng ta thường có “ảo tưởng” rằng mình có thể khiến người bạn đời của mình thay đổi.
“Chúng ta muốn đối tác của mình thừa nhận chúng ta đúng và thực hiện những thay đổi mà chúng ta cho là cần thiết. Hầu hết những nỗ lực của chúng ta nhằm thay đổi đối tác đều được thúc đẩy bởi ảo tưởng này, và hầu hết không thành công”, Christensen nói.
Theo Christensen, trong hôn nhân, giải pháp khả thi hơn là chấp nhận những thiếu sót của người bạn đời.
Các cặp vợ chồng tranh cãi về đủ thứ chuyện, nhưng phổ biến nhất là những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những hành động thiếu chú ý và những hành vi thiếu tôn trọng thường ngày khiến chúng ta tổn thương và tức giận.
Christensen cho rằng hai vấn đề chính cần được giải quyết trong hôn nhân liên quan đến sự gần gũi và quyền lực. Các cặp vợ chồng cần đưa ra những quy tắc riêng phù hợp nhất với mình.
Christensen gợi ý: “Sự gần gũi có thể mãnh liệt đến mức một hoặc cả hai hầu như không tồn tại ngoài mối quan hệ của họ hoặc ở một thái cực khác, ngày càng xa đến mức họ sống trong những thế giới hoàn toàn tách biệt.
Các cặp vợ chồng phải tìm ra mức độ gần gũi của riêng mình để đáp ứng nhu cầu về sự đồng hành và thân mật mà không cướp đi nhu cầu độc lập của họ. Không có mức độ gần gũi phù hợp cho một ai; những gì phù hợp với cặp đôi này có thể gây ngột ngạt cho một cặp vợ chồng khác. Tất cả chúng ta đều khác nhau ở mức độ gần gũi và khả năng tự chủ, và sở thích của chúng ta thay đổi theo thời gian”.
Ngoài việc có quan điểm tương thích về mức độ gần gũi, các cặp vợ chồng cũng nên phân chia quyền lực và trách nhiệm đối với các vấn đề như công việc gia đình và chăm sóc con cái theo nhu cầu, sở thích và khả năng của họ.
Không nên chịu đựng bạo lực hoặc lạm dụng tình cảm
Quan niệm “lạt mềm buộc chặt” có lẽ không nên áp dụng trong mọi cuộc hôn nhân, bởi sự khéo léo, tinh tế, bao dung và chịu đựng của phụ nữ hầu như không có tác dụng đối với người đàn ông bạo lực.
Christensen từng viết trong một cuốn sách: “Bạo lực không nên được chấp nhận trong bất kỳ mối quan hệ nào và cũng không nên lạm dụng tình cảm bằng lời nói. Mặc dù các cặp vợ chồng đưa ra quy tắc riêng về hầu hết các vấn đề, nhưng lạm dụng thể chất và tâm lý là một khía cạnh mà bạn có quyền lên án”.
Đối với những cặp vợ chồng mà người phụ nữ bị đánh đập và đe dọa, việc trị liệu có thể gây nguy hiểm cho những người phụ nữ này và có thể dẫn đến các giai đoạn bạo lực khác. Không nên coi vấn đề bạo lực của người chồng như thể đó là vấn đề bình thường trong hôn nhân.
Ngừng hành vi bạo lực là trách nhiệm của người chồng. “Giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề hành hung là để phụ nữ ra đi. Chúng tôi khuyên những phụ nữ bị bạo hành hãy nghĩ đến việc trốn thoát một cách an toàn.
Trong những mối quan hệ không lạm dụng thể chất, trị liệu có thể giúp nhiều cặp vợ chồng giải quyết vấn đề và cải thiện mối quan hệ của họ, nhưng với điều kiện cả hai người đều chân thành muốn mối quan hệ thành công và sẵn sàng đóng góp công sức và tình cảm của mình để giải quyết vấn đề”, Christensen nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.