Không phải học thật giỏi, chơi thật giỏi mới là cách giúp con kiếm được thật nhiều tiền trong tương lai

Mỗi đứa trẻ đều bắt đầu hành trình cuộc đời bằng một tiềm năng đáng kinh ngạc với tư duy sáng tạo, tiếp cận thế giới bằng sự tò mò, các câu hỏi và mong muốn vô hạn được tìm hiểu về thế giới và bản thân thông qua các trò chơi.

Tuy nhiên, tiềm năng của trẻ thường bị ăn mòn, thậm chí xóa bỏ bởi những phương pháp giáo dục cứng nhắc khi trẻ đến trường.

Thử nghiệm Torrence về tư duy sáng tạo cho thấy khả năng sáng tạo ở trẻ suy giảm dần theo thời gian. 98% trẻ em ở các trường mẫu giáo đều là “thiên tài sáng tạo”. Các bé có thể nghĩ ra vô vàn các cách sử dụng một chiếc kẹp giấy. Khả năng này giảm đáng kể khi trẻ bắt đầu đi học và ở độ tuổi 25, chỉ có 3% còn giữ được khả năng sáng tạo tuyệt vời. Hầu hết chúng ta chỉ đưa ra được một hoặc một số cách sử dụng kẹp giấy mà thôi.

Thử nghiệm Torrence cho thấy khả năng sáng tạo của trẻ suy giảm dần theo thời gian (Ảnh minh họa)

Ngoài lề một chút, bạn có biết rằng chỉ với 6 viên gạch Lego tiêu chuẩn có đến 915 triệu cách sắp xếp chúng?

Sai trọng tâm của giáo dục

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố Báo cáo về nguồn nhân lực với tiêu đề tạm dịch là “Chuẩn bị cho trẻ vì tương lai của công việc.” Báo cáo này cho biết nhiều hệ thống giáo dục hiện nay không quan tâm đến những kỹ năng cần thiết để con người có thể hoạt động và phát triển trong các thị trường lao động hiện nay.

Báo các cũng nhấn mạnh rằng các trường học có xu hướng tập trung phát triển khả năng nhận thức hoặc các kỹ năng trong những môn học truyền thống nhiều hơn là các kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo hoặc hợp tác.

Các phương pháp giáo dục truyền thống chưa thực sự quan tâm đến các kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo hoặc hợp tác (Ảnh minh họa)

Theo bản báo cáo, vấn đề này cần được quan tâm xem xét trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Những kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phê phán và sự sáng tạo là ba kỹ năng quan trọng nhất mà một đứa trẻ cần phải có.

Hãy dành một chút thời gian để thấy rằng, yếu tố sáng tạo đã nhảy từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 3 trong danh sách những kỹ năng cần thiết phải xây dựng cho một đứa trẻ chỉ trong 5 năm.

Ngoài ra, trí tuệ cảm xúc, tính linh hoạt trong nhận thức cũng được đưa vào danh sách những kỹ năng cần thiết phải có cho đến năm 2020.

Thật đáng lo ngại, những kỹ năng này thường không được chú trọng rèn luyện trong những ngày học thông thường của trẻ, nơi mà các tiêu chuẩn vẫn là phương pháp dạy học chính và chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ.

Sự cần thiết của những trò chơi dành cho trẻ

Một nghiên cứu thực hiện tại New Zealand so sánh những đứa trẻ đã học cách đọc khi 5 tuổi và những trẻ học khi 7 tuổi. Đến khi những đứa trẻ này đều 11 tuổi thì tất cả đều có khả năng đọc thành thạo. Tuy nhiên những đứa trẻ học đọc muộn hơn lúc 7 tuổi thì mức độ hiểu biết lại cao hơn.

Một trong những điều giải thích cho sự “bất hợp lý” này là do những đứa trẻ học đọc muộn có nhiều thời gian để khám phá thế giới xung quanh thông qua các trò chơi.

Trẻ sẽ học được nhiều hơn thông qua các trò chơi (Ảnh minh họa)

Rõ ràng việc chuẩn bị cho tương lai của trẻ đòi hỏi phải có sự đổi mới các khái niệm về học tập và giáo dục. Biết cách đọc, viết và làm toán vẫn rất quan trọng đối với trẻ em. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng có sự kết nối chặt chẽ và phát triển năng động hơn, thì việc một người sẽ phải thay đổi công việc nhiều lần trong suốt suộc đời mình, thậm chí là làm cả những công việc chưa hề tồn tại ở thời điểm hiện tại là điều sẽ xảy ra.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta nâng cao được những kỹ năng nói trên và duy trì khả năng tự nhiên của trẻ để giúp chúng học hỏi suốt cuộc đời thay vì bị xói mòn khi bước vào học chính quy?

Cách thức để đạt được điều này đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều. Hãy để trẻ tham gia nhiều trải nghiệm tích cực và vui tươi. Các hình thức trò chơi khác nhau sẽ cung cấp cho trẻ cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội, tình cảm, thể chất và sự sáng tạo.

Để trẻ chơi suốt cuộc đời

Khi đã biết rằng nhu cầu cấp bách hiện nay là phải phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phê phán và sự sáng tạo, thì điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng những kỹ năng này được xây dựng bằng cách học thông qua trò chơi trong suốt cuộc đời.

Khi chúng ta đầu tư cho tương lai của trẻ, hãy đảm bảo trẻ được học tập theo hai hướng truyền thống và học bằng trò chơi. Ép những đứa trẻ 3 tuổi học bảng chữ cái, số học không giúp chúng trở nên giỏi giang hơn.

Khả năng tự nhiên của trẻ sẽ được phát triển và duy trì thông qua các trò chơi. Cách học này tốn chi phí thấp nhất những lại hiệu quả nhất trong việc trang bị cho trẻ những kỹ năng quan trọng để phát triển trong tương lai.

Theo Weforum

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang